Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng các vùng dược liệu trọng điểm, bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài quý hiếm

Cập nhật: 15:35 ngày 12/04/2017
(BGĐT) - Ngày 12-4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nước ta có nguồn dược liệu phong phú với hơn 5 nghìn loài cây thuốc. Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu như: Quế, hồi, hòe, nghệ, sa nhân, actiso, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…Nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu có xu hướng tăng, ước tính mỗi năm nước ta sử dụng từ 60-80 nghìn tấn. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh. Toàn quốc có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp phép. Ngành y tế đã sưu tầm được gần 1,3 nghìn bài thuốc dân gian.

Bắc Giang có một số loài dược liệu tự nhiên như: Ba kích, thổ phục linh, hoài sơn, cẩu tích… mọc chủ yếu ở vùng núi cao (Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động). Hiện tỉnh đang phát triển vùng trồng dược liệu ở các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động với 335 ha kim tiền thảo, ích mẫu, ngải cứu, địa hoàng, ba kích, ngưu tất…

Tuy nhiên, việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hướng phát triển ở từng địa phương; chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, mới đáp ứng ở mức thấp từ 20-25% nhu cầu sử dụng, còn lại phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó, việc nghiên cứu vận dụng KH-CN vào sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa theo kịp các nước trong khu vực. Việc khai thác bừa bãi làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên cây thuốc tự nhiên, nhiều loài có nguy cơ cạn kiệt. Bờ biển và thềm lục địa nước ta có hàng nghìn loài sinh vật có thể làm thuốc quý nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu, khai thác hiệu quả…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị các địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc, nhất là duy trì mạng lưới bảo tồn tại 7 vùng sinh thái ở 3 miền. Khảo sát, xác định một số loài quý hiếm và những loài trước đây có nhiều, nay bị suy giảm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu không rõ nguồn gốc, nhập lậu để nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc đông dược. Xây dựng thương hiệu quốc gia đối với một số sản phẩm như: Sâm Ngọc Linh (Quảng Nam); Hồng Đẳng Sâm (Kon Tum)…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu theo hướng xây dựng các vùng dược liệu trọng điểm, gắn với bảo tồn, khai thác hợp lý các loài tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Trong đó đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc; xây dựng các vùng nuôi trồng dược liệu, bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài quý hiếm. 

Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài ở Việt Nam. Hỗ trợ tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, phát hiện, thử lâm sàng, đăng ký bảo hộ, lưu hành với các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có đề tài KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh đã được nghiệm thu. Thực hiện kiểm soát chất lượng dược liệu theo chuỗi, kết hợp với kiểm nghiệm từ nhập khẩu đến sử dụng. Xử lý nghiêm các hoạt động vận chuyển, buôn lậu dược liệu qua biên giới; không để tình trạng thương lái nước ngoài cố tình thu mua tận diệt các loài quý hiếm. Nghiêm cấm sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với hoạt chất hóa dược khi chưa được cấp phép. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu ngành y tế, các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục khai thác, trồng, phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn theo định hướng của Chính phủ.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...