Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bất cẩn sinh hỏa hoạn

Cập nhật: 16:07 ngày 28/07/2018
Liên tiếp những vụ cháy nổ xảy ra gần đây tại nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này. 

Khoảng 20 giờ ngày 25-7, một vụ cháy đã xảy ra ở chợ Gạo và kho hàng của Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên, thuộc khu vực đường Nguyễn Văn Linh, phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Mặc dù lực lượng chữa cháy rất nỗ lực dập lửa nhưng cũng phải đến khoảng 2 giờ sáng 26-7 đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi khoảng 200 quầy hàng của tiểu thương chợ Gạo; 70 tấn thành phẩm, nguyên liệu, thiết bị máy móc của Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên. 

Theo thống kê tình hình cháy nổ trong tháng 7-2018 của Bộ Công an, tính đến thời điểm này toàn quốc xảy ra 367 vụ cháy làm chết 3 người, 13 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính 213,65 tỷ đồng (tăng 42 vụ, 2 người chết và 3 người bị thương so với tháng 6-2018). Ngoài ra còn xảy ra 2 vụ nổ làm 4 người bị thương. Có thể kể ra hàng loạt vụ cháy nổ thời gian qua như vụ cháy tại một cơ sở làm ghế sofa trên đường Trường Chinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) trưa 22-7 khiến cả khu vực náo loạn, hỏa hoạn tại tòa nhà Cienco1 Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 23-7 khiến cư dân tòa nhà hoảng sợ, vụ nổ lò hơi tại xưởng chiết xuất tinh dầu quế của Công ty Tech-Vina (thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) ngày 27-7...

Nguyên nhân của những vụ việc trên phần lớn là do sự chủ quan, bất cẩn của con người, không tuân thủ các quy định về phòng cháy. Thực tế hiện nay cho thấy không ít doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư hoặc nhà ở nhưng kết hợp xưởng mộc, may công nghiệp, làm nhôm kính cửa sắt... Điểm chung ở những cơ sở này là mặt bằng chật chội; nguyên vật liệu, hàng hóa lộn xộn (thường không có kho hàng hóa riêng), nhiều loại dễ bắt lửa...nên không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. 

Tại nhiều doanh nghiệp trong các khu-cụm công nghiệp, trung tâm thương mại-chợ, tòa nhà chung cư cao tầng hiện vẫn còn tình trạng các trang thiết bị chữa cháy được đầu tư với mục đích đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra nên khi hỏa hoạn xảy ra, hệ thống báo cháy không hoạt động, trụ nước cứu hỏa thiếu, thậm chí không có giọt nào.

Cháy nổ còn bắt nguồn từ những nguyên nhân rất đơn giản, xuất phát ngay từ thói quen sinh hoạt hằng ngày của con người. Cụ thể là sử dụng điện không an toàn; đốt nhang, vàng mã không kiểm soát (ở một số chợ nhiều tiểu thương thường lập bàn thờ, đốt nhanh rất dễ gây cháy); đun nấu xong không khóa van bình gas, dùng van, dây dẫn không bảo đảm chất lượng làm gas rò rỉ khỏi bình... 

Hậu quả khi cháy nổ xảy ra thường rất nặng nề. Ngay như vụ cháy chợ Gạo Hưng Yên, theo ước tính sơ bộ của cơ quan chức năng, tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều tiểu thương khóc ngất vì trắng tay chỉ sau một đêm và phải mất một thời gian dài mới có thể buôn bán trở lại. Nghiêm trọng hơn là thiệt hại về người như vụ cháy xưởng sản xuất bánh tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội (năm 2017) làm 8 công nhân tử vong, cháy xưởng may gia công mũ giày vải Thuận Phát ở thôn Đại Hoàng II, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng (năm 2011) làm 13 người tử vong...

Từ thực tế đó, công tác phòng chống cháy nổ cần được chính quyền, ngành chức năng quan tâm đúng mức. Cùng với tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý khi có hỏa hoạn xảy ra, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này. Trong sinh hoạt hàng ngày, các hộ nên kiểm tra thường xuyên hệ thống điện và các thiết tiêu thụ điện, khu vực nhà bếp; trang bị dụng cụ phòng cháy, báo cháy và chữa cháy để xử lý nhanh và hiệu quả khi có sự cố cháy nổ xảy ra. 

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...