Thứ hai, 06/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếng than từ Cửa Sông

Cập nhật: 07:00 ngày 06/06/2020
Thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) nằm gần sông Sỏi, sông Thương nổi tiếng với sản phẩm vú sữa thơm ngon, được trồng trên những chân đất phù sa màu mỡ. Cuộc sống nơi làng quê thanh bình bỗng dưng xáo trộn xen lẫn lo âu bởi nạn khai thác cát trái phép đã cướp đi hàng nghìn m2 đất bãi bồi ven sông, xóa đi bao ruộng vườn trù phú. 

Mạo hiểm ngăn "cát tặc"

Đêm mùa hạ yên tĩnh, ông Nguyễn Văn Lâm, 63 tuổi ở thôn Cửa Sông bỗng bị đánh thức bởi tiếng máy nổ từ phía sông Thương vọng về. Ông vội vã gọi vợ:

- Bà dậy ngay, dậy ngay… Có thuyền hút cát đến…

{keywords}

Nhiều diện tích đất canh tác ở cánh đồng Cột đèn trôi theo dòng nước.

Trên đầu ông Lâm đeo chiếc đèn pin sáng quắc, tay lăm lăm con dao quắm sắc lẹm cùng một chai thủy tinh chứa đầy xăng. Bà Xã, vợ ông Lâm thì khoác một túi dứa đựng những viên gạch vỡ, to chừng nắm tay. Trong đêm đen, vợ chồng ông Lâm rảo bước về phía cánh đồng Cột Đèn nằm sát sông Thương và sông Sỏi-nơi có thửa ruộng của gia đình.

- Chúng mày có “biến” ngay không - Ông Lâm cầm viên gạch vỡ vừa ném xuống sông, hướng về phía chiếc tàu đang hút cát vừa quát to.

Chiếc tàu vẫn ầm ì thọc vòi vào ven bờ hút cát như thể thách thức đôi vợ chồng già.

- Đây là chai xăng, nếu chúng mày không đi, ông ném trúng khoang máy là bùng cháy cả tàu luôn- Ông Lâm khua khua chai xăng lên khỏi đầu, quát lớn.

Cuối cùng, chiếc tàu hút cát cũng rút vòi, từ từ dạt sang bên kia sông.

Vợ chồng ông Lâm sinh được 4 người con đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình và ở riêng, chỉ có 2 vợ chồng ông ở nhà. Ruộng của gia đình ông Lâm thuộc cánh đồng Cột Đèn trước đây có hơn một sào. Phần diện tích giáp sông Thương, vợ chồng ông trồng hàng tre vừa để chắn sóng, giữ đất, vừa để sau này chặt bán kiếm tiền; phía bên trong trồng cây màu các loại. 

Đất phù sa, dù không chăm bón nhiều nhưng cây vẫn lớn nhanh. Vậy mà mấy năm gần đây, do nạn khai thác cát trái phép, thửa ruộng cứ thu hẹp dần, thỉnh thoảng lại bị lở xuống sông. Hiện, toàn bộ rặng tre xanh tốt không còn nữa, diện tích ruộng cũng chỉ còn một vài thước. Nghĩ mà xót xa, vì vậy nên vợ chồng ông đã có những đêm "đuổi tàu" hút cát như thế, cho dù biết là nguy hiểm.

- Về nhà thôi ông, tàu đã rút, trời sắp sáng rồi- Vợ ông Lâm nhìn chồng với ánh mắt cảm thông, còn ông Lâm vẫn giận dữ đứng trên bờ, mắt dõi theo con tàu.

Tan hoang bờ bãi

Buổi chiều, cách đây vài hôm, chúng tôi trở lại thôn Cửa Sông khi ngoài trời nhiệt độ lên đến 37-38 độ C. Nắng hè như thiêu như đốt chiếu xuống mặt nước làm ánh lên màu đục của đất. Cả cánh đồng Cột Đèn nằm chênh vênh nơi giao nhau giữa 2 dòng sông Thương và sông Sỏi.

- Cánh đồng này sao lại có tên Cột Đèn?

Tôi hỏi anh Nguyễn Hồng Minh, một người dân thôn Cửa Sông khi cùng anh men theo bờ sông Sỏi đang lở toang hoác, sạt trượt từng mảng xuống lòng sông.

- Từ thời Pháp thuộc, tại điểm giao giữa 2 dòng sông này có xây dựng một cột đèn tín hiệu cho tàu thuyền qua lại. Do nạn khai thác cát trái phép diễn ra đã lâu nên đến nay, cột đèn không còn nữa; vị trí chôn cột đèn bị sông nuốt mất, trôi đi rồi - anh Minh đáp.

{keywords}

 Ruộng của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm bị sạt lở xuống sông Thương do nạn khai thác cát trái phép gây ra.

Gia đình anh Minh có 9 sào ruộng ở cánh đồng này đang cấy lúa, trồng đậu đỗ và vú sữa, vậy nhưng nhiều diện tích đất có nguy cơ bị sạt lở xuống sông Sỏi vì gần bờ ruộng đã xuất hiện vết sạt dài hàng chục mét. “Thỉnh thoảng vào buổi trưa hoặc chiều tối, tôi lại phải ra đây canh chừng không cho tàu thuyền đến hút cát trộm”, anh Minh bảo.

Có những đêm trằn trọc khó ngủ, tôi vẫn thấy hình ảnh từng tảng đất màu mỡ trên cánh đồng Cột Đèn lặng lẽ sạt xuống sông, cuốn theo cả niềm hy vọng của bao người dân về những mùa vụ tốt tươi.

Có lẽ biết tin nhà báo đến, một lúc sau, khá đông người dân thôn Cửa Sông kéo đến cánh đồng Cột Đèn để bày tỏ sự bức xúc. Anh Trần Đức Bắc cho biết, gia đình anh có 7 thước ruộng, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, song cũng chỉ vì nạn cát tặc mà nay đã bị sạt lở trôi gần hết xuống sông. Nhiều cây vải thiều trồng được 5 năm cũng bị cuốn theo dòng nước. “Qua mùa mưa năm nay, có khả năng gia đình tôi sẽ bị mất hết ruộng, vì bờ sông đã bị khoét thành hườm, đất vẫn đang tiếp tục sạt lở”, anh Bắc chua xót nói.

Đang mải chụp ảnh, tôi giật mình khi nghe tiếng ai đó nhắc to ở phía sau: “Đứng cẩn thận kẻo đất lở, kéo cả người và máy xuống sông đấy”! Ngoảnh lại, tôi nhận ra đó là ông Lâm. Mặc dù tuổi đã cao song với dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen nên trông ông vẫn còn rắn rỏi. Ông nói: “Tôi đang làm đồng, biết tin nhà báo đến nên vội ra đây để kiến nghị lên cấp trên cần có biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn tận gốc nạn khai thác cát trái phép ở khu vực này”.

Nhiều người dân thôn Cửa Sông cho biết, nếu tính từ trước đến nay thì cánh đồng Cột Đèn đã bị sạt lở hàng nghìn m2 đất xuống sông. Hiện cả mặt giáp ranh với sông Thương và sông Sỏi đều đang bị sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài hàng trăm mét, ăn sâu vào bờ hơn chục mét.

Cần giải quyết tận gốc

Cánh đồng Cột Đèn rộng khoảng 5 ha, là khu vực có diện tích đất màu mỡ nhất thôn Cửa Sông. Điều kiện canh tác ở đây khá thuận lợi bởi có hệ thống mương tưới kiên cố đến đầu bờ, được người dân canh tác bao đời nay.

Điều đặc biệt, cánh đồng này nằm ở vị trí xa khu dân cư, ngay ngã ba nơi hợp lại của dòng sông Sỏi vào sông Thương; giáp ranh giữa 3 xã của 3 huyện khác nhau, Hợp Đức (Tân Yên), Bố Hạ (Yên Thế) và Mỹ Hà (Lạng Giang) nên chứa nhiều cát sỏi. Có lẽ vì địa thế “đắc địa” như vậy nên cánh đồng Cột Đèn luôn bị các đối tượng khai thác cát trái phép nhòm ngó, xâm lấn. “Tình trạng khai thác cát trái phép bắt đầu diễn ra cách đây 10 năm rồi. Mặc dù thời gian gần đây tình hình tạm lắng xuống song hiện vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại”, anhTrần Đức Bắc nhận định.

Thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép khá tinh vi, thường lợi dụng đêm tối, từ khoảng 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì bắt đầu hoạt động. Mặt khác, các chủ tàu sử dụng động cơ của xe ô tô, có lắp ống giảm thanh, thay vì đầu nổ của Trung Quốc như trước đây nên tiếng máy êm, để ý kỹ mới phát hiện được.

Bà con thôn Cửa Sông phản ánh, chính hoạt động của một công ty đang thực hiện dự án nạo vét lòng sông Sỏi cũng gây trở ngại cho việc đấu tranh, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép ở đây. Bởi vì tàu thuyền hút cát của công ty này lại “đóng đô” ngay cửa sông Sỏi, vị trí nóng nhất về tình trạng sạt lở. 

Ông Thân Trọng Cường, Trưởng thôn Cửa Sông nói: “Công ty này đã mua một số ruộng của người dân, nơi tiếp giáp giữa sông Sỏi và sông Thương. Vì thế, khi ruộng bãi bị trôi xuống sông, một số người dân không báo chính quyền địa phương, tạo khoảng trống để tàu thuyền hút cát trái phép dễ dàng hoạt động”. Còn theo ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tới đây, Sở sẽ kiểm tra đối với hoạt động nạo vét sông Sỏi của doanh nghiệp này, nếu phát hiện sai phạm sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Thôn Cửa Sông nổi tiếng bởi những vườn vú sữa thơm ngon song ruộng đồng, bờ bãi nơi đây đang "kêu cứu" trước tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Có những đêm trằn trọc khó ngủ, tôi vẫn thấy hình ảnh từng tảng đất màu mỡ trên cánh đồng Cột Đèn lặng lẽ sạt xuống sông, cuốn theo cả niềm hy vọng của bao người dân về những mùa vụ tốt tươi.

Sạt lở bờ, bãi sông Lục Nam: Xem xét rút ngắn thời gian cấp phép khai thác cát, sỏi
(BGĐT)- Báo Bắc Giang ngày 23/4 đăng bài “Bãi sông Lục Nam liên tiếp sạt lở: Trách nhiệm thuộc về ai?” phản ánh tình trạng bờ sông bị sạt lở mà nguyên nhân chủ yếu do hoạt động khai thác cát, sỏi không tuân thủ quy định; đồng thời đề xuất làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc.
Bắc Giang: Bắt giữ một tàu khai thác cát trái phép trên sông Thương
(BGĐT) - Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý Lê Văn Mạnh (SN 1987) trú tại thôn Đồng Than, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) về hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép dịp cuối năm
(BGDDT) - Theo quy định của UBND tỉnh Bắc Giang, hết ngày 15-10-2019, các đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi bắt đầu hoạt động trở lại (tạm ngừng hoạt động mùa mưa lũ). Để quản chặt nguồn tài nguyên khoáng sản, tránh tình trạng khai thác trái phép đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Hiệp Hòa: Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép
(BGĐT) - Trưa ngày 1-8, Công an huyện Hiệp Hòa phát hiện, bắt giữ một tàu khai thác cát trái phép trên sông Cầu, đoạn giáp bãi Soi của thôn Mai Trung, xã Mai Đình. Chủ tàu là Đặng Văn Phúc (SN 1979) ở xã Mai Đình. 
Hoạt động khai thác cát, sỏi mùa mưa bão: Như chưa có lệnh cấm
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có công văn yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân dừng toàn bộ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông (từ ngày 15-6 đến 15-10) nhằm tránh sạt lở đê điều, bờ bãi vào mùa mưa bão. Thế nhưng, những ngày gần đây, bất chấp “lệnh” cấm, nhiều cá nhân vẫn vi phạm.
Công an tỉnh Bắc Giang bắt hai tàu khai thác cát trái phép trên sông Lục Nam
(BGĐT) - Hồi 8 giờ ngày 2-7, Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) phát hiện, bắt quả tang 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Lục Nam.
Công an tỉnh Bắc Giang bắt 3 tàu khai thác cát trái phép trên sông Cầu
(BGĐT) - Hồi 2 giờ 50 phút ngày 25-6, Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế (Công an huyện Yên Dũng) tuần tra, phát hiện và bắt quả tang 3 tàu đang khai thác cát trái phép trên sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận thôn Thắng Lợi, xã Thắng Cương (Yên Dũng).

Thành Nam 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...