Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất gạch

Cập nhật: 07:00 ngày 09/04/2017
(BGĐT) - Thuộc nhóm lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) nhưng thực tế, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất gạch vẫn chưa được doanh nghiệp (DN) và công nhân quan tâm đúng mức. 
{keywords}

Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, người lao động cần nghiêm túc chấp hành quy trình vận hành máy móc.  Ảnh: Một góc dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Bích Sơn (Việt Yên), chi nhánh Công ty cổ phần Tân Xuyên.

Thiệt cả đôi bên

Chị Ngô Thị Bẩy, công nhân Nhà máy Bích Sơn (Việt Yên), chi nhánh Công ty cổ phần Tân Xuyên, vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến vụ TNLĐ xảy ra với mình. Hôm ấy, khi chuẩn bị hết ca làm việc buổi trưa, một phút lơ là, chị Bẩy bị xe điện ép vào cột nhà xưởng dẫn đến gãy xương sườn, chấn thương lồng ngực. Sau 4 tháng chữa trị, chị mới trở lại làm việc. Chị Bẩy chia sẻ: “Xảy ra cơ sự này là do lỗi chủ quan của tôi vì đã không lường hết các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc”. 

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Nhà máy Bích Sơn cho biết, hằng năm, lãnh đạo công ty trích kinh phí khoảng 220 triệu đồng tổ chức diễn tập, huấn luyện giúp công nhân nâng ý thức phòng ngừa, tuân thủ quy trình vận hành thiết bị an toàn; đầu tư bổ sung máy móc hiện đại, trang bị phương tiện, đồ dùng bảo hộ cá nhân… 

Bên cạnh đó, mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 18 thành viên là tổ trưởng các tổ sản xuất, thường xuyên giám sát, nhắc nhở công nhân chấp hành nghiêm các quy định an toàn vệ sinh lao động. Tuy vậy, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Công ty vẫn xảy ra từ 3 đến 6 vụ TNLĐ, gây tổn hại về sức khỏe, kinh tế. 

Để xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất TNLĐ xảy ra thì ý thức chấp hành của chủ DN và NLĐ phải đặt lên hàng đầu. Các cấp, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thay đổi từ nhận thức đến hành động của NLĐ và chủ sử dụng.

Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía công nhân vẫn còn không ít cơ sở sản xuất gạch chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động làm tăng nguy cơ tai nạn. Đến một đơn vị sản xuất gạch trên địa bàn huyện Tân Yên, chúng tôi thấy hiện trường sản xuất không có biển báo hay bảng hướng dẫn quy trình vận hành máy, thiết bị. Trong tiếng máy chạy ồn ã, những công nhân đang tất bật làm việc. Dưới chân họ là lớp bụi dày đến vài cm. 

Để bảo vệ sức khỏe, đa số công nhân phải tự bỏ tiền ra mua khẩu trang, nón, mũ, găng tay. Ở một khu sản xuất khác, hàng chục công nhân đang xếp gạch thành những hàng cao. Thi thoảng lại thấy họ ngồi giải lao trên mép hàng gạch ngoài cùng rất nguy hiểm. Một số nhân viên vận hành xe điện khi được hỏi còn cho biết chưa qua lớp huấn luyện kỹ năng nào. 

Trao đổi với chúng tôi, người quản lý DN viện lý do Công ty mới đi vào hoạt động còn nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện các quy định về tập huấn an toàn lao động cho công nhân, kiểm định máy móc có yêu cầu an toàn hay cấp phát đồ bảo hộ. Qua quan sát, nếu đơn vị này không nhanh chóng khắc phục những tồn tại nêu trên thì nguy cơ xảy ra TNLĐ là rất lớn. 

Bắt đầu từ ý thức

Hằng năm, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về nội dung chấp hành quy định pháp luật lao động tại nhiều DN, trong đó có một số đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Các đoàn kiểm tra phát hiện lỗi chủ yếu là: Chủ sử dụng chưa tổ chức huấn luyện, tập huấn an toàn lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đủ theo danh mục quy định; một số máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt chưa được kiểm định kỹ thuật; chưa niêm yết quy trình vận hành thiết bị... Đáng lo ngại, có nơi cán bộ vận hành máy móc chưa được đào tạo nghiệp vụ; công nhân thao tác trực tiếp với thiết bị vẫn chủ quan, lơ là.  

Để xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất TNLĐ xảy ra thì ý thức chấp hành của chủ DN và NLĐ phải đặt lên hàng đầu. Các cấp, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thay đổi từ nhận thức đến hành động của NLĐ và chủ sử dụng. Đây không chỉ là thực hiện trách nhiệm bắt buộc mà còn vì sự phát triển bền vững của chính DN bởi công nhân có an toàn mới bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu. 

Ông Mai Tiến Họa, Giám đốc Nhà máy Bích Sơn, chi nhánh Công ty cổ phần Tân Xuyên nói: “Ngoài thực hiện đầy đủ các quy định bắt buộc về bảo đảm an toàn lao động, hạn chế tối đa rủi ro, ban giám đốc, các tổ trưởng và thành viên mạng lưới vệ sinh viên thường xuyên kiểm tra ở từng khâu sản xuất. Nếu phát hiện công nhân vi phạm sẽ lập tức chấn chỉnh và có thể xử phạt các trường hợp nhiều lần tái phạm để nhắc nhở người khác”. 

Bên cạnh đó, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn tăng cường thanh, kiểm tra DN, đặc biệt tập trung vào nhóm ngành nghề nguy cơ cao mất an toàn lao động, trong đó có sản xuất gạch. Từ đó, kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt và giám sát chặt chẽ việc chấp hành sau kiểm tra để nâng cao hiệu quả chế tài. Với các DN, cơ sở sản xuất hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ thì thường xuyên nhắc nhở, từng bước hướng dẫn để họ thực hiện đúng quy định. Mỗi NLĐ phải tự trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe, nâng cao ý thức phòng tránh TNLĐ.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...