Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nan giải điều trị bệnh mạn tính cho người hút thuốc lá

Cập nhật: 07:00 ngày 28/10/2018
(BGĐT) - Hút thuốc là thói quen gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm làm suy giảm tuổi thọ.

Tàn phá sức khỏe

Trong những ngày thời tiết chuyển mùa thu đông, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm dẫn đến nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính phải nhập viện. Khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) hiện có 60 người bệnh đang điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân này có đến hơn một nửa thường xuyên sử dụng thuốc lá và bị ảnh hưởng do hít phải khói thuốc với các bệnh phổ biến như: Hen phế quản, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính khi nhập viện đã phải hỗ trợ thở máy, chạy khí dung. 

{keywords}

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang).

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Hô hấp nói: “Khó điều trị nhất là các ca phổi tắc nghẽn mạn tính nhưng người bệnh vẫn không chịu từ bỏ thuốc lá. Nếu đã mắc bệnh này thì sẽ không thể nào chữa trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể hỗ trợ người bệnh điều trị làm giảm các triệu chứng, chậm quá trình tổn thương phổi, phòng ngừa tái phát và nhất định phải từ bỏ thuốc lá. Bác sĩ ở đây đã quen mặt nhiều bệnh nhân do mỗi năm họ phải vào điều trị vài đợt cấp tính”. 

Phần đông bệnh nhân đang điều trị viêm đường hô hấp ở thể nặng do đã hút thuốc lá nhiều năm. Như trường hợp ông Đinh Văn Tĩnh (SN 1947), ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vào viện cấp cứu vì huyết áp cao không kiểm soát được trên nền bệnh phổi, tiền sử hút thuốc lá 40 năm. Vừa được cấp cứu qua cơn nguy kịch do khói thuốc bịt kín đường thở, ông Tĩnh chia sẻ: “Lần này, tôi phải quyết tâm bỏ thuốc lá để chữa bệnh. Nhìn những người cùng phòng không thở được, trong đó có nhiều người còn ít tuổi, tôi thực sự lo ngại cho sức khỏe bản thân”.

Với các bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu tỉnh, mỗi lần điều trị cho bệnh nhân u phổi có sử dụng thuốc lá là một lần họ bị ám ảnh. Khi đã mắc căn bệnh này, cơ thể người bệnh rất tiều tụy. Một số bệnh nhân còn không đủ thể lực để truyền hóa chất, xạ trị. Bác sĩ Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh cho biết: “Có trường hợp khi phải nhập viện thì quyết tâm cai thuốc lá nhưng lúc bệnh tình thuyên giảm lại hút. Điều này rất nguy hiểm, nhất là với những bệnh nhân đã có tổn thương ở phổi, tim mạch”.

Theo đánh giá từ nhiều công trình nghiên cứu của ngành y tế, bỏ thuốc lá giúp giảm bớt bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. So với người vẫn hút thuốc lá, người bỏ thuốc ít bị cảm cúm, viêm phổi hơn.

Xây dựng môi trường sống lành mạnh

Trước tình trạng nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính thể nặng do hút thuốc lá phải nhập viện điều trị dài ngày, các bệnh viện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến bệnh nhân, người nhà của họ về tác hại của việc hút thuốc, thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp hội đồng người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường giám sát việc cấm hút thuốc lá tại các điểm như: căng tin, buồng bệnh, hành lang, khuôn viên, phòng chờ, hội trường, phòng bệnh, phòng khám bệnh.

Theo ông Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế, ngành đang nỗ lực phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe gắn với phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt về một số bệnh nguy hiểm do khói thuốc gây ra như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, hen suyễn. Quán triệt cán bộ y tế nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân thực hiện quy định không hút thuốc lá trong phòng bệnh và khuôn viên, hành lang bệnh viện. Một số bệnh viện thành lập tổ công tác xã hội như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa huyện Tân Yên để tư vấn, hỗ trợ cai thuốc lá cho nhiều bệnh nhân.

Về lâu dài, ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá các cấp cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về nguy cơ gây hại cho sức khỏe của khói thuốc. Cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa nội dung này vào quy chế nội bộ, thực hiện văn hóa công sở, đánh giá, bình xét thi đua, xây dựng cơ quan, làng bản, tổ dân phố văn hóa. 

Các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý những hành vi vi phạm quy định về thuốc lá; kiểm soát việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá, nghiêm cấm bán thuốc lá tại nơi làm việc, trường học, bệnh viện và cấm bán cho người dưới 18 tuổi. Qua đó góp phần làm thay đổi hành vi, giảm dần tỷ lệ người hút và giảm nguy cơ mắc bệnh tật do sử dụng thuốc lá.

Chế độ ăn uống hạn chế tác hại của khói thuốc lá
(BGĐT)- Những người hút thuốc thường xuyên nên sử dụng một số thực phẩm sau để giảm tác hại, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
 
Gia đình bất hòa vì chồng hút thuốc lá
(BGĐT) - Rất nhiều gia đình hay cãi vã nhau chỉ vì chồng hút thuốc lá, vợ phiền lòng lo sợ ảnh hưởng tới bố mẹ và các con nhỏ.
 
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng
(BGĐT) - Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục của các cặp vợ chồng
 

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...