Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sống chui, làm chui

Cập nhật: 20:55 ngày 06/06/2018
(BGĐT)-Hôm qua (5-6), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, vấn đề người Việt Nam đi xuất khẩu lao động trốn việc ở công ty đã ký hợp đồng ra làm cho công ty khác hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp, làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hợp tác lao động của nước ta với những nước này đã làm nóng nghị trường.

Thừa nhận thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, Chính phủ đã có một quyết tâm rất cao, đã tập trung các giải pháp như cho tổ chức ký quỹ, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm vận động, thuyết phục người lao động chấp hành các quy định, về nước khi hết hạn...Thế nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vấn nạn này. Ở một số thị trường có tiềm năng, có thu nhập cao, tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước trung bình khoảng 15%. Đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, năm cao nhất là 55%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhà máy, công trường xây dựng ở Hàn Quốc cần rất nhiều nhân lực nên người lao động dễ tìm việc. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc thích sử dụng người lao động cư trú bất hợp pháp, bởi không mất phí tuyển dụng, đào tạo, bảo hiểm. Thậm chí, có công ty còn cố ý bao che cho lao động bất hợp pháp khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng Hàn Quốc. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người lao động Việt Nam còn hạn chế, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng tư, biết phải chịu rủi ro khi bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng nhưng vẫn chấp nhận vì muốn kiếm được nhiều tiền. 

Bắc Giang là một tỉnh có số người đi xuất khẩu lao động khá nhiều. Theo tổng hợp của ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 53,2 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu tại các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra thông báo năm 2018 tạm dừng tuyển chọn lao động đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) tại quốc gia này với 49 quận, huyện trong toàn quốc có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại đây từ 60 người trở lên, trong đó có huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (198 người). Ngoài ra còn 4 huyện khác là Lạng Giang, Yên Thế, Hiệp Hòa, Sơn Động trong diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước này trong năm nay.

Như vậy, có thể khẳng định rằng vì cái lợi trước mắt, nhiều người đi xuất khẩu lao động đã "nhảy việc" hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp sau khi hết thời hạn lao động. Việc làm của họ không những làm mất đi cơ hội xuất khẩu lao động của hàng vạn người Việt Nam khác, mà đối với chính họ cũng có thể gặp những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh mà không được hưởng bất kỳ trợ giúp nào, thậm chí không ít trường hợp đã phải đánh đổi bằng sinh mệnh của mình. Chính quyền, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động người đi xuất khẩu lao động chấp hành các quy định của pháp luật. Vấn đề còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của những người đang sống chui, làm chui ở nước ngoài. 

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...