Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cấp bách phòng dịch

Cập nhật: 10:32 ngày 08/03/2019
(BGĐT) - Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện đã có 9 tỉnh, TP trên cả nước xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh Bắc Giang chưa phát hiện trường hợp lợn có dấu hiệu nghi mắc bệnh này song không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. 

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là các cấp, các ngành phải tập trung cao cho công tác phòng ngừa, không để dịch bệnh bùng phát làm thiệt hại kinh tế của người dân.

Là tỉnh có số lượng đàn lợn đứng thứ ba trên cả nước với gần 1,2 triệu con; lại có quốc lộ 1 chạy qua; tiếp giáp với Hải Dương là tỉnh đang có dịch nên nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan sang Bắc Giang rất cao. 

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và tại cuộc họp gần đây nhất vào sáng qua 7-3, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các huyện, TP khẩn trương rà soát, lập các chốt chặn, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để ngăn ngừa các phương tiện vận chuyển lợn từ vùng dịch vào địa bàn. 

Đi liền đó là tăng cường tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, vận động các hộ vệ sinh chuồng trại… Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh huyện, TP nào để xảy ra bệnh dịch, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Với quan điểm cần bình tĩnh, chủ động ứng phó, một số địa phương như Sơn Động đã thành lập các điểm chốt kiểm dịch động vật. Người dân, chủ các trang trại chăn nuôi ký cam kết thực hiện “5 không”, đó là: Không giấu dịch, không vận chuyển, không giết mổ gia súc bệnh, không vứt xác lợn bệnh bừa bãi và không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn. Công tác triển khai phòng dịch đang được các cấp chính quyền và người dân thực hiện rốt ráo trên tinh thần không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng.

Thực tế hiện nay, vì quá lo lắng nên một số người dân hoang mang và đang có tư tưởng tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, bệnh này không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay thịt lợn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn sang người.

Dịch tả lợn châu Phi được cảnh báo không lây sang người nhưng nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Vậy nên, ngay lúc này, mỗi người dân, người chăn nuôi cần hiểu đúng về bệnh để có cách phòng ngừa hiệu quả, tránh hoang mang và chủ quan.

Hồng Sương

Chủ động các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi
(BGĐT) - Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi trong đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan vào địa bàn tỉnh khá cao. 
 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, không để dịch tả lợn châu Phi bùng phát
(BGĐT) - Ngày 7-3, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi họp BCĐ triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.  
 
Dịch tả lợn châu Phi lan ra 9 tỉnh, thành phố
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện thêm tại hai tỉnh là Hòa Bình, Điện Biên. Đến nay, cả nước đã có 9 tỉnh, thành phố xuất hiện loại dịch bệnh nguy hiểm này (cùng với Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương). Người dân cũng nên lưu ý việc hỗ trợ tiêu hủy đã được Chính phủ nhất trí với mức hỗ trợ lên tới 80% giá thành lợn.
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...