Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc hội / Kỳ họp Quốc hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cử tri Bắc Giang kiến nghị xây dựng, mở rộng 3 cây cầu huyết mạch

Cập nhật: 12:08 ngày 25/07/2021
(BGĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, hôm nay (Chủ nhật), ngày 25/7, Quốc hội làm việc cả ngày tại hội trường. Vào phiên họp buổi sáng, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Bắc Giang tham gia thảo luận về tình hình KT-XH. Trong phát biểu của mình, đại biểu Trần Văn Lâm gửi tới Quốc hội ý kiến kiến nghị của cử tri Bắc Giang về việc xây dựng, mở rộng 3 cây cầu huyết mạch trên đường cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn và QL37. 
{keywords}

Đại biểu Trần Văn Lâm thảo luận tại hội trường. 

Mở đầu nội dung phát biểu, đại biểu Trần Văn Lâm trân trọng chuyển những tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của cử tri, nhân dân Bắc Giang đối với sự giúp đỡ, chia sẻ vô cùng to lớn, quý báu của nhân dân cả nước cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, giúp Bắc Giang vượt qua làn sóng dịch bệnh trở về trạng thái bình thường mới. Đồng thời, với tinh thần đoàn kết, Bắc Giang sẵn sàng tương trợ các địa phương đang chống chọi với đại dịch.

Đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao đối với đề xuất của Chính phủ, đưa vào Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp lần này những nội dung quy định vượt khuôn khổ, để tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt; tăng cường các nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả chống dịch bệnh. 

Về tình hình KT-XH, đại biểu Trần Văn Lâm cơ bản đồng tình với các báo cáo đã trình kỳ họp. Từ thực tiễn địa phương và nguyện vọng của cử tri trên địa bàn, đại biểu nêu: "Trước hết, tôi cũng như cử tri Bắc giang rất phấn khởi trước những tín hiệu tích cực của tình hình đất nước 6 tháng đầu năm. Đó là sự ổn định vĩ mô cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng ở mức khá 5,64%. Các cân đối lớn được bảo đảm; tiền tệ ổn định. Thu ngân sách vượt trội 16,3%; xuất nhập khẩu tăng tới 32% so với cùng kỳ năm trước. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đều nâng điểm triển vọng của Việt Nam lên mức tích cực. Các lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, mặc dù chịu ảnh hưởng rất mạnh của dịch bệnh nhưng cơ bản vững vàng, ổn định. Các sự kiện chính trị trọng đại đều được tổ chức thành công rực rỡ. Qua sóng gió càng tôi luyện đội ngũ và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước và hệ thống chính trị.

Bên cạnh tín hiệu tích cực trên, đại biểu cho rằng: Những hạn chế, yếu kém cũng đã được nhận diện khá rõ ràng. Nhiều vấn đề do yếu tố khách quan và tác động của dịch bệnh mang lại. Nhưng cũng còn nhiều vấn đề thuộc về sự chủ quan, lơ là, tắc trách hay sự yếu kém về năng lực, trách nhiệm; đã được nhắc nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội trước tới nay; rất mong tới đây sẽ được giải quyết một cách căn cơ, triệt để.

Về các giải pháp những tháng cuối năm và thời gian tới, đại biểu Trần Văn Lâm đề xuất:

- Trước hết, phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt; nấn ná, chậm một ngày là khó khăn và thiệt hại tăng theo cấp số nhân. Nếu thất bại trước dịch bệnh thì sẽ thất bại toàn diện. Vượt qua được thì mới có cơ hội làm được các việc khác. Lần này, Quốc hội đã đồng tình, tuyệt đối tin tưởng giao cho Chính phủ toàn quyền, “Tướng ngoài biên ải”, cũng là vì quan điểm ưu tiên chống dịch và mong chờ sự mạnh mẽ, quyết đáp của Chính phủ.

- Thứ hai, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô. Đây sẽ là nền tảng để thực hiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy và bảo vệ thành quả tăng trưởng nhanh, bền vững. Cùng với các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật kinh tế, thị trường và thực thi hiệu quả; đồng thời phải chú trọng thực hiện các chính sách xã hội, môi trường; đặc biệt về an dân, bảo đảm lao động, việc làm, cuộc sống, sinh kế của người dân, nhất là người lao động tự do; công nhân trong các khu, cụm công nghiệp; để không ai bị bỏ lại kể cả trong và sau dịch bệnh.

- Thứ ba, cần đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để thích ứng trong điều kiện bệnh dịch có thể xảy ra. Các chuỗi sản xuất, cung ứng cần được sắp xếp lại. Các ngành, lĩnh vực cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh không gian. Nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu bị giãn ra do đứt gãy bởi dịch bệnh, cần được nắm bắt. Chúng ta đang xây dựng quy hoạch quốc gia và quy hoạch các ngành, vùng, địa phương. Đây là cơ hội để giải quyết căn bản vấn đề tái cơ cấu một cách hiệu quả ở các cấp quy mô quản lý.

Nêu ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm chuyển tới Quốc hội, Chính phủ nguyện vọng của cử tri Bắc Giang đã kéo dài từ nhiệm kỳ trước, về một số cây cầu trên địa bàn:

Một là về tuyến cao tốc Hà Nội- Bắc Giang- Lạng Sơn. Đây là công trình đầu tư BOT; khai thác từ năm 2016. Đến nay lượng xe lưu thông đã vượt thiết kế rất nhiều. Trong khi 2 cây cầu Xương Giang, Như Nguyệt bị thắt cổ chai nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công trình và sự phát triển của địa phương.

Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đã thấy vấn đề, nhất trí chủ trương phải mở rộng 2 cầu này để thực sự đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; nhà đầu tư BOT cũng rất mong muốn. Nếu giao nhà đầu tư BOT hiện tại thì việc đầu tư mở rộng thêm 2 cầu cũng không làm kéo dài thời gian thu phí, do lưu lượng xe đã vượt dự kiến rất lớn. Tuy nhiên, pháp luật quy định cụ thể trong trường hợp này đến nay chưa thực sự rõ ràng; do vậy chưa thể triển khai. Thẩm quyền tháo gỡ có lẽ thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cử tri Bắc Giang mong muốn Chính phủ sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết vướng mắc trên.

Hai là cầu Cẩm Lý trên tuyến QL37 nối Bắc Giang với Hải Dương, Quảng Ninh - tuyến giao thông huyết mạch quan trọng liên kết vùng Đông Bắc. Đây là cây cầu còn lại duy nhất trong cả nước có đường sắt đi chung đường bộ; đã xuống cấp, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người; thường xuyên ùn tắc giao thông. 

Cử tri Bắc Giang đề nghị làm cầu đường bộ tách riêng; Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần ghi nhận nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ sớm giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của địa phương và vùng trong thời gian tới.

TS (lược ghi)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...