Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thước đo đánh giá chất lượng cán bộ

Cập nhật: 09:41 ngày 01/11/2017
(BGĐT) - Báo Bắc Giang vừa đăng loạt bài ""Khoán việc" cho cấp ủy, người đứng đầu - cách làm của Bắc Giang", nêu bật những kinh nghiệm mới, cách làm hay về đánh giá chất lượng cấp ủy, người đứng đầu thông qua việc đăng ký nhiệm vụ trọng tâm. Cũng bàn về vấn đề này, hôm qua (31-10) tại diễn đàn Quốc hội nhiều ý kiến thảo luận cho rằng việc đánh giá chất lượng cần thực chất hơn.

Trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ là khâu đầu tiên để quyết định bố trí, sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện.

Qua đánh giá  là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những người hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao, có đóng góp, có cống hiến cho cho địa phương, đơn vị; đồng thời phê bình những người không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng.

Ngược lại nếu đánh giá sai cán bộ, nhất là người đứng đầu dễ gây ra những phân tâm, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin, có khi mất cả phong trào ở mỗi địa phương, ngành, đơn vị.

Việc đánh giá đúng chất lượng cán bộ hết sức quan trọng nhưng trên thực tế việc này còn có biểu hiện nể nang, né tránh, sợ mất lòng hoặc nắm không chắc, không đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ nên đánh giá, phân loại  thiếu công tâm, công khai, minh bạch.

Từ thực trạng trên, thông qua "khoán việc" tức là yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu đăng ký nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị bảo đảm yêu cầu: Rõ nội dung công việc, rõ người chịu trách nhiệm và rõ thời gian hoàn thành. Căn cứ vào đó làm thước đo để kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ. Với cách làm này, những năm gần đây việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu địa phương, đơn vị của Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến.

Ngoài thước đo "khoán việc", còn có thước đo khác là "sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp". Chẳng hạn như một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện trong thời gian qua là cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp. Nếu người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng về cải cách hành chính sẽ là rào cản về khơi thông các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) hiến kế, cần tổ chức có hiệu quả việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân một cách thực chất, tránh bệnh hình thức, thành tích. Nội dung này cần có hướng dẫn rất cụ thể và để thực hiện tốt nhiệm vụ này phải chú trọng xây dựng tiêu chí lấy ý kiến sát thực tế, hình thức lấy ý kiến phải khách quan, có sự tham gia giám sát của mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và người dân.

"Phải bổ sung tiêu chí đánh giá cán bộ, phân công lại cán bộ khi liên quan đến chỉ số hài lòng thấp" - ông Thực đề xuất.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...