Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tái cơ cấu doanh nghiệp thủy lợi: Tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả tưới tiêu

Cập nhật: 14:23 ngày 14/07/2017
(BGĐT) - Nhân lực tại một số công ty thủy nông dôi dư cộng với nhiều công trình xuống cấp khiến cho công tác thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn không ít hạn chế. Trước thực tế này, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện sáp nhập, rà soát để tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động.
{keywords}

Đập tràn hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn).

Lao động dôi dư, hạ tầng xuống cấp

Toàn tỉnh có 5 công ty thủy nông gồm Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (gọi tắt Công ty Thủy nông) Sông Cầu, Cầu Sơn, Yên Thế, Lục Ngạn và Nam Yên Dũng quản lý hàng nghìn hồ đập, kênh mương, trạm bơm. Những năm qua, các công ty cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình tưới, tiêu phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, quá trình điều hành tại một số đơn vị còn nhiều bất cập, trong đó nổi lên là việc tuyển lao động tăng cao so với định biên.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt bộ định mức kinh tế, kỹ thuật cho các công ty với số lao động là 696 người nhưng thực tế là 770 người, như vậy chênh lệch 74 người và hiện nay là hơn 900 người. Nguyên nhân là do một phần việc tuyển người của chủ doanh nghiệp (DN) có nhiều sai phạm. 

Tại Công ty Thủy nông Cầu Sơn, khi còn làm Giám đốc của Công ty này, ông Trần Văn Đồng tuyển dụng mới 112 lao động từ đầu năm 2013 đến tháng 2-2016. Đáng chú ý là mặc dù tháng 10-2014, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các công ty giữ nguyên bộ máy song Công ty Thủy nông Cầu Sơn vẫn ký hợp đồng với 32 người.

{keywords}

Công nhân Trạm bơm Cống Bún (TP Bắc Giang) vận hành thiết bị tiêu thoát nước.

Ngoài ra, đơn vị còn tuyển những người có trình độ đào tạo không phù hợp như: Sư phạm, tài chính, kế toán... làm công tác thủy lợi. Mặt khác việc tu bổ, sửa chữa công trình một số năm trước của Công ty không theo kế hoạch, cấp bù không đủ chi dẫn đến nợ đọng nhiều (hơn 7 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có đơn vị bố trí nhân lực chưa hợp lý. Chẳng hạn Trạm bơm Cống Bún (Công ty Nam Yên Dũng) gồm 24 máy bơm, trong đó 14 máy bơm tiêu có công suất mỗi máy là 7.800 m3/giờ; 10 máy bơm tưới công suất 1.000 m3/giờ.

Theo phân tích của một cán bộ chuyên môn trong nghề thì khi bố trí ca làm việc trong thời vụ sản xuất mỗi ca 8 giờ thì chỉ cần 7 công nhân. Một ngày đêm có 3 ca. Do vậy số công nhân cần để luân phiên là 21 người và hai lãnh đạo trạm là đủ song hiện nay Trạm có 34 người, dư 11 người. Hay văn phòng Xí nghiệp Thủy nông Việt Yên (Công ty Thủy nông Sông Cầu) theo định biên là 6 người nhưng thời điểm tháng 4-2017 vẫn có hơn 10 người.

Không chỉ bộ máy “phình” ra, vấn đề mà hầu hết các công ty đang gặp phải là hệ thống công trình, kênh mương tuy đã được cải tạo, nâng cấp nhưng chưa đồng bộ nên tưới, tiêu ở một số nơi còn khó khăn. Trạm bơm và máy móc thiết bị đa phần là cũ nát, lạc hậu, hiệu suất thấp. Theo đại diện lãnh đạo Công ty Thủy nông Sông Cầu, hệ thống do đơn vị phụ trách không có hồ chứa đủ lớn để trữ nước nên hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời và mua từ hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); phần tiêu thoát nước phi canh tác không được cấp bù... ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

{keywords}

Trạm bơm tiêu xã Khám Lạng (Lục Nam) xuống cấp, hiện công suất chỉ đạt hơn 50% so với thiết kế.

Giải quyết vấn đề phát sinh sau sáp nhập

Trước tình hình trên đã có một số sáng kiến đề xuất của cán bộ chuyên môn công tác trong ngành thủy lợi gửi đến Thường trực Tỉnh ủy. Căn cứ vào thực tế và các ý kiến tâm huyết, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải đã có văn bản chỉ đạo về việc này. Đồng chí cho rằng việc tổ chức, sắp xếp các công ty thủy nông cho gọn đầu mối là cần thiết và nên làm ngay theo đúng tinh thần Nghị quyết 140-NQ/TU ngày 23-9-2016 của BTV Tỉnh ủy. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác thực hiện các bước theo hướng sáp nhập các công ty thành hai đầu mối là Bắc Sông Thương và Nam Sông Thương. Hiện nay, việc nắm bắt tình hình tại các công ty đã hoàn tất, chuẩn bị dự thảo trình tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh trong tháng 8.

{keywords}
Đề án sắp xếp lại công ty thủy nông nên bám sát vào quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03-6-2017 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Nhà nước. Trong đó, giao cho “DN nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm...”.

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Công ty Thủy nông Sông Cầu

Công tác thủy nông có vai trò quan trọng đối với sản xuất và đời sống, nhất là khi có mưa bão, hạn hán. Thế nên nhiều ý kiến đề xuất, việc sáp nhập các DN phải đạt mục tiêu giảm đầu mối và nâng cao hiệu quả tưới, tiêu. Ông Hoàng Ngọc Bảo, Chủ tịch Công ty Thủy nông Cầu Sơn cho rằng cần có chế độ hỗ trợ về tài chính đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu nhằm khuyến khích, động viên lao động nghỉ hưu trước tuổi, giảm bớt nhân lực.

Một số ý kiến khác kiến nghị, để thuận tiện cho việc điều hành sản xuất nên nhất thể hóa chức danh chủ tịch kiêm giám đốc công ty; bố trí kinh phí xây dựng trụ sở đơn vị mới ở địa điểm thuận lợi cho công tác điều hành; có cơ chế để xử lý những việc phát sinh về tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất sau sáp nhập. Đồng thời áp dụng hình thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích để tính đủ chi phí theo sản phẩm được xác nhận. Từ đó, các DN sẽ có điều kiện đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp công trình đã xuống cấp.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Tổ phó tổ soạn thảo cho biết: “Bắc Giang có địa hình phức tạp gồm: Vùng cao, trung du, đồng bằng và cả vùng chiêm trũng, số lượng công trình thủy lợi lớn và đa dạng, lại phân bố theo các lĩnh vực khác nhau. Để hoạt động tưới, tiêu được kịp thời và hiệu quả, bảo đảm an toàn các hạng mục công trình, nhất là khi thời tiết có những diễn biến cực đoan thì việc tính toán sắp xếp nhân lực ra sao cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Do vậy, tổ công tác đang bàn bạc, thảo luận để hoàn thành đề án theo đúng kế hoạch”.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...