Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cảnh giác với quà tặng, tài sản nhờ giữ hộ từ nước ngoài

Cập nhật: 22:00 ngày 29/06/2020
(BGĐT) - Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội làm cho mọi người xích lại gần nhau, có thể chia sẻ cảm xúc, buồn vui trong cuộc sống. Thế nhưng, không ít đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội, sự nhẹ dạ cả tin của một số người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cách đây chưa lâu, chị T ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) suýt bị lừa mất mấy chục triệu đồng chỉ vì tin lời người bạn trên mạng. Chẳng là chị có kết bạn với một người tự xưng là quân nhân đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài qua mạng xã hội. Một hôm, đối tượng đặt vấn đề nhờ chị T giữ hộ một kiện hàng. Để nhận được kiện hàng đó, chị T phải trả một khoản phí hơn 20 triệu đồng cho phía hải quan ở sân bay thông qua chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Tin là thật, chị T đến Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang làm thủ tục chuyển khoản. Rất may là nhân viên giao dịch của ngân hàng phát hiện những dấu hiệu bất thường và ngăn chặn kịp thời việc này, nếu không chị đã mất trắng số tiền trên.

Không riêng chị T mà nhiều người khác cũng đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo được bạn ở nước ngoài tặng hoặc nhờ giữ hộ tài sản phải trả phí nhưng sau đó không thấy quà hay tài sản đâu. Trung tuần tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) phá vụ án lừa đảo lớn mà nạn nhân là những nữ doanh nhân. Trong số đó có chị H. Người phụ nữ này kể: Tháng 3/2019, có người đàn ông xưng là James nhắn tin kết bạn, giới thiệu mình là doanh nhân đang thi công dự án đường ống trên biển tại Malaysia, xa gia đình nên rất thiếu thốn tình cảm. Sau nhiều lần trò chuyện, James nói đang gặp khó khăn về tài chính muốn vay nóng chị H 700 triệu đồng. Ít lâu sau, James chia sẻ kế hoạch mở rộng kinh doanh sang Việt Nam, đồng thời cần đưa 4 triệu USD sang Việt Nam nhờ  chị giữ hộ rồi bàn bạc kế hoạch làm ăn. Tiếp đó, chị được một người xưng là nhân viên một ngân hàng quốc tế thông báo "để nhận được 4 triệu USD từ nước ngoài thì mất khoản phí hơn 3 tỷ đồng tiền Việt". Làm theo hướng dẫn của người này, chị chuyển hơn 3 tỷ đồng vào một tài khoản ngân hàng theo yêu cầu. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền xong, nữ doanh nhân không liên lạc được với James và lúc này biết mình bị lừa...

Có thể  thấy thủ đoạn phổ biến của đối tượng lừa đảo là tìm kiếm "con mồi" trên mạng, kết bạn với phần lớn là những người độc thân, thiếu thốn tình cảm. Thời gian đầu, đối tượng thường xuyên trò chuyện, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ trong công việc, cuộc sống. Sau khi chiếm được lòng tin của bị hại, những kẻ lừa đảo sẽ dùng các thủ đoạn như: Tặng quà trong đó có trang sức và tiền nhân dịp sinh nhật hay ngày lễ; nhờ giữ hộ tài sản có giá trị lớn; rủ đầu tư, góp vốn kinh doanh tại nước ngoài...Muốn nhận quà tặng hay tài sản này, bị hại phải nộp một khoản tiền. Sự tinh vi của những đối tượng này là yêu cầu bị hại tuyệt đối giữ bí mật, ban đầu có khi chỉ yêu cầu nộp một khoản phí không lớn sau đó lấy nhiều lý do khác nhau để yêu cầu bị hại nộp thêm tiền. Trong nhóm tội phạm đôi khi có cả người nước ngoài tham gia, nhiều đối tượng giả danh là cán bộ thuế, hải quan gọi điện tới để bị hại tin tưởng. Phần lớn những người bị lừa cứ tưởng mình sắp nhận được món hời lớn nên làm theo hướng dẫn của họ, đến khi tỉnh ngộ thì đã muộn.

Nhiều người cho rằng thực ra cũng không khó để nhận biết những dấu hiệu bất thường trong việc này như giá trị tài sản thường rất lớn; tiền, vàng bạc lại gửi qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh (việc này pháp luật không cho phép); nếu bị hại ở miền Bắc thì hàng sẽ gửi về sân bay ở miền Nam và ngược lại; chuyển tiền phí vào tài sản cá nhân (khi thanh toán các khoản phí phải có hóa đơn chứng từ có dấu đỏ của cơ quan nhà nước)...Hơn nữa, chỉ quen biết nhau trên mạng, trong khi mình không làm gì mang lại lợi ích cho họ mà họ lại tặng quà hoặc nhờ giữ hộ tài sản giá trị lớn là điều không thể. 

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều ổ nhóm lừa đảo bằng hình thức tặng quà hay nhờ giữ hộ tài sản, nhiều đối tượng đã bị xử lý thích đáng; cơ quan thông tin đại chúng cũng nhiều lần cảnh báo nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này. Bởi vậy, lời khuyên với mọi người khi kết bạn qua mạng xã hội, nhất là với người nước ngoài là hết sức cảnh giác khi đối phương ngỏ ý tặng quà hoặc nhờ giữ hộ tài sản giá trị để không mắc bẫy kẻ xấu.

Đường dây lừa đảo hơn 100 tỷ đồng
Lê Anh Tuấn, 31 tuổi, cử nhân công nghệ thông tin ở Quảng Trị, cầm đầu đường dây lừa đảo hơn 100 tỷ đồng bằng công nghệ cao.
Táo tợn giả danh Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để lừa đảo chiếm đoạt tiền
Ngày 14/6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng Đặng Quang Thông (sinh năm 1989, ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) đã giả danh lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế gọi điện thoại, nhắn tin cho nhiều người để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Bắt 11 đối tượng trong đường dây lừa đảo hơn 120 tỷ đồng qua internet
Ngày 8/6, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đơn vị vừa phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với quy mô lớn, xuyên quốc gia, bắt giữ nhóm 11 đối tượng, trong đó 7 người nước ngoài mang quốc tịch Nigeria và 4 người Việt Nam.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...