Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Phát triển mặt hàng đặc trưng vùng cao

Cập nhật: 09:41 ngày 01/02/2019
(BGĐT) - Với những sản phẩm mang đặc trưng của vùng cao, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã xác định lộ trình để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong năm nay. Cách làm có nhiều nét riêng để đạt mục tiêu và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Năm 2019, huyện Sơn Động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP với 4 sản phẩm là mật ong rừng, nấm ăn - nấm dược liệu, rượu men lá và tắc kè (cao, rượu và con tắc kè). Trong đó, sản phẩm mật ong rừng do hai cơ sở sản xuất, cung cấp là Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động ở xã Tuấn Đạo và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh tại thị trấn An Châu. 

{keywords}

Dây chuyền sản xuất tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thảo Mộc Linh, thị trấn An Châu.

Các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Được biết, hiện trên địa bàn huyện có gần 25 nghìn đàn ong mật, sản lượng ước đạt hơn 200 tấn mật/năm, giá bán dao động từ 110- 150 nghìn đồng/lít, doanh thu hơn 26 tỷ đồng. 

Số lượng đàn ong chủ yếu tập trung ở các xã có diện tích rừng tự nhiên lớn như: Tuấn Đạo, Bồng Am, An Lạc… mang lại lợi thế về vùng nguyên liệu dồi dào và nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi ong, đồng thời là sản phẩm đặc trưng, có “thương hiệu” mạnh của huyện vùng cao.

Chị Ngọc Thị Luận, phụ trách kỹ thuật của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh cho biết: Mật ong rừng Thảo Mộc Linh được thanh lọc, chiết xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định, gắn tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc… 

Hiện sản phẩm mật ong rừng Thảo Mộc Linh đang được HTX xúc tiến quảng bá, hoàn thiện các thủ tục đưa vào hệ thống siêu thị Big C miền Bắc và các điểm du lịch, lễ hội. Trong năm 2019, đối tác của HTX tại Hàn Quốc dự kiến đưa 10 nghìn lít mật sang tiêu thụ tại thị trường này.

Không chỉ có mật ong rừng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh đang sản xuất và tiêu thụ khá tốt rượu men lá. Nguyên liệu để cho ra những giọt rượu nồng hương rừng núi là gạo tẻ được ủ bằng men lá theo đúng phương pháp cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng ngày, dây chuyền sản xuất hiện đại của đơn vị có thể cung cấp cho thị trường khoảng 4 nghìn lít với giá bán 30 nghìn đồng/lít.

Chương trình OCOP của huyện Sơn Động hướng đến mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương. Xác định các đối tượng quan trọng của chương trình là sản phẩm, dịch vụ và một số tổ chức kinh tế như HTX, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, nguồn vốn, năng lực hạn chế, trình độ sản xuất và phương pháp tổ chức chưa cao nên mặc dù có nguồn nguyên liệu sẵn có, sản lượng lớn nhưng Sơn Động chưa có nhiều sản phẩm mang dấu ấn địa phương. 

Đơn cử như đối với cơ sở sản xuất miến dong của gia đình ông Trịnh Duy Ngơi, thôn Bảo Tuấn, xã Tuấn Đạo. Trên địa bàn xã được quy hoạch hàng chục ha trồng cây dong riềng lấy củ để sản xuất miến, gia đình ông Ngơi cũng có 4 ha, trong đó có 2 ha dong riềng đã cho thu hoạch với năng suất 25-27 tấn/ha. 

Bằng nguồn vốn của gia đình, ông đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc nhưng do lực lượng lao động chủ yếu người nhà, bà con hàng xóm, chưa được đào tạo bài bản nên khi thiết bị hỏng hóc gặp lúng túng trong sửa chữa, khắc phục. Trong chương trình OCOP của huyện, về lâu dài có xác định bao gồm cả sản phẩm miến dong nhưng với những hạn chế này cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, ổn định sản xuất, làm chủ công nghệ.

Trao đổi với bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết, chương trình OCOP bước đầu mang lại kết quả khả quan, nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của các xã, thị trấn. Đây là nét riêng mà Sơn Động có được từ điều kiện tự nhiên, sản phẩm đặc thù của vùng cao. Một số sản phẩm không chỉ được tập trung vào chất lượng mà còn nâng tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ...

Nhận rõ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu với UBND huyện triển khai các biện pháp hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đào tạo nghề. Đặc biệt là phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan thông tin đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Sử dụng các mạng xã hội, Internet, tiến tới xây dựng các trang web hiện đại để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước; góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc ít người.

Quốc Phương

Triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030
(BGĐT)- Ngày 10-12, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tới đại diện một số sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, TP và một số xã cùng hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) liên quan...
 
Sơn Động: Xây dựng thương hiệu mỗi xã một sản phẩm
(BGĐT) - Ngoài nhãn hiệu Mật ong rừng Sơn Động được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, huyện Sơn Động đã xây dựng thành công nhãn hiệu Mật ong rừng Thảo Mộc Linh.
 
Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất theo chuỗi giá trị
Bắc Giang được chọn là địa phương phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” diễn ra vào ngày 14-7 tại TP Bắc Giang. Đây là một trong những nội dung được kỳ vọng tạo bước đột phá cho sản phẩm làng quê. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khái, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...