Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giữ ấm, phòng bệnh khi rét đậm, rét hại

Cập nhật: 21:02 ngày 10/01/2018
(BGĐT) - Miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh có cường độ mạnh khiến nhiệt độ xuống rất thấp. Dự báo đợt rét đậm, rét hại lần này còn kéo dài, Bắc Giang sẽ lạnh sâu trong vài ngày nữa. Thời tiết như hiện nay ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ, người già, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. 
{keywords}

Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn.

Gia tăng số ca bệnh tim mạch

Những ngày này, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Lục Ngạn) tiếp nhận rất đông bệnh nhân. Trong đó phần lớn người bệnh đến khám trong tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 lượt người đến khám, điều trị. Số trẻ em và người già mắc bệnh nặng phải nhập viện tăng cao trong hai ngày qua. Đáng lo ngại nhất là tình trạng gia tăng bệnh nhi viêm phổi và diễn biến đột quỵ ở người có tiền sử tăng huyết áp. Theo bác sĩ Trần Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện, đơn vị đã tập trung cao bổ sung cơ số thuốc, cử bác sĩ chuyên khoa trực tại phòng khám và tăng cường nhân lực cho Phòng khám Đa khoa khu vực Lục Ngạn để kịp thời điều trị cho nhân dân. Các phòng bệnh đã được lắp cửa kính tránh gió lùa, bổ sung một số máy sưởi, bật điều hòa ấm cho trẻ sơ sinh và tăng số chăn ấm cho bệnh nhân.

Theo báo cáo từ Sở Y tế, ngày 10-1, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Mai Sưu cũng có gần 40 người dân ở các xã khó khăn như: Vô Tranh, Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn (Lục Nam) đến khám bệnh. Số bệnh nhân vào điều trị chủ yếu mắc các chứng bệnh do thời tiết giá rét. Trong đó, nhiều trường hợp bị hen phế quản, đái tháo đường, Lupus ban đỏ có triệu chứng trở nặng.

{keywords}

Với thời tiết như hiện nay, người già và trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh. Tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng cao do sức đề kháng yếu. Khi nhiệt độ giảm sâu, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh, mắc các bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa. Vì thế các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cần chú ý bảo đảm bữa ăn đủ chất, quần áo ấm, nhất là khi các em học tập, vui chơi ở trường". 


Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Sắc, Trưởng khoa Nội nhi (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh)

Ở các bệnh viện tuyến huyện đều gia tăng bệnh nhân khám và điều trị nội trú, những ca bệnh nặng được chuyển tuyến tỉnh. Nhiều trường hợp đến thẳng các bệnh viện lớn như Đa khoa tỉnh, Sản - Nhi, Phổi. Tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), mấy ngày gần đây số bệnh nhân xơ vữa động mạch, đột quỵ, tắc nghẽn động mạch vành, nhồi máu cơ tim tăng khoảng 20 ca/ngày so với tháng 12-2017. Dưới sự hỗ trợ của Trung tâm can thiệp Tim mạch (Bệnh viện E Hà Nội), các bác sĩ đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng bằng kỹ thuật can thiệp động mạch vành (sử dụng ống thông qua da, không phẫu thuật, luồn vào mạch máu). 

Ông Hoàng Văn Nhét, xã Biên Sơn (Lục Ngạn) cho biết: “Khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị tắc động mạch vành phải, nguy cơ tử vong cao. Được các bác sĩ can thiệp kịp thời nên sức khỏe đã ổn định”. Tại Khoa Nội thần kinh cũng tiếp nhận nhiều ca liệt dây thần kinh số 7 dẫn đến méo miệng, liệt nửa mặt do nhiễm lạnh. Bác sĩ cho biết, bệnh thường gặp ở người cao tuổi và lưu ý mọi người không nên tập thể dục ngoài trời quá sớm, mặc đủ ấm khi đi xe mô tô đường dài.

Chủ động phòng, tránh, giảm thiểu tác hại 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời tiết lạnh thuận lợi cho vi-rút cúm phát triển, dễ lây lan thành dịch, nhất là một số chủng cúm A phổ biến như: H5N1, H1N1… Tháng 12-2017, toàn tỉnh ghi nhận 848 trường hợp mắc cúm thông thường. 10 ngày đầu tháng 1-2018 có hơn 300 bệnh nhân đến các cơ sở y tế trên địa bàn điều trị căn bệnh này. 

Để giảm thiểu tác hại do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, ông Bùi Thế Bừng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị bố trí buồng bệnh bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, đèn sưởi, phương tiện giữ nhiệt, nhất là bệnh nhân nặng, cấp cứu; tuyệt đối không để người nhà đến chăm nuôi bệnh nhân phải nằm trên sàn lạnh, hành lang. Bố trí đủ cơ số thuốc, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý các trường hợp thường gặp như: Cảm lạnh, hạ thân nhiệt, tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, nhất là các bệnh cúm, sởi, rubella, thủy đậu, quai bị”. 

Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân chú ý ăn đủ dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng giúp tăng sức đề kháng, lưu thông khí huyết. Cần tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, hạn chế ra ngoài trời trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, có mưa phùn, gió mạnh; không ngồi nơi gió lùa, tắm quá muộn. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không sử dụng than củi để sưởi ấm trong phòng kín gây ngạt khí; không tắm sau khi uống rượu bia. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, không tự ý dùng kháng sinh mà phải đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân nên chủ động đi tiêm vắc-xin dự phòng một số bệnh đường hô hấp, bệnh tiêu chảy do vi rút, thương hàn để phòng tránh lây nhiễm.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...