Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiến sĩ Thú y Lê Văn Dương: Góp sức phát triển chăn nuôi

Cập nhật: 20:29 ngày 12/08/2022
(BGĐT) -  “Nhờ những lứa lợn, đàn gà của bố mẹ mà tôi được đến trường. Vì thế, khi lớn lên, tôi luôn mong muốn được học ngành thú y”, Tiến sĩ Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ câu chuyện đến với nghề như thế. Khi giúp nông dân phòng, trị bệnh thành công, thu được thành quả từ chăn nuôi, anh thấy đó là niềm hạnh phúc, có thêm động lực gắn bó với công việc.  

Địa chỉ tin cậy

Sau nhiều lần hẹn, chiều cuối tuần vừa rồi, tôi mới có dịp cùng Tiến sĩ Lê Văn Dương đi thực tế tại một số trang trại chăn nuôi. Suốt quãng đường di chuyển từ TP Bắc Giang về huyện Hiệp Hòa, mỗi khi đi qua một trang trại, khu chăn nuôi ven đường, anh đều giới thiệu rành mạch về chủ cơ sở, quy mô cũng như hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại...

{keywords}

Tiến sĩ Lê Văn Dương (trái) hướng dẫn cách phòng bệnh trên đàn vịt cho anh Trần Văn Quyết.

Ghé vào trang trại nuôi vịt của anh Trần Văn Quyết (SN 1987) ở thôn An Hòa, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa), tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô cũng như hiệu quả mà mô hình mang lại. Theo lời anh Quyết, cách đây 5 năm, nhận thấy nhu cầu vịt thương phẩm trên thị trường lớn, trong khi đất đai của gia đình rộng nên anh quyết định nghỉ việc ở khu công nghiệp về quê lập nghiệp. 

Được Tiến sĩ Lê Văn Dương trực tiếp hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, điều trị bệnh, trang trại nuôi vịt của anh hình thành, ngày càng phát triển. Hiện mỗi tháng anh xuất ra thị trường khoảng 8-9 nghìn con vịt thương phẩm, trừ chi phí anh thu lãi 25-30 triệu đồng/1 nghìn con, tương đương lãi khoảng 200 triệu đồng/tháng.

“Những ngày đầu, mỗi khi thấy vịt bị ốm, bệnh, tôi đều điện thoại nhờ anh Dương hướng dẫn cách điều trị. Có lần gần 12 giờ đêm, phát hiện một số vịt con quay tròn rồi ngã ngửa, tôi lập tức mang bệnh phẩm lên tận nhà để anh kiểm tra. Dù đêm muộn, anh vẫn tiến hành mổ, xác định vịt bị bệnh bại huyết. Bắt đúng bệnh, tôi đã điều trị dứt điểm, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, không để những đàn vịt sau bị bệnh tương tự”, anh Quyết bày tỏ.

- Vậy đâu là lý do anh theo đuổi nghề dù khá nhọc nhằn, vất vả?, tôi hỏi.

Trầm ngâm một lát rồi anh nói: "Ngày học THPT, dù cũng thích nhiều trường song tôi vẫn quyết định chọn Đại học Nông nghiệp 1. Tôi lớn lên, được đi học cũng nhờ có những lứa lợn, đàn gà của bố mẹ. Mỗi khi thấy gia đình và hàng xóm quay quắt trong nỗi lo dịch bệnh, tôi tự nhủ sẽ học thật tốt chuyên ngành Chăn nuôi- Thú y để giúp ích cho bố mẹ và người dân quê hương mình".

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1, năm 1994, anh về công tác tại Trạm Thú y huyện Hiệp Hòa rồi gắn bó với ngành chăn nuôi của tỉnh từ đó. Trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, anh luôn nỗ lực, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn. Sau khi có bằng thạc sĩ chuyên ngành Chăn nuôi - Thú y (năm 2010), anh tiếp tục nghiên cứu để có bằng Tiến sĩ chuyên ngành Thú y 3 năm sau đó.

Có trình độ lại không ngại khó, sẵn sàng có mặt khi nông dân cần, Tiến sĩ Lê Văn Dương trở thành địa chỉ tin cậy để bà con nhờ tư vấn mỗi khi gặp khó khăn. Số điện thoại của anh được ví như số điện thoại "SOS", khi nông cần là anh có mặt, gọi là nghe. 

“Từ khi vào nghề đến nay, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được những câu hỏi về cách phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi. Nhiều hôm đang ngủ cũng có người điện thoại đến hỏi, tôi luôn sẵn sàng giải đáp. Với những người làm nghề như tôi, hạnh phúc là được hỗ trợ nông dân, giúp bà con đạt được những thành quả trong sản xuất”, Tiến sĩ Lê Văn Dương nói.

Không ngừng nghiên cứu

Thực tế, dù đã có những bước phát triển song người chăn nuôi trong tỉnh luôn phải đối diện với những rủi ro bởi dịch bệnh. Giọng hơi chùng xuống, anh chia sẻ: "Tôi đã có gần 30 năm gắn bó với nghề, có thời điểm, nông dân thu lãi hơn 2 triệu đồng/con lợn, tôi mừng cho bà con. Còn khi họ trắng tay do dịch bệnh, tôi thấy trong mất mát ấy có phần trách nhiệm của mình, của những người làm chuyên môn khi chưa thể đưa ra giải pháp kịp thời".

{keywords}

Tiến sĩ Lê Văn Dương (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự tiêm thử nghiệm vắc-xin cho đàn lợn.

Chính từ những gì mình chứng kiến, anh luôn trăn trở, tìm tòi nghiên cứu để làm sao có phương pháp điều trị, phòng bệnh hiệu quả hơn đối với đàn vật nuôi. Đó là động lực để hơn 10 năm qua, anh làm chủ nhiệm và tham gia 4 nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y. 

Giai đoạn 2010-2011, anh trực tiếp làm chủ nhiệm nhiệm vụ: “Phân lập, xác định vai trò gây bệnh của Escherichia coli (E.coli) gây tiêu chảy ở lợn con tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh và biện pháp phòng trị”. Kết thúc nhiệm vụ, nhóm tác giả đã đưa ra được chế phẩm sinh học phòng bệnh cho đàn lợn con, đồng thời lựa chọn được vắc-xin phù hợp khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng. Nhờ đó đến nay, dịch bệnh này không còn là nỗi lo của người dân. 

Năm 2012, anh làm chủ nhiệm nhiệm vụ: "Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh”. Kết quả nghiên cứu đã mang đến cho người chăn nuôi giải pháp phòng bệnh hữu hiệu, kể cả những bệnh thứ phát như: Viêm phổi, liên cầu khuẩn, tụ huyết trùng... Hiện cả hai nhiệm vụ này vẫn được ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành chăn nuôi trong tỉnh. 

“Chi cục đang nghiên cứu đặc điểm, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và biện pháp phòng, chống, qua đó thu được những kết quả tích cực. Với tôi cũng như các cộng sự, thành quả nghiên cứu của mình chỉ có ý nghĩa khi được ứng dụng, phát huy hiệu quả trong thực tế và mang đến niềm vui cho người chăn nuôi”, anh chia sẻ.

Nâng tầm ngành chăn nuôi

Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có khoảng 168 nghìn con trâu, bò; 950 nghìn con lợn; hơn 20 triệu gia cầm, trong đó có khoảng 17 triệu con gà... Đặc biệt, tại các địa phương đã hình thành 21 vùng chăn nuôi lợn, trong đó 10 vùng ứng dụng công nghệ cao; 31 vùng chăn nuôi gà; 21 vùng chăn nuôi trâu, bò; 16 vùng chăn nuôi dê...

- Dù tổng đàn không tăng nhiều so với vài năm trước song nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên giá trị ngành chăn nuôi ngày càng cao, năm 2021 đạt hơn 14,7 nghìn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành nông nghiệp - anh Dương nói.

{keywords}

Nhiều hôm đang ngủ cũng có người điện thoại đến hỏi, tôi luôn sẵn sàng giải đáp. Với những người làm nghề như tôi, hạnh phúc là được hỗ trợ nông dân, giúp bà con đạt được thành quả trong sản xuất”

Tiến sĩ Lê Văn Dương

- Vậy làm thế nào để giữ đà tăng trưởng khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, thị trường luôn biến động?- tôi hỏi

Nét mặt trăn trở, anh Dương cho biết, hiện tỷ lệ chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn vẫn ít so với quy mô nông hộ, sản phẩm làm ra chưa có giá trị cao... Việc liên kết giữa các khâu từ sản xuất, tiêu thụ, chế biến chưa nhiều đã dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” trong một số thời điểm, làm giảm giá sản phẩm.

Để chăn nuôi phát triển ổn định, đóng góp nhiều hơn trong ngành nông nghiệp, cùng với triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp thực hiện hàng loạt chuỗi liên kết như: Liên kết gà an toàn sinh học giữa Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh với nông dân các huyện: Hiệp Hòa, Tân Yên và Yên Thế; chuỗi chăn nuôi vịt an toàn sinh học ở Hiệp Hòa, chăn nuôi dê ở Yên Thế... 

"Để nâng tầm ngành chăn nuôi, cùng với thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm sớm đưa ra biện pháp phòng ngừa, điều trị cho đàn vật nuôi, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết. Khi đó sản phẩm của nông dân sẽ bảo đảm chất lượng, bà con không phải lo đầu ra", Tiến sĩ Lê Văn Dương nói.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi kết hợp
(BGĐT) - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng ven đê, anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1979) ở tổ dân phố Phấn Lôi, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là một trong những tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu. Với quyết tâm cao, anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi kết hợp cá - lợn.
Chăn nuôi gia cầm công nghệ cao
(BGĐT) - Mô hình chăn nuôi gia cầm của hộ nông dân Hoàng Văn Tuấn, xã Quỳnh Sơn , huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Bắc Giang: Chăn nuôi an toàn, đẩy lùi dịch bệnh
(BGĐT) - Thời gian gần đây, tại một số tỉnh xuất hiện các đợt dịch trên đàn vật nuôi gây thiệt hại đáng kể. Ở tỉnh ta, dù gia súc, gia cầm vẫn được bảo vệ an toàn song nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn hiện hữu. 
Liên kết chăn nuôi: Thuận đầu ra, giá ổn định
(BGĐT) - Được hỗ trợ đầu tư con giống, kỹ thuật chăm sóc, ứng trước thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm với giá  ổn định, các hộ tham gia liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học tại các huyện: Yên Thế, Tân Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang) luôn yên tâm sản xuất. Hiệu quả mô hình chuỗi liên kết mở ra hướng chăn nuôi bền vững.
Hỗ trợ 3 mô hình sử dụng chế phẩm HTMAXigest Po trong chăn nuôi
(BGĐT) - Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công ty TNHH Năm sao Bông gạo vàng (gọi tắt là Công ty Bông gạo vàng) thực hiện 3 mô hình chăn nuôi gà và lợn thương phẩm có sử dụng chế phẩm HTMAXigest Po, bước đầu cho kết quả khả quan.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...