Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chị Nguyễn Thị Kim Dung- thôn Đồng, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang: Vươn lên để khẳng định mình

Cập nhật: 11:56 ngày 06/03/2020
(BGĐT) - “Với một người phụ nữ bình thường hoặc chị em có trình độ học vấn, cán bộ công chức, để làm chủ và cân bằng cuộc sống khó một thì với phụ nữ nông thôn, vừa ít học vấn vừa nghèo sẽ là khó 10”. Chị Ngụy Thị Tuyến- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang chia sẻ với chúng tôi như vậy khi giới thiệu về chị Nguyễn Thị Kim Dung (ảnh)- sinh năm 1964, chủ đại lý sơn ở thôn Đồng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). 

Chị Dung học không cao, xuất phát điểm kinh tế không khá nhưng bằng khao khát, nghị lực của mình đã tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống và giúp đỡ nhiều người khác.

Từ cô thợ sơn đến bà chủ đại lý

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Kim Dung.

Chị Dung người gốc ở thôn Tân Mới, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang. Năm 18 tuổi, khi đang học dở lớp 10, chị lấy chồng và theo anh về làm dâu ở thôn Đồng. Lý giải về chuyện nghỉ học giữa chừng lấy chồng sớm, chị bảo: “Nhà tôi đông anh chị em, anh cả đi bộ đội, dưới mình cả đàn em, mình là chị, không lo cho các em không được. Còn chuyện lấy anh Hòa (chồng chị- PV) là do duyên số, hai ông bố quen biết và “dấm” với nhau, thế là thành”.

Về nhà chồng, dẫu biết là khó khăn nhưng chị không thể hình dung ra hết lại khó khăn đến thế! Nhà anh Hòa cũng đông anh em, lấy được thời gian thì bố chồng mất, chị ở với mẹ chồng. Khi con lớn vẫn còn “đỏ hỏn”, con thứ hai chuẩn bị chào đời, anh đi bộ đội. “Lúc đó cơm không đủ ăn, tôi phải mua sắn ăn độn thêm, mỗi tháng 15 kg”. - Chị Dung nhớ lại.

Nhà ở dột nát, chật chội, chị một mình đóng gạch xây nhà. Ít ai nghĩ người phụ nữ nhỏ thó, đen đủi, nặng 40 kg đó lại có thể đóng được cả 7 lò gạch. Lò đầu được 7.000 gạch, chị bán lấy tiền xây bếp. Sau tích dần, vừa đóng vừa bán, gỗ xoan xin nhà ông ngoại làm cửa, mẹ con bà cháu cũng có chỗ chui ra chui vào.

Có lẽ do quá nghèo khó, lam lũ nên chị luôn có một khao khát làm sao có được nguồn kinh tế ổn định, chứ chưa dám mơ giàu có. Cùng với chồng, chị làm đủ nghề, buôn bán, chạy chợ, miễn sao đủ ăn. Lúc thì bán quần áo vỉa hè, ế ẩm chuyển sang bán trè đá, sau lại bán thịt lợn v.v…

Dấu mốc quan trọng đối với chị đó là năm 2003, khi con trai lớn đi làm thuê công trình xây dựng ở Lạng Sơn. Khi về, học mót được chút nghề sơn tường, con “xui” bố bỏ chạy chợ, đi học nghề này. Chồng chị nghe theo, làm thợ sơn rồi nhận công trình. Chị vẫn chạy chợ, trưa đến tranh thủ nấu cơm mang ra công trường cho chồng và cánh thợ ăn. Những hôm đến sớm, quan sát chồng và thợ làm, chị tý toáy làm theo rồi thạo nghề.

Anh Hòa - chồng chị vui chuyện kể:

- Ban đầu tôi không nghĩ cô ấy có thể làm thợ sơn được. Tôi vẫn bảo: “Tôi đố xem không có chồng cô có làm được không” thế mà cô ấy làm được, lại còn tinh ý, khéo tay, chịu khó hơn cả đám mày râu. Còn về khoản tính toán, quán xuyến sổ sách, tôi thua cô ấy. Mình qua loa đại khái bao nhiêu, cô ấy chặt chẽ, nhanh nhảu bấy nhiêu, giao dịch với khách hàng đâu ra đấy.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (bên phải) trò chuyện với cán bộ Hội phụ nữ xã Tân Mỹ.

Thế là từ người phụ nữ chạy chợ, quanh quẩn nấu cơm, chị trở thành thợ sơn chính hiệu. Đu dây leo trèo khắp các công trình, từ trụ sở cơ quan công sở đến các ngân hàng, tòa chung cư, nhà dân ở Bắc Giang, ở đâu chị cũng “nhẵn mặt”. Quen việc, có uy tín, người nọ giới thiệu người kia, chị trở thành bà chủ lúc nào không hay. Chị thuê một cửa hàng ở thành phố mở đại lý sơn và mua máy móc, nhận thầu sơn luôn các công trình. Quanh năm không hết việc, công trình to hay nhỏ, nhà lớn hay bé, chị “năng nhặt chặt bị”, thu vén cho gia đình, gây dựng niềm tin với khách hàng.

Sau hơn 20 năm khởi nghiệp, khao khát có được nguồn thu nhập ổn định của chị đã thành hiện thực. Không những vậy, chị còn xây được nhà mới khang trang, thay thế cho ngôi nhà gạch năm nào và còn có của ăn của để, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân gần chục triệu đồng/người/tháng.

Ít chữ nhưng không thể ít tình và tử tế

Trong câu chuyện, chị Hoàng Thị Thiết- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Mỹ cho tôi biết, chị Dung mới được kết nạp Đảng năm 2017, khi đã 53 tuổi. Thấy tôi băn khoăn, chị Dung bộc bạch:

- Tôi tham gia công tác ở thôn đến nay tròn 15 năm, làm Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn kiêm Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn. Thực tình tôi rất muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bản thân có nhiều đóng góp cho địa phương nhưng vì năm 1989, mình sinh con thứ ba, lại mới học hết cấp 2 nên cứ ngại, sợ làm ảnh hưởng đến tổ chức.

Được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, khích lệ, gia đình, chồng con động viên, ở tuổi 53, là bà nội của 8 đứa cháu, chị trở thành người đảng viên cộng sản. Chị bảo: “Ở tuổi này tôi phấn đấu vào Đảng chẳng vì mục đích gì mà chỉ muốn để làm gương cho con cháu, bản thân mình tốt hơn. Mình có thể học không rộng, không cao nhưng nhất định sống phải tử tế, có nghĩa có tình”.

Cái cách mà chị Dung dạy con cũng khá đặc biệt. Chị quan niệm: Ai cũng mong con mình học giỏi, lớn lên đi làm công cán nhưng không phải đứa trẻ nào cũng học giỏi. Tôi không đặt áp lực cho con, tôi bảo, nếu con không học được thì con có thể học nghề, làm ăn buôn bán, sống bằng sức lao động của mình, miễn sao không vi phạm pháp luật, biết trên dưới, trước sau.

Ba con trai của chị, hai con đầu chị định hướng học nghề, làm sơn cùng bố mẹ, buôn bán hoa quả ở chợ đầu mối của xã. Con trai út ham học hơn, chị cho đi học nghề y. Cả ba cô con dâu lấy về chị hướng theo học y, dược, đi học rồi về mở cửa hàng. Được bố mẹ định hướng đúng, các con chị đều biết đùm bọc, bảo ban nhau làm ăn, siêng năng, chăm chỉ, kinh tế ổn định. Đặc biệt, dù có điều kiện dư giả nhưng chị vẫn giữ nếp nhà, bao năm nay nhà chị vẫn tập trung ăn Tết, hai con trai vẫn ở chung với bố mẹ, gia đình thuận hòa, êm ấm.

Không chỉ là “nữ tướng” trong nhà, quán xuyến, sắp đặt công việc, con cái làm ăn đâu đấy, chị Dung còn biết cách lan tỏa yêu thương tới mọi thành viên trong gia đình. Từ năm 2005, khi phong trào hiến máu tình nguyện chưa rộng khắp như bây giờ, chị đã tiên phong làm trước, dù lúc đó đi làm thợ sơn rất vất vả. Đều như vắt chanh, hầu như năm nào chị cũng hiến máu, đến nay được 11 lần. Chồng chị thấy vậy cũng hưởng ứng, hiến được 3 lần. Tất cả con trai, con dâu theo gương bố mẹ, cứ đâu cần, gọi là đi hiến máu, tổng cộng được 15 lần. Gia đình chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích nhiều lần hiến máu cứu người (tổng số đến nay là 31 lần).

Ra ngoài đi làm ăn, bản thân khổ cực mới thành, hơn ai hết chị Dung thấu hiểu và chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Chị bảo, mình giàu thì chưa giàu nhưng được trời thương cho sức khỏe, có công việc làm, có thu nhập, con cái đủ đầy nên giúp được gì cho thôn xóm thì giúp, cho người nghèo lại càng nên. Nghĩ vậy nên công to việc lớn của địa phương, chị đều nhiệt tình ủng hộ hết mình. Từ làm đường giao thông, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, đình đền chùa đến xây dựng nhà văn hóa, tặng quà thiếu nhi…, chị ủng hộ theo sức mình; nhiều thì vài chục triệu đồng, ít thì vài ba triệu, góp công, góp sức. Đặc biệt, với những chị em phụ nữ kém may mắn, đơn thân, khuyết tật, các cháu mồ côi, chị nhận giúp đỡ tận tình. Mỗi năm chị nhận trợ giúp một địa chỉ từ thiện. Ngoài ra, nhiều trường hợp chị em khuyết tật, đau ốm, chị nhận hỗ trợ đến trọn đời. Chị không nhớ hết mình đã giúp được bao người, bao tiền bởi chị nghĩ, mình cho đi không phải để nhận lại, sống sao cho có nghĩa có tình là được.

Từ một phụ nữ nông thôn ít học, nghèo khó, chị Nguyễn Thị Kim Dung đã vươn lên trở thành người phụ nữ tự tin, đảm đang, nhân hậu, làm chủ cuộc sống của mình. Theo chị, muốn để xã hội xóa bỏ định kiến thì trước tiên người phụ nữ phải tự gỡ bỏ rào cản trong chính mình, bản lĩnh, tự tin, biết chăm lo cho bản thân và gia đình. Sau bao nỗ lực của mình, chị xứng đáng được hưởng hạnh phúc, là “ma ma tổng quản” trong nhà, chồng con yêu thương, quý trọng và danh hiệu cao quý “Phụ nữ tiêu biểu” do Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao tặng (năm 2018).

Sinh viên y khoa Nguyễn Thị Thu Thảo: Hành trình tìm lại gương mặt
(BGĐT) - Ăn uống khó khăn, nói cười cũng khó vì cơ mặt co cứng, tuổi thơ của Nguyễn Thị Thu Thảo ở xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) trôi qua đầy buồn tủi với bao lần ôm mặt khóc chạy về nhà. Còn giờ đây, Thảo đã trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội năng động, tự tin, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện.
Chuyện của người “liệt sĩ” trở về
(BGĐT) - Giấy báo tử gửi về địa phương ghi rõ ngày, tháng, năm, trận địa hy sinh, suốt ba năm gia đình thắp hương cúng giỗ, ấy thế mà giữa năm 1974, “liệt sĩ” Nguyễn Văn Bạn (SN 1950) bằng xương, bằng thịt bất ngờ khoác ba lô trở về. Hơn 45 năm qua, câu chuyện từ cõi chết trở về của ông Bạn, bản Nam Cầu, xã Xuân Lương, Yên Thế (Bắc Giang) vẫn được người dân, đồng đội nhắc đến. 
Nhiều cuộc đời khép lại bởi "tay lái rượu, bia"
(BGĐT) - Chén rượu, cốc bia nâng lên những tưởng sẽ làm tăng thêm độ vui cho những bữa tiệc tùng, ăn uống, nhưng với nhiều người, rượu, bia lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Gia đình đang yên ấm, đủ đầy bỗng đau thương, tang tóc ập đến, không ít trường hợp phải sống thực vật suốt đời vì hành động thiếu ý thức của những tài xế say xỉn. 

Hương Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...