Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Môi hở răng lạnh”

Cập nhật: 08:36 ngày 30/05/2018
(BGĐT) - Số vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của chính người lao động và cả người sử dụng lao động. Vì sao có tình trạng này?

Tôi đặt câu hỏi: “Hầu như chưa thấy ngừng việc tập thể xảy ra ở doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Bắc Giang cũng như trong cả nước?”

Vị trưởng phòng hành chính của công ty ở Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) vừa xảy ra vụ việc hơn 5 nghìn công nhân ngừng việc tập thể thừa nhận: “Tôi từng làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhiều năm cũng thấy như vậy. Chủ doanh nghiệp Nhật Bản thường có một đội ngũ giỏi tư vấn về chính sách với người lao động, mỗi khi có sự thay đổi họ cân nhắc rất kỹ, do vậy người lao động không thấy bị “sốc””.

Câu trả lời của vị trưởng phòng này cũng phần nào lý giải nguyên nhân của các vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Nguyên nhân đó là, chủ doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết về phương thức trả lương, không đóng hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chi trả chế độ làm thêm giờ, làm việc ngày lễ, ngày nghỉ không đúng quy định.

Ngoài ra, nguyên nhân tranh chấp còn do công nhân bị tăng ca quá nhiều, môi trường làm việc kém, cách điều hành quản lý của các ông chủ dễ gây tâm lý ức chế cho công nhân...

Có ý kiến cho rằng, ngừng việc tập thể chủ yếu là do chủ sử dụng lao động, vì thực tế, người lao động nào khi đi làm cũng đều mong muốn có công ăn việc làm ổn định, có đời sống đầy đủ và được chủ doanh nghiệp đối xử đàng hoàng. Chẳng ai dại gì mà ngừng việc để tự đánh mất những điều đó.

Tuy nhiên, từ vụ ngừng việc tập thể gần đây nhất như ví dụ ở trên thì nhận định lỗi chỉ do chủ doanh nghiệp chưa hẳn đã đúng. Bởi vì công nhân trong công ty này có thu nhập khá cao và được sự đãi ngộ khá tốt so với mặt bằng chung ở Khu công nghiệp Quang Châu.

Chính sách mới của doanh nghiệp này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tránh cào bằng, chỉ có điều chính sách mới chưa tuyên truyền, phổ biến tốt dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa công nhân. Chính vì vậy chỉ có khoảng 50% công nhân ngừng việc, còn lại thì ủng hộ chính sách mới của doanh nghiệp.

Nhìn lại các vụ ngừng việc tập thể thấy rằng chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất đơn giản, có đông lao động, phần nhiều là lao động phổ thông chưa qua đào tạo cho nên kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế.

Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp cũng bị thiệt hại - “môi hở răng lạnh”; ngoài ra còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, kéo theo tình trạng mất an ninh trật tự khi ngừng việc tập thể xảy ra.

Từ thực tế trên, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động để doanh nghiệp và người lao động hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật lao động cần được tăng cường. Có biện pháp xử lý kịp thời, ổn định trật tự khi xảy ra ngừng việc tập thể. Cần xác định nội dung tranh chấp nếu thuộc về quyền của người lao động thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện và chỉ giải quyết những tranh chấp lao động về lợi ích thông qua việc đàm phán, thương lượng giữa các bên, có sự hỗ trợ và định hướng của các ngành chức năng.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...