Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai

Cập nhật: 14:39 ngày 15/06/2018
(BGĐT) - Với phương châm “Chủ động phòng, tránh, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, đến thời điểm này, huyện Sơn Động đã xây dựng các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, tài sản khi có mưa lũ, thiên tai xảy ra.

{keywords}

Cán bộ Ban CHQS huyện cấp phát áo phao cho các địa phương.

Bài học từ thực tiễn

Bà Ngọc Thị Tuy, thôn Thán, xã Dương Hưu vẫn chưa thể quên được trận lũ lịch sử tháng 8-2017. Giống như các thôn Đồng Riễu, Rạng Đông, Thoi, Khe Khuôi ở cùng xã, sau hai ngày đêm mưa lớn, phần lớn thôn Thán bị ngập sâu trong nước. Nếu không nhanh tay di chuyển, toàn bộ nửa tấn thóc của gia đình bà bị ướt hết. 

Cách đó không xa, do chủ quan, không nghĩ lũ về bất ngờ, nước dâng cao gây ngập nhiều hàng hóa khiến chị Lã Thị Đăng, chủ một cửa hàng tạp hóa, đã bị thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Rút kinh nghiệm năm ngoái, ngay từ đầu tháng 5 vừa qua, khi xã tuyên truyền các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) đến các thôn, bản, gia đình bà Tuy, chị Đăng đã chủ động, sẵn sàng di dời tài sản, cất giữ lương thực ở nơi an toàn.

Theo thống kê, đợt mưa lũ tháng 8-2017, tuy không có thiệt hại về người nhưng khiến 74 hộ dân xã Dương Hưu bị ngập, hơn 22 tấn lương thực bị hỏng và cuốn trôi, gần 60 ha lúa, hoa màu ngập úng, một số tuyến đường giao thông, thủy lợi sạt lở, hư hỏng… tổng thiệt hại khoảng 5,6 tỷ đồng. 

Ông Lã Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Dương Hưu cho biết: “Thiệt hại từ trận lũ là bài học kinh nghiệm cho địa phương trong công tác PCTT, TKCN. Năm nay, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN xã đều được trang bị áo phao, thiết bị liên lạc khi mưa bão xảy ra. Chúng tôi quán triệt đến các thôn, bản đề cao việc bảo đảm thông tin, không để bị bất ngờ về tình hình mưa bão, thiên tai; xác định rõ các địa điểm trọng yếu, có phương án huy động lực lượng tại chỗ, tiếp cận, di dời người dân đến nơi an toàn”.

Tại xã Long Sơn, cùng với việc kiện toàn các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN xã, thời điểm này, các phương án ứng phó với mưa lũ, thiên tai cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó, lực lượng quân sự đóng vai trò nòng cốt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. 

Đồng chí Nguyễn Văn Toán, Chỉ huy trưởng Ban CHQS, Phó Ban Chỉ huy PCTT, TKCN xã khẳng định: “Chúng tôi phân công rõ trách nhiệm cho các tổ, đội dân quân chuẩn bị vật tư, thiết bị, khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, theo lệnh sẽ nhanh chóng di chuyển đến nơi bị chia cắt giao thông, phối hợp với các lực lượng khác thực hiện phương án sơ tán dân, không để bất cứ người dân nào bị cô lập cũng như khẩn trương khắc phục hậu quả”.

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Qua phân tích, nhận định tình hình, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN huyện xác định 14 khu vực có thể bị ảnh hưởng lớn do bão, lũ; 3 khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, 4 đoạn đường có nguy cơ sạt lở, 5 khu vực có thể bị ảnh hưởng do lốc xoáy. Dự kiến khi có tình huống thiên tai xảy ra sẽ huy động hơn 2.500 người và nhiều phương tiện tham gia ứng cứu, sơ tán người, tài sản và tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với người dân các địa phương khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 4 đợt mưa, lũ làm 4 người chết; 80 nhà bị ngập nước; hơn 68,6 ha lúa, hoa màu bị ngập và mất trắng; 17 công trình thủy lợi, đường giao thông bị lũ cuốn trôi và hư hỏng... Rút kinh nghiệm về những thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ tháng 4 năm nay, UBND huyện đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 17/KH-UBND về PCTT, TKCN; đồng thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT, TKCN cấp huyện, xã, thị trấn; phân công chức năng, trách nhiệm cho từng thành viên, khi có khả năng xảy ra thiên tai ở các địa phương phải bố trí phân công trực 24/24 giờ tại trụ sở làm việc để sẵn sàng tiếp nhận thông tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó.

Trước mắt, các cấp chính quyền trên địa bàn chú trọng việc nhận định tình hình thời tiết, dự báo các khu vực trọng yếu có thể bị ảnh hưởng do bão, lũ; chỉ rõ những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực dễ bị ảnh hưởng do gió, lốc xoáy tại các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, cắm biển báo nguy hiểm hoặc cho lực lượng dân quân ứng trực cảnh báo ở các khu vực này để người dân có ý thức chủ động phòng tránh. 

Phát huy sức mạnh tổng hợp, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng cần thiết để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc; tổ chức nạo vét, kiểm tra các công trình thủy lợi, kịp thời phát hiện những sự cố, hư hỏng để lập kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ…

Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN huyện nhấn mạnh: “Từ kinh nghiệm rút ra trong những mùa mưa bão trước, năm nay Ban Chỉ huy PCTT, TKCN huyện tập trung chỉ đạo 23 xã, thị trấn sẵn sàng các phương án, lực lượng, đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp dự báo, thông tin kịp thời tình hình, diễn biến bất thường của thời tiết, với mục đích không để người dân bị bất ngờ khi có thiên tai, bão, lũ xảy ra”.

Trần Chung - Xuân Thỏa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...