Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Văn minh công sở

Cập nhật: 10:00 ngày 20/09/2017
(BGĐT) - Đề xuất ban hành quyết định không cho cán bộ, công chức mặc quần jean (quần bò), áo thun (áo phông) vào công sở ở một thành phố phía Nam đang gây chú ý của dư luận. Lãnh đạo cơ quan tham mưu ra văn bản này trả lời báo chí giải thích lý do là vì loại quần áo trên xuất phát từ các nước Tây Âu, không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt nói chung. Từ chuyện này, nhiều người bàn về văn minh công sở.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định về trang phục nơi công sở, đặc biệt là những nơi thường xuyên phải tiếp dân, giao tiếp với cơ quan, đơn vị khác ... là cần thiết. Tuy nhiên, lý do như vị lãnh đạo nêu ra như trên là không thỏa đáng, chưa thuyết phục. Bởi vì khi đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới cả kinh tế và văn hóa, cái gì văn minh chúng ta cần tiếp thu, ứng dụng vào thực tế cho phù hợp, phát huy hiệu quả.

Việc mặc quần bò, áo phông hay không là quyền tự do của mỗi người, chứ không có gì là lệch lạc về văn hóa cả. Cái chính là người mặc nó cần phải biết trong trường hợp, hoàn cảnh nào thì nên hoặc không nên mặc. Trên thực tế ở nhiều nơi không chỉ công sở mà chỗ di tích tôn nghiêm đều có quy định về trang phục và có người hướng dẫn sử dụng trang phục theo quy định.

Công sở là nơi làm việc và cũng là nơi thể hiện phong thái lịch sự, trang nhã của công chức. Vì công chức là bộ mặt của cơ quan nên việc ăn mặc của cá nhân phần nào thể hiện được mức độ và phong thái làm việc ở nơi đó. Nếu công chức đẹp thì cũng góp phần làm cho cơ quan, đơn vị trở nên chuyên nghiệp hơn, chỉn chu hơn. Trang phục công sở cũng thể hiện sự tôn trọng bản thân và những người xung quanh. Trang phục công sở ngoài đẹp, còn cần  đến sự thoải mái và tiện dụng khi làm việc.

Với đội ngũ cán bộ, công chức, ngoài việc cần có trang phục gọn gàng, lịch sự thì chất lượng công việc, thái độ ứng xử, đạo đức công vụ phải được đặt lên hàng đầu.

Để thực hiện tốt văn minh công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, mỗi đơn vị nên xây dựng quy chế văn hóa công sở riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị. Quy chế cần cụ thể, có tính khả thi, có tiêu chí và biện pháp bảo đảm thực hiện để mọi người phấn đấu. Đồng thời, nội dung của quy chế văn hóa công sở cần đưa ra thảo luận thường xuyên trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Cùng đó, mỗi đơn vị cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động. Yếu tố nhận thức là vấn đề then chốt để mỗi cán bộ, công chức hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó nâng cao các hành vi văn hóa công sở, thay đổi quan niệm, tác phong làm việc, thay đổi nhận thức và suy nghĩ về thái độ, hành vi ứng xử với mọi người, tiến dần đến chuẩn mực nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...