Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sự thật cái chết của Gagarin- người đầu tiên bay vào vũ trụ

Cập nhật: 07:00 ngày 15/04/2018
(BGĐT) - Tròn nửa thế kỷ sau ngày mất của Yuri Gagarin- nhà du hành vũ trụ Liên Xô, tháng Ba vừa qua, báo chí Âu-Mỹ lại có nhiều bài viết về nguyên nhân cái chết của ông bởi đến nay thực hư vẫn chưa được sáng tỏ.
{keywords}

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng sự thật về cái chết của Gagarin vẫn chưa sáng tỏ.

Thông tin trái chiều 

Ngày 27-3 vừa qua, Trang tin đa phương tiện toàn cầu Spacedaily.com đăng tải bài viết của phóng viên hãng AFP Marina Lapenkova ở Moscow (Nga). Trong bài viết, tác giả nhìn nhận cái chết của Yuri Gagarin sau nửa thế kỷ với nhiều lời đồn đoán thực hư. Thậm chí ngay cả nhiều người Nga cũng băn khoăn về nguyên nhân cái chết của người đàn ông đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ ngày 12-4-1961 trên con tàu Vostok (Phương Đông). 

Thông tin liên quan đến vụ tai nạn của Gagarin có nhiều giả thiết và mâu thuẫn nhau. Theo phiên bản chính thức được công bố trên báo chí thì máy bay UTI MiG-15 của Gagarin và Serjogin bị nổ tung vào lúc 10 giờ 31 phút ngày 27-3-1968 tại khu vực làng Novosjolovo cách thị trấn Kirzhach, tỉnh Vladimir chừng 8 km. Vụ nổ xảy ra trong điều kiện tầm nhìn hạn chế do trời nhiều mây. Máy bay bị rơi vào vùng xoáy, thời gian lại quá ngắn nên phi công không kịp xử lý. Trong số những người chứng kiến có công nhân thợ nguội Valentin Surkov nhưng ông này cho biết, ngày hôm đó trời quang mây tạnh. Khác với thông tin trên báo chí, Surkov còn khẳng định máy bay tìm thấy ở làng Rjazantsa, chính xác hơn là xóm Krutets. 

Cũng có giả thiết cho rằng cái chết của Gagarin có yếu tố chính trị vì ông quá nổi tiếng nhưng giả thuyết này xem ra không mấy thuyết phục. Lý do là sau cái chết của Vladimir Komarov- phi hành gia, bạn thân của Gagarin do dù không mở khi chiếc Soyuz 1 trở lại quỹ đạo nên Gagarin bị cấm bay vì sợ mất tiếp một tài năng hàng không. Chính Gagarin đã đấu tranh để lệnh đó được hủy và được phép bay trở lại cho dù chỉ là chuyến bay huấn luyện.

Những giả thiết 

Theo một tài liệu được giải mật vào tháng 4-2011, tròn 50 năm chuyến bay đầu tiên của Gagarin vào vũ trụ, một trong những nguyên nhân khả dĩ nhất dẫn tới vụ tai nạn là do một quả bóng thám không xuất hiện khiến đội bay của Gagarin và Seryogin bị mất kiểm soát. Tuy vậy, chừng nào sự thật chưa được tiết lộ thì chừng ấy những tin đồn vẫn cứ rộ lên và kéo dài cho tới hôm nay.

Có giả thiết cho rằng vụ tai nạn xảy ra là lỗi kỹ thuật bởi một máy bay khác, nhiều khả năng là một chiếc Sukhoi SU-15 đã bay quá gần chiếc MiG-15 của Gagarin. Hậu quả, chiếc MiG-15 đã bị rơi vào vùng khí xoáy do động cơ SU-7 gây ra khiến nó nhiễu loạn và mất kiểm soát. Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước còn có giả thiết cho rằng chuyến bay vũ trụ của Gagarin không thể được công nhận vì nó không trọn vẹn do Gagarin đã rời bỏ chuyến bay trước khi máy bay tiếp đất. Tuy vậy trên thực tế, phương pháp tiếp đất như trên đã được lên kế hoạch từ trước để bảo đảm an toàn. 

Năm 2003, Đại tá phi công người Nga Igor Kuznetsov cho rằng Gagarin hy sinh vì khoang lái của chiếc MiG-15 không được hàn kỹ hoặc phi công không chuẩn bị kỹ trước khi bay. Năm 2011, một tài liệu về vụ tai nạn lập năm 1968 bởi Ủy ban T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô được giải mật thì nguyên nhân tai nạn là do một trong hai phi công (Gagarin hoặc Seryogin) đã thực hiện cú thao diễn mạnh, có khả năng là để tránh một quả khí cầu thời tiết dẫn tới máy bay rơi vào tình trạng “mất lái” trong điều kiện khí tượng phức tạp. Báo cáo cũng đề cập một khả năng khác là chiếc phản lực có thể đã vận động mạnh để tránh rơi vào một đám mây che nhưng quá gấp khiến nó mất điều khiển và lao xuống đất, phi công không kịp nhảy dù.

Một kỹ sư trẻ hàng không tên là Sergey Kravchinsky, năm nay 74 tuổi cho biết, trước chuyến bay định mệnh nói trên, Gagarin đã có lần gặp trục trặc khi hạ cánh bay tập trên những chiếc MiG nên khi ủy ban điều tra tai nạn công bố kết luận, dư luận đã tỏ ra hoài nghi. Kể lại với hãng tin AFP, sử gia về hàng không vũ trụ Liên-Xô Alexandr Glushko tiết lộ, báo cáo điều tra chính thức gồm 29 chương nhưng chưa bao giờ được công bố đầy đủ. Chính điều này đã thôi thúc các đồng nghiệp và chuyên gia tự mình tìm hiểu vấn đề. Vào thời điểm xảy ra tai nạn rộ lên nhiều tin đồn ly kỳ nào là Gagarin bị giết theo lệnh của Kremlin, bị hạ sát do Gagarin quá nổi tiếng, bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Thậm chí có cả đồn đoán cho đây là một vụ dàn cảnh hiện trường giả để nhốt Gagarin vào trại tâm thần...

Theo một tài liệu được giải mật vào tháng 4-2011, tròn 50 năm chuyến bay đầu tiên của Gagarin vào vũ trụ thì một trong những nguyên nhân khả dĩ nhất là vụ tai nạn do một quả bóng thám không xuất hiện khiến đội bay của Gagarin và Seryogin bị mất kiểm soát và rơi. Theo Alexandr Glushko, sở dĩ những người có trách nhiệm không tiết lộ nguyên nhân thật là để ém nhẹm những sai lầm trong khâu tổ chức và bất cập về vận hành của ngành hàng không vũ trụ Xô Viết lúc đó đang nổi lên như cồn. Cũng vì không biết được sự thật nên nhiều tin đồn cứ rộ lên và kéo dài cho tới hôm nay.

Alexandr Valadzko, cảnh sát viên Novokuznetsk vùng Siberia nói với AFP, cha mẹ anh ta đều khẳng định Gagarin chết là do đang say rượu. Cũng phải nói thêm, Valadzko ra đời sau cái chết của Gagarin một năm và khi đến tham quan Bảo tàng hàng không Vũ trụ Moscow (MMC) đã bày tỏ mong muốn được biết sự thật về con người và thành tích của Gagarin mà anh từng ngưỡng mộ. Chính Valadzko cũng không đồng tình với ý kiến của cha mẹ mình và đã đưa ra một lập luận khác được nhà du hành vũ trụ Alexey Leonov, người đầu tiên đi bộ trong không gian, thành viên ủy ban điều tra tai nạn vào năm 1968, năm nay 83 tuổi cho là đúng. Theo Leonov, vào thời điểm đó có một máy bay quân sự Sukhoi đến gần, lấn vào đường bay của MiG với khoảng cách chưa đầy 20 m. Do máy bay Sukhoi bay vượt bức tường âm thanh đã tạo nhiễu loạn không khí mạnh gây tai nạn cho máy bay của Gagarin. 

Tháng 6-2017, Leonov tiếp tục khẳng định, ông đã đọc tài liệu được giải mật và khẳng định điều này là có thật. Leonov còn cho biết ủy ban điều tra đã che giấu sự thật nhằm bảo vệ viên phi công của chiếc Sukhoi, không tiết lộ danh tính của phi công này mà chỉ nói rằng đây là một người khá nổi tiếng, hiện nay già yếu và bệnh tật. "Giờ đây có một chuyện này không còn là bí mật nữa, đó là những sai lầm cẩu thả và cả những vi phạm nguyên tắc hàng không", Alexey Leonov nói với báo giới. Còn theo ý kiến của sử gia Alexandr Glushko, mãi chừng nào các tài liệu chính thức chưa được công bố thì nguyên nhân tai nạn vẫn chỉ là một giả thiết.

Vài nét về Yuri Gagarin

Yuri Gagarin tên đầy đủ là Yuri Alekseievich Gagarin, sinh ngày 9-3- 1934 tại làng Klushino, huyện Gzhatsk, tỉnh Smolensk. Gagarin sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề thợ mộc nhưng đến năm 16 tuổi, ông tới Moscow để học nghề thợ đúc kim loại trước khi theo học tại trường kỹ thuật ở Saratov. 

{keywords}

Sau chuyến bay vào vũ trụ ngày 12-4-1961, Yuri Gagarin khi đó 27 tuổi, được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật năm 1955, Gagarin gia nhập quân đội và được gửi đi đào tạo phi công ở Orenburg. Gagarin tự mình điều khiển máy bay MiG-15 năm 1957. Đây chính là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Gagarin trước khi được phong quân hàm thượng úy. Chuyến bay thành công của Gagarin vào ngày 12-4-1961 trên con tàu Phương Đông trong thời gian 1 giờ 48 phút và mang lại niềm hân hoan cho cả thế giới. Ước mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của trái đất và bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực.

Sau chuyến bay nổi tiếng này, Gagarin trở thành một người hùng trên toàn thế giới, được trao nhiều huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác, nổi bật là danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô Viết.

Duy Hùng (Theo Net/TCP/SC/JC- 3/2018)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...