Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý an toàn thực phẩm: Tăng trách nhiệm để giảm nguy cơ

Cập nhật: 15:07 ngày 20/01/2017
(BGĐT) - Mặc dù đã có chuyển biến rõ nét trong năm 2016 song công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đứng trước nhiều khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm cao của người đứng đầu địa phương, đơn vị. 
{keywords}
Kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm sẽ đẩy lùi nguy cơ mất an toàn.  Ảnh: Bếp ăn tập thể tại Công ty cổ phần May Hà Minh, xã Minh Đức (Việt Yên).    Đỗ Quyên

Đẩy mạnh kiểm tra 

Kiểm điểm công tác năm, một số lãnh đạo ngành và địa phương đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước UBND tỉnh vì để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người thuộc phạm vi quản lý. Qua đường dây nóng, ngành y tế đã tiếp nhận và giải quyết 6 đơn thư kiến nghị, phản ánh về ATTP, chủ yếu là việc kinh doanh, chế biến, cung cấp suất ăn không bảo đảm an toàn. Các vụ việc đã được chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, trong đó đã thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở thực phẩm với tổng số tiền 46 triệu đồng. 

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được tăng cường. Số đoàn, tổ kiểm tra, cơ sở thực phẩm được kiểm tra cũng như số tiền phạt tăng cao so với năm trước với 556 đoàn, tổ kiểm tra 5,2 nghìn cơ sở, phạt hơn 1 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Một số đoàn kiểm tra liên ngành của các huyện Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang đã kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm. Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Y tế đã rà soát, thống kê, tổ chức quản lý hơn 11 nghìn cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền của ngành. 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Lạng Giang là địa bàn nhạy cảm trong kiểm soát ATTP, diễn ra hoạt động kinh doanh, trung chuyển cả hàng thực phẩm nội địa và nhập khẩu. Vì thế, huyện đã đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Một số mô hình liên kết cung ứng thực phẩm an toàn được duy trì hiệu quả ở trường học, doanh nghiệp (DN) may, bếp ăn bộ đội”. Tại huyện Yên Thế, để bảo đảm an toàn đám cỗ ở nông thôn, huyện có quy định chủ nhà phải cam kết không để xảy ra mất ATTP với Ban chỉ đạo xã.

Ô nhiễm thực phẩm còn khó kiểm soát

Tỷ lệ ô nhiễm vi khuẩn E.coli, tụ cầu trong sản phẩm thịt, rau nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn còn khá phổ biến. Điều đó cho thấy công tác kiểm soát ô nhiễm thực phẩm rất khó khăn, cũng là thách thức đối với cơ quan quản lý và người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ngộ độc cấp tính, mạn tính ở người.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, công tác quản lý ATTP ở huyện gặp nhiều khó khăn. Địa bàn tập trung đông người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, nhu cầu thực phẩm hằng ngày rất lớn, dù đã cố gắng song khâu kiểm soát nguồn gốc thực phẩm còn hạn chế. Ngoài các DN có bếp ăn, nhiều DN đặt suất ăn của đơn vị cung ứng ở tỉnh khác. Bên cạnh đó lực lượng bán thức ăn rong tập trung ở gần các DN khá đông. Do thu nhập còn thấp, suất ăn DN bố trí giá rẻ (chỉ 13 nghìn đồng), ít thời gian và điều kiện để lựa chọn nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với công nhân vẫn rất cao. 

“Tăng cường kiểm tra nhưng cũng chỉ chấn chỉnh các cơ sở về thủ tục hành chính, điều kiện vệ sinh quan sát bằng mắt thường. Còn để xác định được thực phẩm có an toàn không thì huyện lại chưa đủ khả năng về phương tiện, thiết bị kỹ thuật cũng như năng lực trình độ cán bộ”- ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên nói. 

Theo đại diện Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành tỉnh về ATTP, qua kiểm tra đột xuất 46 cơ sở thực phẩm và bếp ăn tập thể thời gian qua, 100% cơ sở không đạt đủ điều kiện an toàn theo quy định. Phân tích mẫu thức ăn và bệnh phẩm, cơ quan chuyên môn cho biết nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 5 vụ ngộ độc tập thể xảy ra năm 2016 ở bếp ăn công nghiệp và đám cỗ gia đình đều do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn E.coli và tụ cầu. 

Do không có kinh phí lấy mẫu để phân tích thường xuyên và định kỳ đối với các nhóm thực phẩm theo phân cấp tại tuyến tỉnh, huyện, xã nên không giám sát được chất lượng thực phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi thu hoạch và trước khi đưa đi tiêu thụ trên thị trường để chủ động phòng ngừa ngộ độc mạn tính, cấp tính do sử dụng thực phẩm tồn dư chất độc hóa học, vật lý, vi sinh vật. 

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, năm 2017, các thành viên BCĐ tỉnh và các huyện phải định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ; công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của người dân. Chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, tổ chức, DN trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở thực phẩm; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người; người đứng đầu chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, DN, trường học phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất ATTP. 

Được biết, BCĐ liên ngành tỉnh về ATTP đã giao trách nhiệm cho các ngành: Y tế, công thương, nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm tổ chức quản lý, thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động phòng ngừa các sự cố, ngăn chặn kịp thời vi phạm về ATTP; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực phòng thí nghiệm đạt chuẩn của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm soát chất lượng xét nghiệm, hình thành hệ thống cảnh báo nhanh, quản lý nguy cơ về ATTP.

Kim Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...