Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 30 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc đời có cho em điểm 10?

Cập nhật: 09:57 ngày 14/07/2017
(BGĐT) - Mùa thi THPT quốc gia 2017 "xuôi chèo mát mái" tưởng khép lại êm đềm vậy mà sau khi công bố kết quả thi lại dấy lên tranh luận về "mưa điểm 10". Và những trăn trở về chất lượng giáo dục vẫn thu hút sự quan tâm trên nhiều diễn đàn.

Có lẽ chưa bao giờ thi cử lại thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Không còn cảnh phải "cơm nắm cơm đùm" về các tỉnh, thành phố; phong trào đưa "Em tôi đi thi" cũng không cần thiết nữa; các "lò" luyện thi giảm nhiệt.  Thi cử "căng như dây đàn" đã thực sự nhẹ nhàng. Báo chí cũng giảm hẳn những "chuyện cười ra nước mắt" sau mỗi mùa thi.

Thế thì còn gì phải bàn cãi nữa nhỉ? Có đấy! Đó không hẳn là chuyện chất lượng kỳ thi mà mấu chốt là vấn đề chất lượng giáo dục.

Báo chí và mạng xã hội năm nay thay vì chạy tít "hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử", "điểm liệt môn Văn nhiều vô kể", "Giải pháp nào cho các môn xã hội"... như những mùa thi trước thì nay chạy tít là "mưa điểm 10". Tổng số có 4 nghìn điểm 10 trong kỳ thi này.

Chẳng lẽ sau một năm mà học sinh lại tiến bộ nhanh đến thế đối với các môn xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử (?). Liệu chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến nhanh đến vậy? Những người am hiểu về giáo dục hẳn sẽ không ngây thơ tin vào điều này. Và họ đã tìm ra "người hùng" góp phần làm nên nhiều điểm 10 như thế có tên là ..."trắc nghiệm".

Lý giải về điều này, có chuyên gia cho rằng, với thi trắc nghiệm những gian lận kiểu nhắc bài, truyền tin cho nhau trong phòng thi sẽ dễ dàng thực hiện hơn so với thi tự luận. Nếu giám thị lơ là hay giả vờ nghiêm túc, chỉ cần 10 phút một thí sinh có thể sao chép được toàn bộ kết quả bài thi trắc nghiệm của thí sinh khác.

Hệ lụy của kết quả điểm thi cao sẽ làm khó cho khâu xét tuyển vào đại học. Tình trạng đạt điểm cao nhưng có thể vẫn không vào được đại học mình chọn vì còn nhiều bạn có điểm số cao hơn, mà kết quả cao hơn ấy có khi do gian lận.

Xung quanh chuyện "mưa điểm 10", tác giả Nguyễn Quốc Vương viết trên báo Người đô thị: "... Chúng ta đừng nhìn vào kết quả điểm 10 mà quên rằng mục đích cuối cùng của giáo dục phổ thông là gì? Về điều này, Điều 27 Luật Giáo dục hiện hành ghi rõ: "Mục đích của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa..."

Nhìn vào mục đích trên thì thấy đó là những cái còn yếu của giáo dục phổ thông hiện nay. Muốn chứng minh rất dễ. Cứ nhìn các học sinh tốt nghiệp phổ thông xong hành xử thế nào, suy nghĩ thế nào là rõ.

Các bạn được điểm 10, thậm chí cầm mảnh bằng khi đối diện với cuộc đời thì các bạn sẽ thấy. Đời không cho các bạn điểm 10, cũng không biết khen các bạn. Đời chỉ đưa ra các bài toán to nhỏ để tự bạn phải tìm lời giải - Nguyễn Quốc Vương viết trên Facebook.

Nhiều điểm 10 mà không vui, vẫn thấy lo lo, vì nếu không được giáo dục phát triển toàn diện từ bậc phổ thông để có đủ phẩm chất bước vào các ngã rẽ, các em sẽ giải các bài toán to nhỏ của cuộc đời như thế nào?

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...