Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trẻ cần được yêu thương

Cập nhật: 11:38 ngày 12/08/2017
(BGĐT)-Những ngày qua, nhiều vụ việc liên quan tới trẻ em xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được dư luận đặc biệt quan tâm, những người làm cha, làm mẹ thực sự phải suy nghĩ.

Ngày 9-8-2017, UBND phường Xương Giang, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang ra thông báo về việc tìm cha, mẹ đẻ của trẻ bị bỏ rơi. Trước đó một ngày, người dân phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Sông, Tổ dân phố số 1, phường Thọ Xương có một bé gái khoảng 7 tháng tuổi mặc áo chấm bi nền trắng, đóng bỉm (không mặc quần) bị bỏ rơi. Đồ vật mang theo gồm một mũ vải màu hồng nhạt, một bình sữa nhãn hiệu Nano Silves, không có giấy tờ kèm theo. Hiện, UBND phường đã tạm giao cháu bé cho bà Nguyễn Thị Sông, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc nuôi dưỡng, đồng thời tích cực thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở tìm cha mẹ bé. 

Một bé trai trắng trẻo, kháu khỉnh mới đây cũng bị bỏ rơi ở cổng Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Câu nói của cháu: "Con tên Bin. Con 2 tuổi. Nhà con ở quận 8, con muốn về với mẹ" ai nghe cũng phải nghẹn lòng. Phải đến gần một tháng sau, chỉ đến khi chính quyền địa phương chuẩn bị làm thủ tục chuyển cháu cho mái ấm Thanh Bình (xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nuôi dưỡng mới có người đến nhận là bố, là mẹ cháu. Người phụ nữ này cho biết bé tên thật là Phạm Gia Huy, sinh ngày 16-1-2014, tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Chị đưa cháu vào Bệnh viện Từ Dũ thăm người thân bị lạc nhưng không biết làm cách nào để tìm con.

Một vụ việc khác liên quan tới trẻ em gây bức xúc dư luận là cháu Nguyễn Tiến A. (14 tháng tuổi ở Hà Nội) có dấu hiệu bị bạo hành và bỏ rơi ở bệnh viện. Trước đó, cháu Tiến A. nhập Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba và Bệnh viện Xanh Pôn với tình trạng co giật, tổn thương tay chân, ở trên trán. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ở Bệnh viện Xanh Pôn có máu tụ dưới màng não và khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn thương sọ não. 

Được biết mẹ của cháu Tiến A. là Đinh Lan Hương bị Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt hồi tháng 7-2017 vì tội buôn bán ma túy. Sau khi bị bắt, Hương giao bé Tiến A. cho một người bạn tên là Chi (ở phố Kim Mã, quận Ba Đình). Chi giao tiếp cháu bé cho Nguyễn Thanh Hằng (ở Yên Phụ, Ba Đình) nuôi cho đến lúc xảy ra sự việc cháu bé nghi bị bạo hành và bỏ rơi tại bệnh viện. Rất may, sau gần một tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe của cháu đã ổn định và được ông bà ngoại đón về nhà chiều 10-8. Cơ quan chức năng cũng đang tích cực điều tra ai gây thương tích với cháu.

Trẻ em là đối tượng yếu thế, còn non nớt, dễ bị tổn thương, không có khả năng tự bảo vệ mình. Vì vậy, các em luôn cần bàn tay chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương của người lớn. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống có không ít trẻ em bị chính người thân trong gia đình mình đối xử tệ: Đánh đập khi không vâng lời hoặc trái ý người lớn, làm hỏng đồ vật, thậm chí bố mẹ mâu thuẫn con bị đánh oan. Nhiều trẻ phải chịu đựng thái độ vô cảm và ánh mắt ghẻ lạnh thiếu nhân văn của người lớn. 

Đáng buồn hơn, có trẻ lại bị những người mang nặng đẻ đau bỏ rơi do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ tài chính để lo cho cuộc sống của con; tâm lý mặc cảm, xấu hổ và không vượt qua được chính mình của một số bạn gái còn trẻ, nhẹ dạ cả tin trong tình yêu dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn. Đến khi người đàn ông “cao chạy xa bay”, để lại một mình người phụ nữ phải xử lý “kết quả” của tình yêu thì đa phần những người này lại không dám đối diện với gia đình, người thân, xấu hổ với bạn bè nên tìm cách chạy trốn, thoái thác trách nhiệm bằng hành động thiếu suy nghĩ là “mang con bỏ chợ”. Những người phụ nữ nếu đã từng bỏ rơi đứa con mình dứt ruột đẻ ra chắc chắn sẽ bị chấn động về tâm lý. Họ sẽ sống trong mặc cảm tội lỗi, như vậy là đáng thương. Nhưng điều đáng trách là họ đã không vượt qua được chính mình, không tỉnh táo để đưa ra quyết định sáng suốt để rồi phải hối hận cả đời.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rất rõ trách nhiệm của gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục trong việc chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; bảo đảm để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm trẻ em, có các giải pháp trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mong rằng, các bậc làm cha, làm mẹ hãy làm tốt việc nuôi dưỡng, mang niềm vui đến cho trẻ. Mỗi người, mỗi nhà trong khả năng của mình dành những gì tốt đẹp nhất cho những mầm non tương lai của đất nước.

Hoàng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...