Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trở lại Vị Xuyên ngày "giỗ trận"

Cập nhật: 07:00 ngày 27/07/2019
(BGĐT) - Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây tròn 40 năm. Ngần ấy thời gian chưa thể xóa nhòa ký ức của những người lính bảo vệ mảnh đất biên cương năm nào. 

Ấm tình đồng đội

Đường lên Hà Giang hôm nay thật hanh thông. Vậy mà hơn 30 năm trước lên vùng đất biên cương của Tổ quốc là cả một hành trình gian lao. 7 giờ sáng, xe rời bến Bắc Giang; 3 giờ chiều, xe đến thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) cách TP Hà Giang 27 km. 

{keywords}

Thắp hương cho đồng đội trong ngày "giỗ trận".

Đón chúng tôi là một người mặc quân phục, vừa gặp, mọi người đã reo lên "Thường phải không?". "Vâng, tôi là Thường đây, chào các quê" ("quê" là cách gọi thân mật của lính xe tăng). Nói rồi anh Thường ào lên ôm chầm lấy Nguyễn Văn Quạnh: "Chào anh, 30 năm rồi chưa gặp. Anh chẳng khác xưa là mấy" và bắc máy gọi điện cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 cũ (thuộc Trung đoàn 406 Thiết giáp- Quân khu 2) có anh em Bắc Giang lên thăm.

Tuy đang phục vụ ngày "giỗ trận", anh Thường vẫn cố gắng sắp xếp để đón các "quê". Nguyễn Việt Thường quê ở tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nhập ngũ tháng 3-1979, là chiến sĩ Sư đoàn 313 (Hà Tuyên), sau đó anh đi học sĩ quan, về làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 406 Thiết giáp. 

Năm 1984, anh Thường là Trung đội trưởng của Đại đội 2, còn anh Quạnh, quê ở xã Quảng Minh (Việt Yên) là Chính trị viên. Tiểu đoàn 2 đóng ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) phối thuộc với Sư đoàn 356 (Quân đoàn 29). Khi Sư đoàn 356 nhận lệnh chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, tiểu đoàn cũng có mặt ở nơi này. Chàng Trung đội trưởng đã nên duyên với cô giáo của Nông trường Việt Lâm, nay họ đã nghỉ hưu.

Thăm gia đình các đồng đội cũ, chúng tôi vui mừng khi thấy nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gắn bó với vùng đất khói lửa năm nào. Vị Xuyên trở thành quê hương thứ hai của họ. Thượng tá Cao Xuân Đạm (SN 1964, quê ở Hải Dương), Trung đội trưởng của Đại đội 2 nay là Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Xín Mần. Trung đội trưởng Đào Văn Hùng (SN 1965) quê ở Hưng Yên lấy vợ là cô giáo người Tày. Khi Sư đoàn giải thể, anh phục viên và ở lại Vị Xuyên lập nghiệp...

Bi hùng ngày "giỗ trận"

Chiều 11-7, tỉnh Hà Giang tổ chức lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Tham dự có gia đình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, huyện Vị Xuyên, các ban liên lạc Sư đoàn 356 và các sư đoàn tham gia mặt trận Vị Xuyên, thân nhân liệt sĩ và nhân dân tỉnh Hà Giang. 

Trong giây phút tĩnh lặng, mọi người nhớ về ngày 12-7-1984, trận đánh ở xã Thanh Thủy làm hơn 1.000 chiến sĩ thuộc các Sư đoàn 312, 316, 313, 314, 322, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn 325 và Sư đoàn 356 hy sinh. Trong đó Sư đoàn 356 có 593 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại ở núi rừng Thanh Thủy. Ngày 12-7 được coi là ngày “giỗ trận” của Sư đoàn.

Ngày 12-7-1984, trận đánh ở xã Thanh Thủy làm hơn 1.000 chiến sĩ thuộc các Sư đoàn 312, 316, 313, 314, 322, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn 325 và Sư đoàn 356 hy sinh. Trong đó Sư đoàn 356 có 593 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại ở núi rừng Thanh Thủy. Ngày 12-7 được coi là ngày “giỗ trận” của Sư đoàn.

Về xã Thanh Thủy - nơi diễn ra các trận đánh ác liệt cách đây 35 năm, dòng người mang màu xanh áo lính kéo lên không dứt. Họ hướng về điểm cao 468 (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy) - nơi có đài hương tưởng nhớ các anh linh liệt sĩ. Rừng biên cương xanh thẳm, xóa đi mọi dấu vết của chiến trường khốc liệt năm xưa mang theo những cái tên ghê rợn một thời: “Đồi thịt băm” 772, “Lò vôi thế kỷ” 685, “Thung lũng gọi hồn”, "Cửa tử". 

Đài hương được xây ở nơi đặt đài chỉ huy mặt trận. Đồi 468 bao quát được tất cả các điểm cao như 772, 685, 1.030 ở phía Bắc. Điểm cao 1509 nằm ở phía Tây Bắc, dịch xuống là điểm cao 800, 1.400, 1.100, điểm cao 2.000 ở phía Tây và Nam và lui ra là các "cửa tử" Bãi Nghệ, Cốc Nghè.

Đường lên đài hương 468 dốc núi quanh co, nhiều cựu chiến binh (CCB) đã đi bộ theo đường hành quân 35 năm trước. Ai cũng xúc động vì nơi đây có gần 5 nghìn liệt sĩ đã hy sinh, trong đó còn hơn 2 nghìn người vẫn còn nằm lại trên các vách đá, hang sâu. 

Được biết, từ năm 1984-1989, tại Vị Xuyên, quân, dân Hà Giang đã anh dũng chiến đấu theo đúng tinh thần: “Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử” mà Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Minh khắc lên báng súng. Những năm tháng đó, địch từ điểm cao 1509 chỉ dẫn cho pháo binh bắn dữ dội tạo ra các"cửa tử" và những cuộc đọ súng vô cùng khốc liệt.

Ngày 12-7-1984, sau 4 giờ giao tranh, ta và địch đều bị tổn thất nặng và ngừng chiến. Sư đoàn 356 thu dọn chiến trường trong máu và nước mắt, 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Nhiều người không còn thi thể. Hơn 800 người khác bị thương. Có những tiểu đoàn gần như bị xóa sổ. 

Nhiều cựu chiến binh đã khẳng định, sau trận đánh, nhiều quả đồi có rừng cây to vài người ôm thành những bình địa. Những núi đá vụn nát như vôi và độ cao hạ đến mấy chục mét. Ngày "giỗ trận", các CCB Vị Xuyên cùng nhau ôn lại những ký ức một thời hoa lửa, kể cho nhau nghe về cuộc sống thời hậu chiến.

Gìn giữ ký ức một thời

Trên đồi đài 468, CCB Trần Ngọc Quế (số nhà 189, Bạch Mai, Hà Nội) lặng lẽ nhìn lên đồi 772 mệnh danh là "Đồi thị băm" bất chợt gọi tên ai đó. Anh Quế nhập ngũ tháng 3-1983 là chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Anh chiến đấu tại điểm cao 1.100m. 

Vào tháng 7 hằng năm, anh cùng đồng đội lên thăm chiến trường xưa, thắp hương tưởng nhớ những người giữ đất. Còn CCB Ngô Hồng Quang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập ngũ tháng 3-1987, tham gia trận đánh kéo dài từ đêm 10-10 đến ngày 17-10-1987 ở đồi 468. 

Anh chỉ cho mọi người nhận biết đường biên giới nằm ngay phía chân đồi. Địch từ bên kia suối tấn công hòng chiếm điểm cao này và bị đánh trả quyết liệt. Trong bão đạn điểm cao vẫn vững vàng. Năm nay anh và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 312 thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ đồng đội và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm oanh liệt một thời.

CCB Nguyễn Văn Quạnh nhớ lại: Lúc đó ta định bố trí trận địa xe tăng ở km 4 (xã Thanh Thủy) để bắn thẳng ra cây cầu sắt nhưng thấy bất lợi nên thôi. Tuy nhiên tiểu đoàn lại được huy động sang chuyển bê tông xây dựng trận địa. Trận đánh ngày 12-7-1984, tiểu đoàn được huy động làm công tác thương binh, liệt sĩ.

"Hàng trăm đồng đội hy sinh xác được đưa về hang Làng Lò để khâm niệm. Lúc đó chỉ có một chiếc bánh chưng để thắp hương cho tất cả các liệt sĩ rồi chuyển về nghĩa trang ở Km18, xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên)", CCB Quạnh kể. Điều ám ảnh nhất với anh là hầu hết chiến sĩ hy sinh tuổi đời còn rất trẻ; nhiều người chưa được cầm tay con gái. Những vòng hoa trắng như nhắc nhớ về tuổi thanh xuân mà đồng đội đã dâng hiến cho mảnh đất Vị Xuyên một thời.

Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên đang được tỉnh Hà Giang xây dựng thành điểm du lịch tâm linh nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tôn vinh các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tại đây, những CCB già vuốt mái tóc điểm bạc nói với lớp thanh niên hôm nay về máu xương của thế hệ đi trước còn lẫn vào đá núi, rừng cây để làm nên sự bền chắc của một dải biên cương đất Việt.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức Vị Xuyên và nghĩa tình đồng đội
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những chiến trường trọng điểm. Đặc biệt, từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt ở phía Bắc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chiều dài biên giới”: Nối dài tình yêu Tổ quốc
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chiều dài biên giới” diễn ra tại Hà Nội ngày 21-2, do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với người tham dự, giúp nối dài tình yêu với Tổ quốc trong mỗi người dân Việt.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử
Nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải là khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát mà là để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử.

Thân Văn Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...