Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo vệ trẻ em - không là chuyện nhỏ

Cập nhật: 18:24 ngày 08/08/2018
(BGĐT) - Trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày một gia tăng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn xã hội cần quan tâm đúng mức đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Đúng vào ngày hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ trẻ em (6-8) thì Phan Minh Cường (SN 1963, ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) vì có hành vi gây thương tích đối với cháu Nguyễn Lê Can Đài (10 tuổi) ở phường Bảo An đã cố ý giết chết cháu Đài để bịt đầu mối. Kẻ thủ ác ngay sau đó đã bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, mỗi năm trung bình trên cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Không thể không lo ngại khi nhiều trẻ em bị tấn công, xâm hại từ chính người thân, những người mà các em thường tin tưởng, dễ mất cảnh giác nhất. Trong đó, gần 60% số trẻ bị chính người quen, hàng xóm xâm hại.

Thực trạng các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ nhỏ tuổi.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy trong khi có tới 17 cơ quan được giao chức năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng công tác này còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số cơ quan, nhất là ở cơ sở, chưa bố trí nhân lực, kinh phí tương xứng để thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em chưa được chú trọng. Cha mẹ chưa dành nhiều thời gian cho con em, hình ảnh đoàn tụ bữa cơm gia đình không còn thường xuyên…

Trước tình hình trẻ em đang có nguy cơ bị tổn thương và xâm hại nghiêm trọng ở nhiều môi trường, không gian, các cấp, ngành địa phương cần nhận thức đầy đủ hơn, có biện pháp bảo vệ trẻ em hằng ngày, hằng giờ bằng các hình thức phù hợp. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường, gia đình. 

Cần tiếp tục cung cấp kiến thức pháp lý cho toàn xã hội về việc bảo vệ chăm sóc trẻ em. Quan tâm, chăm sóc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong gia đình, nhà trường và cả cộng đồng. Đây không là việc nhỏ mà là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...