Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mỗi cây mỗi hoa

Cập nhật: 07:00 ngày 07/04/2018
(BGĐT) - Trước đây, khi các cháu con anh trai tôi chừng 12-13 tuổi, mỗi khi tôi về quê, mẹ tôi thường phàn nàn: “Vợ chồng anh chị con làm hàng mẫu ruộng, việc đồng áng vất vả như thế nhưng chả rèn cho con cái làm gì. 

Cả hai đứa đi học suốt ngày, lúc về là nhảy dây, đá bóng, cùng lắm nấu được nồi cơm, quét cái nhà. Từ bé đã không chăm chỉ thì sau này lớn lên biết làm gì mà sống”. 

Theo ý mẹ tôi, trẻ con nông thôn 10 tuổi trở ra là phải học cắt cỏ, cắt lúa, lo được cơm nước cho bố mẹ vào ngày mùa. Ngược lại, chị dâu tôi không nghĩ thế. Chị bảo học hành là việc chính của trẻ con, ngoài giờ học chúng nó cần nghỉ ngơi, vui chơi. Chỉ cần các con biết vâng lời, chăm chỉ học tập, yêu thương ông bà cha mẹ là được. Vợ chồng chị còn khỏe, chẳng ngại gì vất vả nên không bắt con chăn trâu, cắt cỏ. Cho con ra đồng, không may ngã xuống ao, xuống chuôm thì hậu quả khôn lường. 

Cũng chính vì không đồng thuận về cách dạy dỗ con cháu mà đôi khi chị dâu làm mẹ tôi không vừa lòng. Để xoa dịu không khí căng thẳng, tôi nói với mẹ: “Cuộc sống mỗi ngày mỗi khác. Cách dạy con thời nay không thể giống hệt thời đại của mẹ. Mẹ cứ để anh chị bảo ban cháu theo cách của anh chị mẹ ạ. Hơn nữa, con thấy hai cháu rất ngoan, học giỏi, sinh hoạt có nền nếp nên mẹ cứ yên tâm”.  

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hai cháu tôi đã lớn, lần lượt học đại học và ra trường đi làm. Cả hai anh em đều tự lập lo cuộc sống riêng của mình, không ỷ lại,  dựa dẫm vào bố mẹ. Mẹ tôi luôn tự hào mỗi khi có ai nhắc về cháu nội. Mới đây, lúc cả gia đình quây quần, nhắc lại chuyện xưa, chị dâu tôi bảo: “Khi các cháu còn nhỏ, hàng xóm thường xì xầm anh chị chiều con thế thì hư mất. Nhưng chị nghĩ con cái sinh ra mỗi đứa mỗi tính, thể trạng sức khỏe cũng khác nhau. Vì thế, cha mẹ là người hiểu nhất nên dạy dỗ như thế nào cho phù hợp, cách dạy con của nhà này không thể áp dụng cho nhà khác được em ạ”. 

Nghe chị nói tôi lại liên tưởng đến gia đình mình. Vợ chồng tôi có hai con như nhiều đôi vợ chồng trẻ khác. Đọc sách, báo, tiếp cận Internet thường xuyên nên chúng tôi có rất nhiều thông tin về cách dạy con. Có giai đoạn thì áp dụng phương pháp nuôi con thông minh kiểu Nhật, có thời điểm lại kiểu Pháp, sau đó theo học khóa học “Kỷ luật không nước mắt”. Nhưng cuối cùng, hai con của tôi cũng không có gì khác so với những đứa trẻ cùng trang lứa, vẫn hay hờn dỗi, cãi cọ với nhau. Đi học hay quên sách vở nếu mẹ không nhắc nhở. Góc học tập thường xuyên có giấy vụn. Giờ thì tôi hiểu ra, dạy dỗ con cái là một hành trình dài, cha mẹ chính là “kiến trúc sư” tốt nhất. 

Bằng tình yêu thương, trải nghiệm và kiến thức có được, mỗi ông bố, bà mẹ sẽ đưa ra phương pháp phù hợp với con mình. Các phương pháp giáo dục dù hiện đại, ưu việt nhất trên thế giới cũng chỉ là tài liệu tham khảo mà thôi. 

Sâm Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...