Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sân cỏ nhân tạo: Giải "cơn khát" cho người yêu bóng đá

Cập nhật: 08:44 ngày 22/03/2017
(BGĐT) - Không chỉ có ở các trung tâm đô thị sầm uất mà sân bóng cỏ nhân tạo đang mọc lên ở cả những vùng nông thôn, miền núi đáp ứng nhu cầu của đông đảo người yêu bóng đá, thúc đẩy phong trào thể thao tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang.
{keywords}

Sân bóng cỏ nhân tạo của Công ty TNHH Dae Gwang vina (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng).

Hai năm nay, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đã có một sân bóng đá nhân tạo. Chủ sân là anh Bùi Đình Luyện cho biết, phong trào bóng đá ở đây khá sôi nổi. Toàn xã hiện có 3 câu lạc bộ và hơn chục đội bóng của các thôn, làng. Khi chưa có sân nhân tạo, thanh niên phải ngược lên xã Phì Điền hoặc xuống thị trấn Chũ cách gần chục cây số để chơi, thậm chí có nhóm phải đá trên mặt sân gồ ghề, nhiều cầu thủ bị thương. 

Nhận thấy nhu cầu lớn, cộng thêm trong quá trình xã Hồng Giang xây dựng nông thôn mới có chủ trương xã hội hóa hoạt động thể thao bằng cách tạo điều kiện về mặt bằng, gia đình anh Luyện đã đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo. Lúc cao điểm, nhất là cuối tuần, mùa hè, sân luôn kín lịch phục vụ. Cầu thủ từ xã khác như Tân Quang, Biên Sơn cũng về đây thi đấu. Chi phí mỗi trận đấu 90 phút ở khung từ 16 giờ đến 20 giờ là 300 nghìn đồng, các giờ khác 250 nghìn đồng. Với học sinh, thiếu nhi, chủ sân chỉ thu 100 nghìn đồng/trận. 

Tại Yên Dũng, trước đây, người yêu thích bóng đá khó tìm được sân bóng đủ điều kiện luyện tập và thi đấu. Thanh niên thường rủ nhau ra các khu đất trống, ruộng đồng. Sân bóng cỏ nhân tạo tại thị trấn Neo đã giúp họ thỏa mãn đam mê. Đối tượng tham gia thường là học sinh, thanh niên, cán bộ công chức, viên chức các cơ quan trong huyện. 

Anh Nguyễn Thế Đức, Đội trưởng CLB Bóng đá FC Tư Mại cho biết: Thị trấn Neo hiện đã có ba sân bóng nhân tạo là điểm hẹn của các cầu thủ mỗi buổi chiều, nhiều người trước không đá bóng nhưng nay đã tích cực ra sân rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe. Đội bóng đặt lịch đá 2 buổi/tuần, tổ chức thi đấu giải hoặc giao hữu vào các ngày lễ, nhờ vậy anh em trong đội tiến bộ nhanh. Năm ngoái CLB vô địch giải bóng đá cấp huyện. Chi phí mỗi trận bóng của một người chỉ khoảng 20 nghìn đồng, không tốn kém như nhiều môn thể thao khác. Chủ sân còn đầu tư cửa hàng bán đồng phục thể thao, giày, tất và các loại nước giải khát, bố trí trọng tài phục vụ khách. Nhờ đó, các cầu thủ thi đấu, tập luyện tích cực, nâng cao tính chuyên nghiệp. 

Năm 2016, toàn tỉnh có 31 tổ hợp sân cỏ nhân tạo với hàng chục sân bóng ở TP Bắc Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng. Tại các huyện, TP hình thành hàng trăm CLB bóng đá hoạt động sôi nổi, tích cực. Phó Giám đốc Sở Văn  hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trọng Bắc đánh giá: Người dân rất cần chơi thể thao sau những giờ lao động, học tập căng thẳng. Trong khi sân cỏ tự nhiên chưa đáp ứng cả số lượng lẫn chất lượng thì sân cỏ nhân tạo đã cho thấy những hiệu quả rõ nét. Ưu điểm của loại sân này là hạn chế rủi ro, va chạm trong thi đấu và có thể luyện tập cả buổi tối nhờ hệ thống đèn chiếu sáng. 

Đồng thời giúp cho lớp trẻ có nơi sinh hoạt thể thao lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội; thúc đẩy phát triển phong trào bóng đá tại các địa phương. Điều đó được thể hiện ở chất lượng chuyên môn Giải vô địch bóng đá Cúp Truyền hình tỉnh Bắc Giang được tổ chức hằng năm ngày càng nâng lên. Do vậy, ngành thể thao tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sân bóng cỏ nhân tạo để đáp ứng một phần nhu cầu chơi thể thao của người dân, đồng thời sẽ hỗ trợ tư vấn, tập huấn nghiệp vụ và thẩm định, cấp phép cho các sân đạt tiêu chuẩn.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...