Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển mạng di động 5G có ý nghĩa quan trọng đối với các nước ASEAN

Cập nhật: 18:19 ngày 22/03/2019
Ngày 22-3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu quốc tế là Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan quản lý về viễn thông các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế chuyên ngành, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu về sản xuất, khai thác dịch vụ viễn thông quốc tế và trong nước.

Hội nghị ASEAN về 5G là một trong các sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Đây cũng là hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G.

{keywords}

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh chung với trưởng đoàn các nước tham dự. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: ASEAN là một tổ chức có uy tín trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế. Các nước trong cộng đồng ASEAN luôn đồng thuận để xây dựng cộng đồng, đóng góp vào sự hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Về lĩnh vực công nghệ viễn thông, nhìn lại thời điểm khi thế giới triển khai mạng di động 2G, 3G, 4G, ban đầu, các nước ASEAN chỉ thụ hưởng công nghệ này. Nhưng gần đây, các nước ASEAN đã tạo ra bước phát triển để đóng góp trí tuệ vào lĩnh vực công nghệ của thế giới. Nhiều nước đã chú trọng nghiên cứu phát triển, sản xuất các thiết bị phần cứng, phần mềm, phục vụ cho mạng di động thế hệ mới.

Đề cập về 5G, Phó Thủ tướng cho rằng: Việc phát triển mạng thông tin di động 5G không chỉ là vấn đề về khoa học – công nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam và các nước. Đây không chỉ là bước đột phá về tốc độ mà còn liên quan đến việc thay đổi phương thức sản xuất của thế giới cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ điện toán, trí tuệ nhân tạo… Trước một công nghệ mới, những bước đi ban đầu bao giờ cũng khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp để họ tự tin hơn và giảm bớt rủi ro, thay vì để cho công nghệ mới tự thân phát triển, các doanh nghiệp tự đổi mới và tìm hướng đi cho mình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Công nghệ bao giờ cũng có hai mặt. Vì vậy, trong quá trình phát triển, một mặt cần thúc đẩy sáng tạo, mặt khác cần khắc phục được các mặt trái, trong đó có vấn đề an toàn, an ninh thông tin, giảm thiểu những tác động theo chiều không thuận. Phó Thủ tướng yêu cầu đại biểu các nước cần thảo luận để đưa ra hướng đi thiết thực cho sự phát triển của 5G. Trong đó, nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; đề ra định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phát triển công nghệ nói chung và mạng thông tin di động 5G nói riêng ở khu vực Asean trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số vì có những tính năng vượt trội như: Băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh… Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IOT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát… Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong ASEAN để thành lập liên doanh và các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ; sẵn sàng mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với quốc gia khác để tất cả thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.

Trong phiên thảo luận mở, chuyên gia quốc tế và đại biểu các nước đã thảo luận về vai trò 5G và chuyển đổi số, các cơ hội và tiềm năng từ 5G, ứng dụng 5G trong các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Các phiên chuyên đề cũng giới thiệu về tiềm năng ứng dụng 5G trong y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất và đô thị thông minh... Hội nghị cũng thảo luận những khó khăn, thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt và cần phối hợp khi triển khai xây dựng hệ sinh thái cho mạng 5G.

Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động của hội nghị, ngày 21-3, đại biểu các nước đã tập trung thảo luận chuyên sâu về chính sách và quản lý, chiến lược phát triển di động băng rộng và lộ trình triển khai 5G bao gồm công nghệ, chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng, tần số, tiêu chuẩn, an toàn thông tin, ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G.

Việt Nam bắt đầu triển khai thử nghiệm miễn phí dịch vụ 5G
Giấy phép thử nghiệm 5G đầu tiên vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel. Như vậy, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam nhận giấy phép thử nghiệm 5G.
 
Phẫu thuật từ xa bằng công nghệ 5G
Nhờ ứng dụng cộng nghệ 5G, các bác sĩ có thể tiến hành các ca phẫu thuật từ xa ở khoảng cách hàng ngàn km.
 
Khu thử nghiệm xe tự lái kết nối mạng 5G ở Hàn Quốc
Khu thử nghiệm xe tự lái được coi là lớn nhất thế giới, tích hợp các loại đường như cao tốc, đường tỉnh, nội đô và mô phỏng những tình huống có thực.
 
Nhà mạng đầu tiên trên thế giới thực hiện cuộc gọi video trên mạng 5G
SK Telecom trở thành nhà mạng đầu tiên trên thế giới thực hiện cuộc gọi video trên mạng 5G bằng chiếc điện thoại thử nghiệm của Samsung.
 
Theo TTXVN
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...