Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người giữ hồn then cổ

Cập nhật: 08:29 ngày 10/04/2020
(BGĐT) - Vượt qua nhiều cung đường quanh co bên những sườn đồi với rừng bạch đàn thẳng tắp soi mình dưới lòng hồ trong xanh, tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân ở thôn Hố Cao, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) để hiểu thêm về hành trình làm then của người phụ nữ dân tộc Nùng này.  

Sinh ra để làm then

Bà Vân sinh năm 1968 nhưng nhìn bề ngoài trông già hơn nhiều so với tuổi. Thấy khách tới, bà hồ hởi mời tôi vào nhà. Vốn dĩ hằng ngày giao tiếp bằng tiếng Nùng với người thân trong gia đình và người dân bản địa, khi trò chuyện với phóng viên bằng tiếng Kinh, chất giọng của bà pha trộn. Pha nước mời khách, bà Vân bắt đầu chia sẻ về hành trình làm then của mình.

{keywords}

Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân thực hành nghi lễ then.

Sinh ra trong gia đình nghèo, một lần đi bán củi, bố bà bị rơi xuống đập và mất, khi ấy bà Vân mới 3 tuổi, anh trai lên 5. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến bà phải nghỉ học khi vừa hết lớp 2. “Mẹ cho tôi ở nhà chăn trâu, làm ruộng, vả lại bà nghĩ tôi là phận gái nên nhường cho anh trai theo học tiếp”, bà Vân nghẹn ngào.

Lớn lên, bà thường xuyên đau ốm. Có thời gian bà đi theo thầy then, được truyền dạy, bà Vân chính thức làm then từ khi 21 tuổi. Then theo tiếng Nùng nghĩa là thiên (trời). Thực chất nghi lễ then được bà Vân thực hành là những bài cúng của người xưa. Trong cuộc sống, khi con người ta gặp bất kỳ hiện tượng lạ nào mà không lý giải được hoặc muốn cầu mong cho cuộc sống gia đình, bản thân được bình yên, may mắn, khỏe mạnh thì họ đều tìm đến thầy then. 

Nghi lễ then giống một buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, rất có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Thái. Người Nùng ở xã Hương Sơn có các nghi lễ cúng then như: Cúng sinh nhật, cúng tổ tiên, cúng nhà mới, cúng cầu an… Tùy từng nghi lễ mà gia chủ chuẩn bị lễ vật khác nhau, chẳng hạn như lễ sinh nhật, cầu an, lễ vật thường có gà, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo…

Mỗi thầy then đều có đủ dụng cụ cần thiết để sử dụng trong một cuộc làm then như đàn tính, sóc nhạc, quạt, kiếm. Lời ca tiếng hát nghi lễ then thường kể về hành trình đầy gian nan, vượt qua nhiều thử thách của một đội quân đầy dũng mãnh, quả cảm. Sau khi thầy then soi hương xin phép thần thánh, tổ tiên sẽ hóa thân theo gió, mây cùng các binh lính lên đường. Qua mỗi chặng đường, thầy then lại có những cung đàn, giọng hát khác nhau thể hiện sao cho phù hợp với từng tình huống gặp phải. Ví như khi gặp thân phận khốn khó, éo le cần giúp đỡ thì sử dụng giọng hát ngọt ngào, yêu thương, chứa chan tình cảm. 

Khi đi săn thú rừng thì âm vực mau lẹ, khỏe khoắn, hùng dũng. Khi cầu xin người lái đò vượt biển giọng hát lại tha thiết, níu kéo. Những khúc hát, lời ca của then được chia thành từng đoạn, mỗi đoạn mang một tiêu đề. Việc sử dụng các đoạn then phụ thuộc vào nội dung, mục đích của lễ then mà gia chủ mời đến. Nhờ lời ca tiếng hát then mà đưa những nguyện ước của người dân đến các đấng thần linh, Phật Quan thế âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng.

Theo bà Vân, không phải ai cũng làm then được, vì đây là những bài cúng cổ, không phải là học hát then lời mới như bây giờ. Bà cũng đã truyền dạy cho vài người họ hàng ở trong xã, như anh Chu Văn Hiệp, Nông Văn Tỏ hay các chị Vi Thị Mừng, Ngọc Thị Hường song họ cũng chỉ làm được những nghi lễ đơn giản. Do then gắn với nghi lễ cúng tế, đậm màu sắc tín ngưỡng, là tổng hòa các loại hình nghệ thuật nhạc, hát, múa, trò diễn… mỗi thầy then sở hữu những bản hát then riêng biệt nên việc truyền dạy không đơn giản.

Vào cuối năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam xây dựng hồ sơ then Tày, Nùng, Thái của Việt Nam trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ sở để văn hóa của người Nùng tại xã Hương Sơn được bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị. 

Hôm đó, mưa, rét, hàng trăm người có mặt tại nhà bà để tận mắt chứng kiến thực hành nghi lễ, trong đó có nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nghiên cứu âm nhạc của T.Ư, tỉnh, huyện. Nghi lễ kéo dài từ sáng đến tối và được ghi hình làm tài liệu.

Theo bà Vân, làm then bận nhất vào đầu xuân, kéo dài đến hết tháng Ba, còn những tháng khác thưa hơn. “Ở nhà tôi vẫn có 3 ha trồng cây bạch đàn, rảnh rỗi lại trông cháu nội để giúp các con lao động, làm ăn”- bà Vân cho biết.

“Báu vật” của núi rừng

Trước khi gặp bà Vân, tôi đã trò chuyện với ông Vũ Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Bắc Giang-người từng làm giám khảo ở nhiều kỳ liên hoan, hội diễn văn hóa dân gian. Ông Bàng thông tin thêm: Cái hay, lạ, độc đáo là bà Vân người Nùng nhưng lại biết thực hành nghi lễ then của người Tày (khi thực hành nghi lễ bà Vân sử dụng tiếng Tày). Bà có chất giọng rất riêng, không trong trẻo, vang sáng mà khàn đục, lạ, chắc nhịp, hấp dẫn, hát có “màu”; biết kết hợp nhuần nhuyễn, hòa quện giữa lời với múa hầu”.

{keywords}

Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân.

Ông Bùi Đăng Văn, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, huyện Lạng Giang chia sẻ: Do các bài then là các bài cúng bằng tiếng dân tộc thiểu số nên rất khó truyền dạy và không phải ai cũng theo được. Có những lễ cúng kéo dài 3 ngày, thâu đêm, suốt sáng, thầy then chỉ nghỉ khi ăn cơm. Ở xã Hương Sơn có 1 câu lạc bộ hát then nhưng là lời mới nên có thể ví bà Vân là “báu vật sống” của vùng khi sở hữu di sản văn hóa độc đáo từ nhiều năm nay.

Vừa làm then, mỗi khi có những hội diễn, các kỳ liên hoan lớn, được sự giới thiệu của Sở VHTTDL, bà sẵn sàng tham gia. Từ năm 2005 đến nay, bà Vân từng đoạt giải A Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ II, IV, V. Giải B tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VI năm 2008; Giải C Liên hoan Ca–Múa– Nhạc dân gian tỉnh Bắc Giang năm 2012; Giải Khuyến khích Liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh - truyền hình Bắc Giang năm 2005…

Cuối năm 2019, “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, tỉnh Bắc Giang tự hào là một trong những địa phương sở hữu di sản quý giá ấy.

Cuối năm 2019 - sau hơn 30 năm làm then, bà Vân vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đến thời điểm hiện tại, bà cũng là người duy nhất của tỉnh Bắc Giang được phong tặng nghệ nhân ở lĩnh vực này.

Chia tay bà Vân giữa lúc cơn mưa cuối xuân sắp trút xuống, trên đường về, trong tâm trí tôi ấn tượng với câu nói của bà khi tiễn khách “mình còn khỏe thì còn làm then, làm để lấy phúc, để mọi người thêm vui, cho cuộc sống thêm đẹp”.

Đưa tiếng then ngân xa
(BGĐT) - Bắc Giang là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có di sản văn hoá thực hành then của đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian phục vụ nhu cầu tâm linh và các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.
Hát Then của Việt Nam được vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) ngày 13-12 cho biết: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lời then - đàn tính bên dãy Tung Hinh
(BGĐT) - Bên dãy núi Tung Hinh thuộc xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là nơi định cư của đồng bào dân tộc Tày- Nùng. Từ bao đời nay, lời then - đàn tính không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tinh thần của bà con.
Khai mạc Lễ hội Du lịch Thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính
Ngày 7-10, UBND huyện Trùng Khánh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ I năm 2017.
Trình UNESCO công nhận thực hành Then là di sản văn hóa của nhân loại
"Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" sẽ được trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Truyền dạy hát then, đàn tính
(BGĐT) - Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số và thúc đẩy phong trào văn nghệ ở cơ sở, từ ngày 18 đến 27-8, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang tổ chức lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho 25 học viên là dân tộc Tày, Nùng tại huyện Lục Ngạn. 

Công Doanh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...