Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thương con như thế, bằng mười...

Cập nhật: 10:54 ngày 23/07/2018
Dư luận cả nước đang hết sức phê phán xung quanh việc 114 thí sinh của tỉnh Hà Giang được sửa, nâng điểm kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Kết quả kiểm tra, rà soát và chấm thẩm định toàn bộ các bài thi trắc nghiệm cho thấy, có hơn 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm chênh lên từ 1,0 đến 8,75 điểm so với điểm chấm thẩm định; không ít thí sinh có tổng điểm các môn tăng thêm từ 20 đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Sự việc được đánh giá là rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, gây mất niềm tin trong nhân dân; ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Sau khi công bố điểm thi THPT Quốc gia năm 2018, điểm số cao ngất ngưởng của nhiều học sinh có học lực không nổi trội ở Hà Giang đã khiến dư luận dậy sóng và đặt ra nghi vấn về hiện tượng bất thường này.

Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục ban hành quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT hai tỉnh Sơn La và Lạng Sơn.

Những em học sinh tại các tỉnh này cũng không nằm ngoài luồng dư luận và làn sóng hoang mang ấy. Thậm chí rất nhiều em còn bức xúc và tỏ ra vô cùng thất vọng, suy sụp trước điểm số đầy biến động của năm nay. Đáng chú ý, nhiều học sinh năm học 2017-2018 Trường THPT Chuyên Sơn La khi trao đổi với phóng viên báo chí cho biết đã rất bất ngờ và "choáng" khi biết kết quả thi THPT quốc gia 2018 của không ít bạn có học lực thuộc diện “nhàng nhàng” lại đạt điểm cao chót vót.

Ngay sau khi có kết quả thi của Bộ GD- ĐT, những bạn điểm cao bất thường này trở thành tâm điểm chú ý trên diễn đàn mạng xã hội của Trường THPT Chuyên Sơn La.

Nhiều em trong diện “bị” nâng điểm đã nói với phóng viên báo chí rằng cũng hết sức bất ngờ và rất xấu hổ vì được điểm cao. Qua xem xét của cơ quan chức năng biết rằng việc can thiệp nâng điểm là chủ ý của phụ huynh mà thí sinh không hề biết.

Vậy là vì muốn con em mình được nâng điểm nên nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách để can thiệp nâng điểm mà không biết rằng con em mình phải rất xấu hổ với bạn bè và cái giá rất đắt với dư luận xã hội. Đúng là "Thương con như thế bằng mười hại con".

"Tiên trách kỷ hậu trách nhân", qua sự việc trên, có ý kiến cho rằng làm con không phải chỉ biết nghe lời mà còn phải biết can ngăn, phản đối việc làm của cha mẹ. Học sinh sắp tốt nghiệp THPT cũng không thể coi là trẻ con không biết gì được nữa. Hy vọng chấn động vừa rồi đã đủ để các em tỉnh ngộ và biết can ngăn bố mẹ.

Không thể phủ nhận việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương do Sở GD- ĐT chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức những năm gần đây đã tạo thuận lợi, giúp thí sinh không phải di chuyển xa, giảm chi phí cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, kết quả điểm thi tại tỉnh Hà Giang và những nghi vấn tại một số địa phương khác, đặt ra vấn đề cần làm rõ về tính hiệu quả, trung thực, độ tin cậy của kết quả kỳ thi.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...