Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người nghèo giữ vai trò trung tâm, chủ động, tích cực

Cập nhật: 17:16 ngày 20/12/2017
(BGĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo, mỗi giai đoạn tiêu chí hộ nghèo lại được nâng cao, phương pháp tiếp cận toàn diện hơn bảo đảm theo chuẩn quốc gia và thế giới. Qua hơn một năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 áp dụng tiêu chí đa chiều, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những vấn đề liên quan.
{keywords}

Chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Tân Lập, xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn.

Xin ông cho biết những ưu điểm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình?

{keywords}

Ông Trương Đức Huấn.

Trước đây giảm nghèo chỉ căn cứ vào tiêu chí thu nhập, nay ngoài thu nhập còn có 5 tiêu chí (mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin), yêu cầu giảm nghèo đồng bộ, khó hơn, cần nguồn lực lớn hơn song kết quả vững chắc hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Ngoài tổng rà soát hằng năm thì hằng tháng đều tiến hành rà soát để linh hoạt bổ sung hộ nghèo mới phát sinh, công nhận hộ thoát nghèo. Nhờ đó bảo đảm người nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ kịp thời để ổn định cuộc sống. Do người nghèo có quyền đăng ký vào diện nghèo hoặc thoát nghèo nên phát huy được sự chủ động của người dân và quyền bày tỏ chính kiến, được chứng minh những tiêu chí để chính quyền công nhận. Các chính sách giảm nghèo đều tạo điều kiện để người nghèo phát huy hết khả năng thoát nghèo và cộng đồng dân cư giám sát.

Bộ công cụ hướng dẫn rà soát, thống kê theo Thông tư số 17 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã giúp khắc phục sự lạm dụng trong công nhận hộ nghèo; hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu kiện của người dân. Trong năm qua, Sở chỉ tiếp nhận một vài trường hợp đề nghị công nhận hộ nghèo chứ không phản ánh sai phạm như đã từng xảy ra trước đây.

Vai trò của người nghèo thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo được nâng cao hơn bởi chương trình chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Bên cạnh đó, vì tiếp cận theo chuẩn đa chiều nên Nhà nước cũng đầu tư hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Tăng cường phân cấp cho cơ sở, gắn và phát huy vai trò cộng đồng theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ những gì người dân không làm được, Nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện. Thống nhất phương thức thực hiện trong tất cả các dự án, tiểu dự án của Chương trình nhưng có sự ưu tiên hỗ trợ theo từng nhóm đối tượng, trước hết là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Nguồn lực thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, tuy nhiên việc huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng đặc biệt là sự đóng góp của người nghèo cũng đã được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án.

Xin ông cho biết kết quả cụ thể sau hơn 1 năm triển khai chương trình?

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH sau đợt điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2017, toàn tỉnh có hơn 42,8 nghìn hộ nghèo, chiếm 9,55%, giảm hơn 8,9 nghìn hộ (tương đương 2,17%); hộ cận nghèo 8,02%, giảm 0,37% so với năm 2016. Đặc biệt, do tập trung nguồn lực và các biện pháp chỉ đạo nên 4 huyện miền núi của tỉnh đều có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Cụ thể: Lục Ngạn giảm 3,18%; Lục Nam giảm 3,81%; Yên Thế giảm 3,22%; Sơn Động giảm 5%.

Triển khai Chương trình giảm nghèo theo chuẩn đa chiều gặp phải những khó khăn và hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?

Thực tế triển khai chương trình, ngành đã rút ra nhiều kinh nghiệm, có những điều chỉnh nhất định trong tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh. Về cơ bản, các tiêu chí cũng như cách làm nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan và nhân dân. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi giai đoạn, tỉnh đều thực hiện các chương trình hỗ trợ cụ thể. Ví như Chương trình hỗ trợ 28 xã nghèo, 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ qua nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ phát triển sản xuất; mua BHYT cho người nghèo, cận nghèo…

Tuy vậy, giảm nghèo theo chuẩn đa chiều vẫn còn một số khó khăn như: Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng núi còn tư tưởng trông chờ; nhận thức về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân không đồng đều. Nguồn lực đầu tư cho thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo còn hạn chế...

Để chương trình đạt được hiệu quả, ngành sẽ tham mưu cho BCĐ Giảm nghèo tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH nhất là ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thực hiện các nhiệm vụ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; xúc tiến, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh để thúc đẩy phát triển KT-XH, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.

Kim Hiếu (thực hiện)

Ông Hoàng Văn Anh, cán bộ LĐ-TB&XH xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa)

Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại

{keywords}

Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo xã Hoàng Lương giảm đáng kể. Năm 2017, toàn xã còn 71 hộ nghèo, chiếm 4,74%, giảm 1,44% so với năm 2016. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm phát sinh hộ nghèo mới tạo áp lực cho các chính sách an sinh xã hội đi kèm. Nguyên nhân là do ở nông thôn, chuyện lo cái ăn, cái mặc được xem là quan trọng nhất nên đôi khi người dân xem nhẹ các nhu cầu xã hội khác. Hành trình thoát nghèo của nhiều người dân vẫn gặp phải rào cản lớn nhất là tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì có quá nhiều chính sách hỗ trợ như: Phân bón, vốn, giống, bảo hiểm y tế, tiền điện…nên nhiều gia đình không muốn ra khỏi hộ nghèo. Có những trường hợp con cái tách bố mẹ già thành một hộ riêng để được nhận trợ cấp. Để thay đổi những hạn chế về nhận thức thì không có biện pháp nào hiệu quả bằng công tác tuyên truyền.

Anh Vi Văn Thanh, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam)

Thành lập tổ liên kết sản xuất, giúp nhau thoát nghèo bền vững

{keywords}

Được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo nên năm 2013, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích vải thiều, sắn cho thu nhập thấp sang trồng dứa. Đến nay, với 0,5ha dứa, gia đình tôi thu lãi gần 50 triệu đồng/vụ. Hiện nay, xã tiếp tục vận động bà con, đặc biệt hộ nghèo chuyển đổi diện tích vườn đồi sang trồng dứa; thường xuyên tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học để người dân canh tác hiệu quả, hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Quan trọng hơn, nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, ngoài cải tạo đường giao thông liên thôn thì cần xây dựng những tổ liên kết sản xuất. Theo đó, hộ dân dễ dàng hỗ trợ nhau về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm. Với những hộ nghèo được tham gia thì nguồn hỗ trợ càng trở nên ý nghĩa, tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đỗ Quyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...