Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trách nhiệm và nghĩa tình

Cập nhật: 17:00 ngày 21/09/2017
(BGĐT) - Tiếp tôi với ấm trà nóng, ông Nguyễn Hữu Việt, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Ủy viên Ủy ban MTTQ phường Trần Nguyên Hãn khiêm tốn nói: “Những việc tôi làm cũng bình thường như bao người khác”.
{keywords}

Ông Nguyễn Hữu Việt.

Sinh năm 1954 ở xã Hợp Đức (Tân Yên) trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi ông xung phong đi bộ đội và tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh là lính đặc công. Ông bị thương 4 lần và bị nhiễm chất độc da cam, tỷ lệ nhiễm 41%. Thấu hiểu nỗi đau chiến tranh, trở về sinh sống tại phường Trần Nguyên Hãn, được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, ông đứng ra tổ chức ban vận động và thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường.

Ban đầu Hội chỉ có 40 hội viên. Nhiều người ngại tham gia vì họ luôn mặc cảm, không muốn người khác biết hoàn cảnh của mình. Bởi vậy, ông mong muốn sẽ phát huy được vai trò quy tụ, coi công tác chăm sóc, giúp đỡ hội viên là trách nhiệm chung của cộng đồng. Bà con trong phường Trần Nguyên Hãn nhắc đến tình đồng đội giữa ông Việt và hội viên Đinh Y Nhớp với sự cảm phục. Ông Y Nhớp quê ở tỉnh Gia Lai, chiến đấu ở chiến trường Bình Định, bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 81%. Con gái ông bị liệt từ khi mới sinh, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ. Vợ chồng ông đã cao tuổi, nguồn sống duy nhất của gia đình là tiền trợ cấp. Trong hoàn cảnh đó, ông được đồng chí, đồng đội là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường quan tâm giúp đỡ. Những lúc ông Y Nhớp ốm đau cả tháng phải nằm viện, ông Việt thường xuyên qua lại động viên, chăm sóc, khích lệ. Ông Đinh Y Nhớp tâm sự: “Ở đây tôi không có họ hàng lại ốm đau bệnh tật, ông Việt như anh em ruột thịt, tháng nào cũng đưa tôi đi lấy thuốc đều đặn, không có ông ấy không biết gia đình tôi ra sao”. Có lẽ bởi vậy, dù nhiều lần họ hàng ở Gia Lai ra tận nơi  muốn đón ông về quê hương nhưng ông đã lựa chọn gắn bó với mảnh đất này, coi Hội là gia đình.

Bên cạnh đó, ông Việt cũng tận tuỵ với những hội viên có hoàn cảnh neo đơn như ông Đào Đức Khê ở tổ 5 bị liệt; ông Ngô Hữu Bình ở tổ 4B không nơi nương tựa, bị tàn tật; ông Phạm Hồng Công ở tổ 6 bị liệt nhiều năm... Ông đứng ra vận động thành lập quỹ tình nghĩa thăm hỏi, giúp đỡ hội viên đặc biệt khó khăn; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm mỗi năm ủng hộ từ 5-10 triệu đồng xây dựng quỹ hỗ trợ hội viên khó khăn đột xuất...

Những việc làm đó góp phần để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường hoạt động hiệu quả, đến nay quy tụ 78 hội viên sinh hoạt ở 11 chi hội. Từ năm 2009 đến nay, Hội liên tục được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và TP tặng giấy khen. Ông Việt được tuyên dương “Gương sáng vì cộng đồng”; nhận kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” và giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hội 10 năm liên tục (2006-2016)... Mong muốn lớn nhất của ông là “làm sao có đủ sức khỏe để được gần anh em, giúp đỡ anh em nhiều hơn nữa”.

Quỳnh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...