Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuỗi giá trị khi nông dân bắt tay doanh nghiệp

Cập nhật: 16:32 ngày 19/01/2017
(BGĐT) - Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp (DN) cùng nông dân, hợp tác xã (HTX), hội sản xuất và làng nghề đã bắt tay sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh vào các kênh tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu. Bắc Giang có nhiều chính sách hỗ trợ cho các mô hình liên kết này. 
{keywords}

"Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội" thu hút đông đảo doanh nhân, người tiêu dùng tham gia góp phần kết nối cung cầu.

Rút ngắn khoảng cách sản xuất - tiêu dùng

Công ty TNHH Agricare Việt Nam là DN hàng đầu về cung ứng dịch vụ và bao tiêu nông sản được Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam công nhận thành viên liên kết cấp quốc gia. Nhận thấy cơ hội kinh doanh tại Bắc Giang rất lớn, DN đã “bắt tay” với các HTX, người dân Lục Ngạn sản xuất vải thiều GlobalGAP cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu. Hiện nay, đơn vị đang mở rộng cách làm này sang sản phẩm cam, bưởi và gạo của tỉnh. Trao đổi về quan hệ kinh doanh, Tổng Giám đốc Đàm Quang Thắng chia sẻ, DN đồng hành cùng bà con qua HTX, hội sản xuất để có nông sản an toàn, chủ động nguồn hàng. “Năm qua, hơn chục tấn vải thiều Lục Ngạn dễ dàng “bay” sang Úc vì bảo đảm 5 điều kiện của nước này, gồm: Vùng trồng, bao bì, nhãn mác, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch. Năm 2017, Công ty sẽ tham gia quy hoạch vùng, chủ động cùng bà con sản xuất, quản lý chất lượng nông sản từ chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế và xuất khẩu vào Úc qua đường biển” - ông Thắng khẳng định.

Cũng hưởng lợi khi tham gia chuỗi liên kết, hàng chục hộ làm mỳ ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), xã Nam Dương (Lục Ngạn), xã Ngọc Châu (Tân Yên) qua HTX chuyên doanh cho “ra lò” sản phẩm nhãn hiệu “Mỳ Kế”, “Mỳ Chũ”, “Mỳ Châu Sơn” theo đơn hàng ổn định của DN tiêu thụ. Giám đốc HTX Mỳ Kế Giáp Đông Phong phấn khởi cho biết: Mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 1,4 nghìn tấn hàng cho các tỉnh, TP: Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng và Hà Nội. Năm qua, khi liên kết với một số DN ở Thủ đô qua “bà đỡ” là Sở Công thương, lượng mỳ cung cho thị trường này tăng nhanh. Sản xuất theo đơn hàng giúp các thành viên HTX yên tâm làm hàng, nâng chất lượng. 

Ở huyện Yên Thế, hàng nghìn hộ nuôi gà “bắt tay” cùng các đầu mối thu mua, HTX, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, DN chế biến và tiêu thụ sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Hiếu, chủ trang trại nuôi gà ở xã Đồng Tâm khẳng định: “Nông dân ký cam kết với DN cung cấp gà sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có kiểm tra chéo. Từ đó DN chế biến theo quy trình tiên tiến đáp ứng yêu cầu khách hàng, đưa vào siêu thị hiện đại”. 

DN khẳng định vai trò trung tâm 

Những năm gần đây, mô hình DN, HTX và nông dân “bắt tay” cùng hưởng lợi xuất hiện ngày càng nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp- Nông thôn (Ban Kinh tế T.Ư) thì “đó là xu hướng tất yếu của sản xuất hàng hóa”. Ở khu vực này, sản xuất vẫn chủ yếu theo quy mô hộ, muốn phát triển bền vững phải liên kết với DN, HTX theo chuỗi giá trị. Trong đó DN là “hạt nhân” cung ứng nguyên liệu đầu vào, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, HTX tổ chức sản xuất, kết nối giữa nông dân và DN. Làm tốt mối quan hệ này, hàng hóa bảo đảm về số lượng, chất lượng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại.   

Công bằng mà nói, DN có nhiều lợi thế hơn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường. Khi tham gia chuỗi giá trị, “hạt nhân” sẽ chuyên tâm tạo các kênh phân phối, chủ động ký hợp đồng tiêu thụ và cùng HTX, nông dân chăm lo xây dựng thương hiệu. Vì thế, DN có vai trò “đầu tàu” kéo nông hộ, HTX cùng tiến ra thị trường, là lực lượng chủ lực đầu tư công nghệ vào sản xuất, dẫn dắt các “vệ tinh” cùng phát triển. Qua nghiên cứu tại Bắc Giang, ông Tiến khẳng định,  nhờ vai trò bao tiêu sản phẩm của DN, Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng hàng hóa lớn như trái cây, lạc, lúa chất lượng cao, gà, rau an toàn, sản phẩm làng nghề truyền thống. 

Có sự vào cuộc mạnh mẽ của DN, nhiều sản phẩm được đưa vào kênh phân phối hiện đại hoặc xuất khẩu, ngày càng được khách hàng tin dùng. Song hành cùng liên kết này, thời gian qua, Sở Công thương có nhiều cách làm sáng tạo trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa chủ lực. Đơn cử, vụ vải thiều năm 2016, ngành đã tham mưu tổ chức thành công “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội”, tạo thuận lợi cho các DN ký hợp đồng tiêu thụ, cung ứng ổn định vải thiều Lục Ngạn vào hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart, Hapro... 

Bên cạnh đó, Sở còn tham mưu cho UBND tỉnh ký với TP Hà Nội kế hoạch hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa vào thị trường lớn nhất miền Bắc này. Qua đó, Hà Nội cũng tạo cơ hội để DN, nhà phân phối uy tín kết nối với đầu mối sản xuất, cung ứng hàng hóa Bắc Giang vào kênh tiêu thụ. Giám đốc Sở Công thương Trần Quang Tấn khẳng định, nhờ cam kết này, 48 loại hàng hóa chủ lực của tỉnh dễ dàng được quảng bá, DN lưu thông và cung cấp cho người dân Thủ đô. Khó khăn với nông sản nói riêng, các mặt hàng khác vẫn nằm ở khâu tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ kinh nghiệm DN kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, Sở sẽ tích cực xúc tiến thương mại, mời gọi các DN uy tín trong nước tham gia, chung tay giải bài toán khó về tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.

Những “mắt xích” không rời rạc 

Nếu coi các thành viên trong chuỗi liên kết giá trị là một đoàn tàu thì mỗi “toa” - thành viên phải có sự gắn kết chặt chẽ, hoạt động nhịp nhàng trong môi trường thuận lợi do các cơ quan nhà nước kiến tạo. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam Đàm Quang Thắng khẳng định, DN sẽ cùng tham gia sản xuất với bà con để kiểm soát chất lượng sản phẩm, yên tâm hơn khi cung ứng ra thị trường. Bởi trong chuỗi liên kết này, trách nhiệm của đơn vị với người tiêu dùng là rất lớn. Muốn vậy, DN rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương trong quy hoạch vùng, thủ tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, kết nối nhà sáng chế - DN và nông dân, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Với chủ thể sản xuất là nông hộ hay thành viên HTX, HTX, “đầu ra” chỉ ổn định khi sản phẩm được các DN bao tiêu trên cơ sở quy mô hàng hóa, chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh, hợp các tiêu chuẩn trong nước và quy chuẩn quốc tế khi xuất khẩu, có nguồn gốc rõ ràng và truy xuất dễ dàng. 

Chung quan điểm cần “bắt tay” chặt hơn mới bền vững, mang lại lợi ích cho DN và người dân, không phát sinh mâu thuẫn khi thị trường biến động, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương nêu cao vai trò bảo hộ cũng như “trọng tài” hóa giải khó khăn trong quá trình liên kết. “Ngành công thương sẽ đổi mới cách hỗ trợ DN qua việc cung cấp thông tin về tình hình sản xuất cũng như nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu thường xuyên hơn. DN sẽ có nhiều cơ hội tham gia hội chợ, triển lãm giúp doanh nhân, làng nghề, HTX, người sản xuất giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa hàng hóa “made in Bắc Giang” vươn xa hơn”- ông Trần Quang Tấn khẳng định.

{keywords}
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam: 

Muốn liên kết hiệu quả phải hiểu nhu cầu thị trường về sản phẩm đó. Bà con cần xác định rõ cây trồng, vật nuôi có phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương hay không? Ví như con thỏ, cây mắc- ca…, nhiều nơi nuôi trồng theo phong trào, không hiệu quả. Bắc Giang có dưa hấu, na dai, vải thiều, trám, gà, gạo thơm hương vị khác biệt. Vậy phải biết tận dụng, cải tạo để có sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường. Tôi đến Thái Lan, người dân ở đây trồng na, trái nặng hơn 1 kg, ít hạt và vị đặc trưng vì thế tiêu thụ, xuất khẩu rất dễ dàng.

{keywords}
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hoàng Minh Tuấn:  

Một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh là xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gắn với hình thành chuỗi sản xuất- chế biến- thương mại, trong đó doanh nghiệp (DN) giữ vai trò trung tâm. Tuy nhiên không ít DN cho rằng, một số ban, ngành ở địa phương còn lúng túng, chưa có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh giữa DN và người sản xuất. Vì thế phải quan tâm phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) làm đầu mối cho liên kết này bền vững hơn, có chính sách khuyến khích DN xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

{keywords}

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình: 

Lục Ngạn là vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh và cả nước. Vì thế việc sản xuất và phát triển phân phối, trong đó có xuất khẩu được huyện đặc biệt quan tâm. Chúng tôi luôn mời gọi, hỗ trợ DN ngoài huyện tiếp cận DN, HTX, chủ trang trại tại địa phương để ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ trái cây, bố trí kinh phí thỏa đáng cho xây dựng chuỗi giá trị. Bên cạnh chỉ đạo sản xuất nông sản an toàn, huyện còn khuyến khích thành lập các DN, HTX cung cấp dịch vụ chăm sóc cây trồng, bảo quản, đóng gói, vận chuyển sản phẩm để có pháp nhân tham gia kết nối cung cầu.      

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan: 

{keywords}

TP Hà Nội đang hỗ trợ Bắc Giang trưng bày, bán sản phẩm chủ lực, nhất là nông sản an toàn, đồng thời giới thiệu các DN uy tín đến thu mua, chế biến, phân phối hàng hóa của tỉnh. Tỉnh Bắc Giang cần thường xuyên cung cấp thông tin địa chỉ sản xuất hàng hóa, DN tham gia cung ứng, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tích cực hơn để DN Hà Nội chủ động kết nối, tiêu thụ. Vào dịp cao điểm, TP tạo thuận lợi cho xe chở hàng hóa của tỉnh lưu thông trên địa bàn  dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Phùng Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh: 

{keywords}

Để giải quyết căn cơ việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, chỉ có DN mới làm được. Nhà nước cần tạo môi trường tốt hơn để DN đầu tư bài bản, dài hơi hơn trong chuỗi liên kết sản xuất bằng khung pháp lý thông thoáng, ổn định. UBND tỉnh, các ban, ngành cần có chiến lược, kế hoạch cân đối cung - cầu hợp lý hơn, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hỗ trợ tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, gắn nông dân với DN, làm rõ trách nhiệm của “4 nhà” trong liên kết. 

Cao Minh Ngọc - Bảo Khánh (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...