Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lo ngại vì nghỉ Tết dài

Cập nhật: 10:05 ngày 23/02/2018
(BGĐT) - Tết là phong tục mang ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người dân Việt. Dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu trong ngày Tết đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Tuy nhiên, nhìn lại một kỳ nghỉ Tết dài cho thấy có nhiều hệ lụy, rất cần có sự điều chỉnh để Tết thực sự lành mạnh, yên vui.

Áp lực lớn nhất trong dịp Tết là bảo đảm ATGT. Tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các nhà ga, bến xe, các tuyến đường xung quanh  đền, chùa trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này quá lớn, phương tiện ô tô tăng mạnh.

Báo cáo nhanh của Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 ngày Tết, cả nước xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 179 người, 186 người bị thương. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đối tượng xảy ra TNGT phần lớn là người đi xe mô tô, xe gắn máy; khu vực xảy ra TNGT chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị.

Tỉnh Bắc Giang không là ngoại lệ. Theo thông tin từ Sở Y tế, từ ngày 29 đến mùng 5 Tết, toàn tỉnh khám, cấp cứu tai nạn cho gần 2,8 nghìn trường hợp, tăng hơn 300 ca so với dịp Tết năm ngoái. Trong đó có gần 500 ca TNGT, 11 ca tai nạn do pháo nổ, 26 ca ngộ độc thực phẩm, 7 ca ngộ độc rượu, bia, 39 ca thương tích do đánh nhau...

Có thể thấy rõ trong các báo cáo về TNGT, bệnh nhân cấp cứu dịp Tết đều thấy có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Báo Lao động đưa tin ước tính toàn quốc có khoảng 1 tỷ lít bia rượu đi qua dạ dày người Việt dịp nghỉ Tết dài vừa qua. Doanh số ngành bia rượu tăng lên cũng tỷ lệ thuận với tình trạng ẩu đả vì say xỉn, TNGT.

Một hệ lụy khác là tình trạng chểnh mảng công việc. Ngoài một tuần nghỉ Tết thì trước đấy là một tuần đi lại, mua sắm và tiếp đó là tuần “khởi động uể oải” sau Tết.

Tết là khoảng thời gian sum họp bên gia đình, nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động để tiếp tục bước vào một năm làm việc hiệu quả hơn. Thế nhưng với nhiều người, nhiều gia đình, Tết bỗng dưng trở thành gánh nặng hơn bao giờ hết. Theo ý kiến của một số chuyên gia, với lịch nghỉ Tết quá dài, ngoại trừ việc có thể thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong dân, đẩy sức cầu của nền kinh tế đi lên còn lại gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Do vậy có ý kiến đề xuất  chỉ nên nghỉ đúng ba ngày trọn vẹn. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, gây mệt mỏi, phiền hà cho nhiều người. Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng, vấn đề không phải là nghỉ bao nhiêu ngày mà cần có giải pháp để người lao động tăng năng suất lao động, chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất, cần xóa bỏ tư duy “nghỉ dài”, “chơi xuân” vốn tồn tại trong tư duy sản xuất nông nghiệp lạc hậu.

Còn về việc ngăn chặn sử dụng rượu, bia, ngày thường đã khó, trong dịp Tết lại càng khó, nhưng để bảo đảm tính mạng cho mình và cho người khác, mỗi người cần nâng cao ý thức tự giác, đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông để tránh hậu quả cho gia đình, bản thân và xã hội.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...