Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 25 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chất lượng thông tin báo chí

Cập nhật: 08:09 ngày 16/06/2017
(BGĐT) - Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã tạo ra sự "bùng nổ thông tin" của báo chí truyền thông. 

Sự lan tỏa thông tin nhanh, phong phú, rộng khắp từ các phương tiện báo chí gồm phát thanh, truyền hình, báo giấy và báo điện tử nhờ công nghệ cao nhưng vẫn đứng trước "nguy cơ tụt hậu" so với Facebook và mạng xã hội khác.

Một thách thức lớn đối với các nhà báo thời đại truyền thông số đó là, trong khi có hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ thì có tới 48/92 triệu người dân Việt Nam dùng Facebook, mạng xã hội. 

Trong nền "báo chí công dân", gần như người nào sử dụng mạng xã hội cũng trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook trở thành một "tòa soạn" và mỗi người dùng Facebook đều trở thành một "nhà báo công dân". Tự do bình luận, viết nói trên chính “tòa soạn” của mình.

Cho nên, trong vô vàn thông tin mà độc giả tiếp cận từng giây, từng phút từ các nhà báo và "nhà báo công dân" bên cạnh sự hữu ích, chuẩn mực thì cũng đáng lo ngại bởi tin giả, tin không chính xác, vàng thau lẫn lộn, tác động tiêu cực đến xã hội. 

Bản chất công việc của nhà báo là thu thập thông tin, xử lý thông tin và loan tin  với yêu cầu nhanh, chính xác, hấp dẫn nhằm định hướng dư luận vì sự tiến bộ của cộng đồng. 

Vấn đề  đặt ra với các cơ quan báo chí và người làm báo chân chính trong thời đại công nghệ số là báo chí chính thống phải làm thế nào để định hướng đúng, định hướng được khi 48 triệu người là "nhà báo công dân"?

Câu trả lời cho vấn đề này, tuy nghề báo là nghề đặc thù nhưng nhà báo trước hết là một công dân phải thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ nhà báo đi trước đã chỉ dạy nhà báo phải luôn giữ tâm nghề, tự đổi mới chính mình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin trung thực, khách quan phục vụ kịp thời quyền lợi của công chúng.  

Tiếc rằng, thời gian qua, làng báo có không ít sự kiện buồn, trong đó đáng nhớ là việc Bộ Thông tin và Truyền thông kiên quyết xử lý nhiều tờ báo vi phạm, kỷ luật, thu nhiều thẻ nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điều này cho thấy có một bộ phận nhà báo cố tình bỏ quên lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Dù đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng rõ ràng nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhà báo hoạt động chân chính.

Để giữ gìn đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của báo chí Việt Nam, từ ngày 1-1-2017, “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” đã có hiệu lực. Trong số 10 quy định này, điều số 5 yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trong kỷ nguyên số. Đây là “kim chỉ nam” dẫn dắt các nhà báo trau dồi, rèn đức, rèn nghề, rèn bản lĩnh để cung cấp thông tin hữu ích nhất cho bạn đọc, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.

Bất cứ thời điểm nào, niềm tin của công chúng đối với nghề báo, nhà báo cũng hết sức quan trọng. Bởi vậy, thành tín luôn là vấn đề cốt lõi, sống còn của người làm báo. Duy trì điều này cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, bảo đảm thông tin cho độc giả có chất lượng nhất, đáp ứng nhu cầu thời sự, nhân văn.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...