Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nhịp sống đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nữ công nhân đam mê sáng tạo

Cập nhật: 16:51 ngày 13/05/2017
(BGĐT) - Nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Hà Thị Lan, công nhân bộ phận Cắt A, Công ty TNHH một thành viên Quốc tế ViệtPan Pacific (TP Bắc Giang). Trong công việc, chị luôn cần mẫn, chịu khó tìm tòi và sáng tạo. Với 14 năm làm việc, chị có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
{keywords}
Chị Hà Thị Lan đánh số trên sản phẩm may bằng dập số trực tiếp.
Một trong những sáng kiến có giá trị làm lợi cho Công ty mỗi tháng từ 40-50 triệu đồng của chị Hà Thị Lan là: “Đánh số trên sản phẩm may bằng dập số trực tiếp”. Hiện doanh nghiệp có hơn 3.000 công nhân, mỗi ngày may hàng nghìn sản phẩm. Trong quá trình theo dõi sản xuất, chị Lan nhận thấy việc chuyển từ sản phẩm đã cắt sang dây chuyền may, bộ phận cắt của chị phải mất 8 người dán số vào các chi tiết của áo, mỗi áo ít nhất cũng có 50 chi tiết. 

Khi đưa sản phẩm cắt sang bộ phận may, công nhân may lại phải bóc số đã dán trên sản phẩm, ghi lại số khác vào vải rồi mới may. Những giấy số dán trên vải bóc ra lại mất công thu dọn. Chưa kể đến việc nhiều công nhân may bị mất số dán, chắp không đúng các chi tiết, gây lỗi hàng. Chị Lan suy nghĩ phải làm thế nào để giảm được công đoạn cho người lao động? Theo đó, chị thiết kế một chiếc máy dập số để dập trực tiếp lên vải và được lãnh đạo công ty chấp nhận. Từ khi đưa máy dập số vào áp dụng, công nhân không phải mất thời gian bóc số, không làm bẩn ra sàn nhà...

Cũng trong quá trình làm việc, chị Lan nhận thấy nhà cắt của Công ty trên tầng 2, nhà kho để bông, vải lại dưới tầng 1 nên mỗi khi đưa vật liệu lên tầng 2 để cắt rất khó khăn. Việc này tốn công sức và mất nhiều nhân công vận chuyển, năng suất lao động không cao. Để khắc phục được hạn chế trên, chị đưa ra phương án làm kệ hàng ngay ở tầng 2 để chứa vải, bông và được Ban Giám đốc chấp nhận. Từ khi sáng kiến của chị được áp dụng, mỗi khi xe hàng chở vật liệu vải, bông đến chỉ cần vận chuyển qua cẩu đưa vào kệ và lúc đó chỉ cần 2 người sắp xếp hàng thay cho 10 người vận chuyển hàng như trước đây, mỗi tháng làm lợi cho công ty từ 25-30 triệu đồng. Chị Hà Thị Lan phấn khởi: "Mình rất vui khi đưa ra các sáng kiến đều được Ban Giám đốc chấp nhận và áp dụng vào thực tiễn". 

Không chỉ giỏi trong lao động sản xuất, với vai trò là Ủy viên BCH Công đoàn đơn vị, chị Hà Thị Lan luôn có lối sống giản dị, hòa đồng, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong công việc với các công nhân khác. Từ những kết quả trên, chị Hà Thị Lan nhiều lần được Giám đốc Công ty khen thưởng và được LĐLĐ TP Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tuyên dương công nhân lao động tiêu biểu nhân Tháng Công nhân năm 2017.

Thanh Bằng








Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...