Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tham gia Bảo hiểm y tế: Lo lộ thông tin, nhiều bệnh nhân HIV/AIDS chưa mặn mà

Cập nhật: 14:05 ngày 05/01/2018
(BGĐT) - Từ năm 2018, các tổ chức quốc tế dần cắt giảm và sẽ chấm dứt tài trợ miễn phí thuốc kháng vi-rút ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với bệnh nhân và gia đình. Để thuận lợi cho việc điều trị, bác sĩ khuyên bệnh nhân HIV/AIDS nên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
{keywords}

Khám sức khỏe cho bệnh nhân HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Nhiều người nhiễm HIV chưa có BHYT

Để dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, Quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã thực hiện chi trả tiền thuốc, dịch vụ KCB cho người nhiễm HIV có thẻ. Hiện toàn tỉnh có ba cơ sở y tế (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) triển khai KCB BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đang điều trị kháng vi rút ARV cho hơn 400 bệnh nhân nhiễm bệnh này, trong đó nhiều người chưa có thẻ BHYT. Bác sĩ Nguyễn Thị Hiển, Trưởng Khoa Điều trị nghiện chất cho biết: “Ước tính mỗi năm chi phí KCB cho một ca điều trị HIV/AIDS hàng chục triệu đồng. Bệnh nhân chủ yếu suy giảm sức lao động, khó tự chi trả cho việc điều trị kiên trì và lâu dài nếu không có thẻ BHYT”.

Bệnh nhân PĐL, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi được khám, điều trị miễn phí. Từ nay phải tự chi trả tôi không biết có đủ tiền duy trì chữa bệnh lâu dài hay không? Mấy lần tái khám gần đây, các bác sĩ đều khuyên nên mua BHYT nhưng tôi vẫn e ngại phải cung cấp thông tin cá nhân cho đại lý bán BHYT nơi cư trú”.

Ở hai cơ sở còn lại, số bệnh nhân chưa có thẻ BHYT đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV cũng chiếm tỷ lệ cao (toàn tỉnh mới có 59% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT). Tìm hiểu được biết, từ năm 2017, ngân sách tỉnh cùng các nguồn hỗ trợ từ dự án NORRED, kinh phí T.Ư hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV.

Do lo ngại bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên nhiều người không muốn tham gia BHYT vì sợ lộ thông tin cá nhân, tình trạng bệnh tật tại địa phương sinh sống và khi chuyển tuyến KCB. Thậm chí một số trường hợp tham gia BHYT nhưng lại không KCB bằng thẻ BHYT để che giấu các bệnh nhiễm trùng cơ hội phát sinh trong quá trình điều trị HIV. Đó còn chưa kể không phải người bệnh nào cũng nhận thức được đầy đủ lợi ích của việc tham gia BHYT.

Tăng cường tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất

Toàn tỉnh hiện có 1.259 người nhiễm HIV/AIDS đang cư trú trên địa bàn (riêng  năm 2017 phát hiện thêm 94 ca bệnh mới).  Trong số này có hơn 700 người tham gia BHYT. Đặc biệt chỉ có 931 bệnh nhân đang được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) tại các cơ sở y tế.

Lâu nay, người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được sử dụng thuốc kháng vi-rút ARV hoàn toàn miễn phí nhưng mới có 63% người nhiễm HIV/AIDS được điều trị. Sắp tới không được tài trợ miễn phí nữa thì việc quản lý, chăm sóc đối tượng này sẽ khó khăn hơn. Người nhiễm HIV/AIDS không có thẻ BHYT khi đi KCB sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm, sử dụng thuốc nhiễm trùng cơ hội, thuốc kháng vi-rút ARV. Với chi phí cao, bệnh nhân sẽ khó có khả năng thanh toán thường xuyên dẫn đến nguy cơ bỏ điều trị.

Hơn nữa, hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV khi chuyển sang giai đoạn AIDS đều mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nên chi phí điều trị tầm soát suy giảm miễn dịch tăng cao. Trong khi số cơ sở điều trị HIV tuyến huyện còn ít, chưa phục vụ thuận tiện nhu cầu KCB thường xuyên, liên tục, lâu dài của bệnh nhân. Vả lại, bệnh nhân chỉ có thể mua thuốc ở các cơ sở điều trị HIV/AIDS (nguồn thuốc đấu thầu), còn những quầy thuốc và cơ sở KCB chưa triển khai điều trị HIV hầu như không có thuốc kháng vi-rút ARV. Đây là yếu tố làm gia tăng số lượng bệnh nhân bị kháng thuốc, thất bại trong điều trị, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

So với người bình thường, BHYT đã rất quan trọng. Với bệnh nhân nhiễm HIV, tấm thẻ BHYT quan trọng hơn rất nhiều bởi phải điều trị ức chế vi-rút phát triển và đối phó với chứng suy giảm miễn dịch suốt đời. Bác sĩ Lâm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Để bảo vệ sức khỏe, các bác sĩ đều khuyên bệnh nhân tham gia BHYT và phân tích cho họ nhận thức rõ mức chi phí mua BHYT hộ gia đình ở hộ có người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ vào chi phí điều trị bệnh cho chính bản thân. Hơn nữa, cá nhân người bệnh đã được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ. Trong quá trình đăng ký mua thẻ và KCB, các bác sĩ và nhân viên BHXH đều bảo mật tuyệt đối thông tin để bệnh nhân yên tâm điều trị”.

Được biết, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ triển khai thêm hai cơ sở KCB BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn. Lộ trình tiến tới triển khai công tác này ở tất cả các huyện, TP vào năm 2019. Về lâu dài, quan trọng nhất vẫn là tập trung tuyên truyền giảm thiểu kỳ thị, không phân biệt đối xử để người bệnh yên tâm điều trị và vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT để được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thường xuyên, lâu dài.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...