Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lại lỗi kỹ thuật

Cập nhật: 08:29 ngày 24/05/2017
(BGĐT) - Trước phản ứng của dư luận và báo chí về việc cập nhật 300 ca khúc được phép phổ biến của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch); đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều qua 23-5, Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đã xin lỗi độc giả vì “để dư luận hiểu nhầm, bức xúc”. 

Theo Cục trưởng, việc “hiểu nhầm’ này do bộ phận kỹ thuật để chung bài hát được cấp phép rộng rãi với bài hát được cấp phép trước kia. Lời xin lỗi này “nghe quen quen”, vì lại là… lỗi kỹ thuật.

Trở lại câu chuyện khiến dư luận bức xúc, cuối tuần trước, Cục Nghệ thuật Biểu diễn bất ngờ cập nhật hơn 300 bài hát vào danh sách bài hát phổ biến trên trang thông tin điện tử của Cục. Danh sách này gồm nhiều bài “nhạc đỏ” quen thuộc: “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Bước chân trên dải Trường Sơn”, “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Chào sông Mã anh hùng”. Đặc biệt, nhiều ca khúc ca ngợi Bác như: “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Tiếng  hát giữa rừng Pác Bó”… và ca khúc “Tiến quân ca” (hay Quốc ca) cũng được đưa vào danh sách.  

Việc làm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn khiến nhiều người hiểu các ca khúc này đến nay mới được cấp phép; bởi lãnh đạo Cục nhiều lần “đăng đàn” khẳng định bài hát nào được cấp phép phổ biến thì được công bố trên website, hay ca khúc nào không có trong danh sách tức là chưa được cấp phép.

Dư luận dậy sóng. Ô hay, hoá ra xưa nay cả nước mình toàn hát… chui, hát bài chưa được cấp phép (?). Ngay cả Quốc ca là tài sản quốc gia, được Hiến pháp quy định cũng phải “cấp phép”??? Ông Lưu Bình Nhưỡng- đại biểu Quốc hội chất vấn: “ Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải trả lời câu hỏi: Tại sao Hiến pháp đã quy định rồi lại còn phải cấp phép? Việc cấp phép này nhằm mục đích gì?”. Ông khẳng định, đây là vi phạm pháp luật chứ không còn là việc lạm quyền. Đồng quan điểm này, nhà báo Đức Hoàng trong bài viết “Cấp phép cho Quốc ca” cũng khẳng định: Chuyện cấp phép hay không cho một ca khúc là chuyện nhỏ; cái lớn hơn là thứ tâm lý muốn quản mọi thứ của các cơ quan công quyền.

Không thể đổ cho “dư luận hiểu nhầm” vì dù Cục có thanh minh đây chỉ là “cập nhật” chứ không phải “cấp phép” thì vẫn khiến dư luận bất bình bởi đa số các ca khúc này gắn liền với đời sống nhân dân, có tuổi đời hàng chục năm, sao cần “cập nhật được phép phổ biến” mà làm gì. Ngay trong văn bản hoả tốc gửi Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.  

Có sai thì nhận và xin lỗi một cách cầu thị, chứ cứ bảo “dư luận hiểu nhầm” và  “lỗi do bộ phận kỹ thuật để chung” thì chưa thuyết phục, chứ không muốn nói đến đó là việc lạm quyền như nhiều người chất vấn.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...