Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên kết tiêu thụ khoai tây còn vướng mắc

Cập nhật: 07:00 ngày 16/05/2018
(BGĐT) - Mặc dù đã có hợp đồng kinh tế về sản xuất và tiêu thụ khoai tây song trong quá trình liên kết giữa người dân một số xã trong huyện và phía doanh nghiệp (DN) phát sinh nhiều vướng mắc dẫn đến mùa vụ... kém vui.
{keywords}

Dù người dân nỗ lực bảo quản song khoai tây vẫn bị hư hỏng.

Vụ đông xuân vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Nhật Tân (thị trấn An Châu) - đại diện các hộ dân ký kết hợp đồng cung ứng, bao tiêu khoai tây lòng vàng với HTX Rau an toàn Việt Yên (Việt Yên). Theo đó, HTX cung ứng hơn 22,3 tấn giống để trồng tại một số xã trong huyện. Trong đó xã An Lạc được cấp 5,5 tấn, xã Vân Sơn (6,3 tấn), còn lại được trồng rải rác tại một số địa phương khác. Ở chiều ngược lại, bà con cam kết sau khi thu hoạch sẽ hoàn cho HTX theo tỷ lệ 1 kg giống tương đương 2,8 kg sản phẩm, số còn lại bán với giá 6,5 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, giữa các bên liên quan chưa có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến tình trạng thu mua chậm, tỷ lệ hư hỏng lớn, thậm chí một số người dân còn bán sản phẩm cho đối tác khác. Cụ thể, tại xã Vân Sơn, dù được phía HTX thông báo lịch thu mua song cán bộ khuyến nông cơ sở không thông báo đến các hộ. Vì vậy, khi DN đến, người dân không có sản phẩm để bán. Về sau, nông dân trong xã đồng loạt thu hoạch và bán sản phẩm cho thương lái khác. Trong khi đó, tại xã An Lạc, qua 4 lần mua hàng, HTX mới tiêu thụ được hơn 30 tấn, vẫn còn chừng 10 tấn trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội". Bà Nguyễn Thị Mười, thôn Đồng Bài (xã An Lạc) bức xúc: “Lúc đầu nghe có đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá cao, ổn định, chúng tôi phấn khởi. Không ngờ, khi có nông sản, DN lại thu mua không kịp thời dẫn đến sản phẩm bị hỏng, người dân thua thiệt”.

Trước vụ việc này, cuối tháng 4 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan. Tại đây, ông Nguyễn Thế Chuyền, Giám đốc HTX Rau an toàn Việt Yên cho rằng: “Đơn vị không lường trước biến động, nhu cầu của thị trường, trong khi năng suất thực tế cao hơn dự kiến nên buộc phải giãn thời gian giữa các đợt thu mua”. Về giải pháp khắc phục, đại diện HTX cho biết, đơn vị sẽ thanh toán đúng giá cam kết đối với số sản phẩm đã thu mua của người dân xã An Lạc và không yêu cầu bồi hoàn đối với 4 tấn giống do các hộ dân xã Vân Sơn tự trồng. Riêng hơn 2 tấn giống mà cán bộ khuyến nông xã Vân Sơn nhận trồng trên diện tích của gia đình, HTX mong muốn cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ để thu hồi. Liên quan đến nội dung này, đại diện UBND xã Vân Sơn thừa nhận, để xảy ra vụ việc, ngoài trách nhiệm của cán bộ khuyến nông, phía UBND xã cũng đã không thường xuyên kiểm tra, giám sát. Quá trình thực hiện, cán bộ của HTX không xuống hướng dẫn, hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc. "Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cán bộ khuyến nông. Về lâu dài, khi có những liên kết tương tự, chúng tôi sẽ yêu cầu cán bộ phụ trách bám sát, thường xuyên báo cáo với lãnh đạo UBND xã về tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện", ông Lê Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn nói.

Như vậy, rõ ràng, trong vụ việc này cả người dân, doanh nghiệp đều có lỗi. Phía HTX Rau an toàn Việt Yên đã thực hiện không đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng, chưa thu mua kịp thời, chưa gắn bó với người nông dân từ khâu gieo trồng, chăm sóc và tiêu thụ. Các hộ tham gia liên kết cũng không tuân thủ các nội dung đã cam kết về thời gian thu hoạch, quy trình đóng gói cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc đáng tiếc này, các đơn vị trung gian gồm Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Nhật Tân cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Lẽ ra, ngay sau khi phát sinh sự việc (cuối tháng 3 - PV), cơ quan chuyên môn cần triệu tập cuộc họp giữa các bên để nắm bắt tình hình, làm rõ trách nhiệm để tìm cách tháo gỡ. Cùng đó, DN đứng ra đại diện cho người dân trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm phải kịp thời hơn trong phối hợp với các đối tác để thực hiện thanh toán vật tư, giống, nông sản cho người dân. Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động nói: “Qua vụ việc này, chúng tôi rút ra bài học sâu sắc trong quá trình liên kết ký hợp đồng với các DN khi bao tiêu sản phẩm. Trước hết cần chọn lựa những đơn vị có năng lực tài chính, có uy tín liên kết với nông dân; thường xuyên tuyên truyền để nông dân thực hiện đúng cam kết, hạn chế phát sinh vụ việc không đáng có".

Sơn Quang

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...