Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện của người “liệt sĩ” trở về

Cập nhật: 07:00 ngày 29/02/2020
(BGĐT) - Giấy báo tử gửi về địa phương ghi rõ ngày, tháng, năm, trận địa hy sinh, suốt ba năm gia đình thắp hương cúng giỗ, ấy thế mà giữa năm 1974, “liệt sĩ” Nguyễn Văn Bạn (SN 1950) bằng xương, bằng thịt bất ngờ khoác ba lô trở về. Hơn 45 năm qua, câu chuyện từ cõi chết trở về của ông Bạn, bản Nam Cầu, xã Xuân Lương, Yên Thế (Bắc Giang) vẫn được người dân, đồng đội nhắc đến. 

Không bất ngờ khi là “liệt sĩ”

Từ trụ sở UBND xã Xuân Lương, đi chừng 1 km trên con đường bê tông láng mịn, hai bên đường là hàng keo lai, vạt chè xanh mướt thì đến căn nhà của ông Bạn ở bản Nam Cầu. Vừa tới cổng đã thấy ông ngồi bên chiếc bàn đá sửa soạn pha trà đón khách. Rót chén trà xanh - đặc sản của vùng đất Xuân Lương, ông Bạn (ảnh dưới) mời chúng tôi và một số cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) của xã, buổi gặp mặt ấm cúng, thân tình.

{keywords}
Theo dòng cảm xúc, ông chia sẻ: "Ngày 22-6-1968, 18 tuổi, tôi xung phong vào bộ đội. Có sức vóc cao lớn lại nhanh nhẹn nên tôi được chọn vào binh chủng đặc công. Sau vài tháng huấn luyện, tôi cùng đồng đội vượt Trường Sơn rồi vào đóng quân tại huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên Huế), vùng đất đầy nắng gió và sự tàn khốc của chiến tranh bấy giờ”. Đêm 9-6-1971, ông nhận nhiệm vụ cùng đồng đội hóa trang luồn sâu vào lòng địch đánh cứ điểm Cầu 2 đóng trên quả đồi cao ở huyện Phú Lộc do một tiểu đoàn Mỹ - Ngụy chiếm giữ. 
Địch tập trung khá đông (khoảng 300 tên), trang bị vũ khí hiện đại trong khi ta chỉ có hơn 30 người với thủ pháo và dao găm nên tuyệt đối không được sơ sẩy dù nhỏ nhất. Sau bao ngày nắng cháy thì đêm ấy, Phú Lộc có mưa lớn, ông Bạn phải ngụy trang đến 2 lần để địch không phát hiện. Vừa hoàn thành nhiệm vụ, mọi người rút ra ngoài thì ông bị sa vào ổ phục kích của giặc, bị thương nặng ở vùng đầu, chân rồi ngất đi không biết gì nữa.

Sáng hôm sau, đám lính Mỹ - Ngụy bắt ông đưa đến bệnh viện chữa lành vết thương và sau đó là chuỗi ngày chúng đánh đập tra khảo người lính đặc công bằng những đòn chí mạng. Không khai thác được gì, địch đẩy ông vào nhà tù Phú Quốc. Ở “địa ngục trần gian”, được sự chỉ đạo từ tổ chức bí mật của ta, ông luôn giữ vững ý chí chiến đấu, tham gia đấu tranh, đả phá chế độ hà khắc của nhà tù. Đến bây giờ, người cựu binh vẫn bị ám ảnh con số 6095 - là số áo tù của mình và những trận đánh vô cớ mất nhân tính của đám cai ngục.

Tháng 3-1973, ông được trả tự do theo Hiệp định Pari. Đó là ngày 16-3, địch còng tay, bịt mắt, trùm bao tải lên các tù binh rồi đưa lên máy bay. Biết rằng kẻ thù có thể ra tay sát hại những người tù bất cứ lúc nào nên trong thâm tâm một số anh em thầm nói lời từ biệt. "Sau hơn một ngày di chuyển, đến khi ngồi trên ô tô chúng tôi nghe văng vẳng lời bài hát của nhạc sĩ Văn Ký - “Bài ca hy vọng” từ bên kia sông Thạch Hãn (Quảng Trị) vọng lại. Qua câu chuyện của lính Ngụy, mọi người mới biết mình sắp được tự do. Trên người chỉ còn chiếc quần đùi bạc phếch, có miếng vá to bằng bàn tay, thân thể đầy vết thương, chúng tôi trở về vòng tay yêu thương, chở che của bộ đội giải phóng mà trong lòng trào dâng niềm xúc động và biết ơn. Tôi được cấp quân nhu sau đó về Móng Cái (Quảng Ninh) nghỉ dưỡng” - ông xúc động.

Sau trận đánh năm xưa ở Phú Lộc, đồng đội nhiều lần tìm kiếm không thấy nghĩ ông đã hy sinh, đơn vị lập hồ sơ báo tử về địa phương.

Thời gian nghỉ dưỡng, ông có vài lần viết thư về quê nhưng ngày ấy thông tin liên lạc khó khăn, chậm trễ. Giữa năm 1974, ông Bạn phục viên về địa phương, là thương binh thương tật 25%. Vừa về đến nhà, ông đã nhìn thấy ảnh mình trên bàn thờ cùng với bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử. Bố mẹ, anh chị, các em và bà con trong bản sau giây phút sững sờ thì mừng rỡ, người cầm tay, người xót xa nhìn vết thương đã thành sẹo. Cuối năm đó, ông lập gia đình với người con gái cùng quê rồi lần lượt sinh được 5 người con. Đến nay, các con ông, bà đều trưởng thành, có cuộc sống ổn định; thuận hòa, yêu thương nhau. Ông bảo, hồi ấy ông không bất ngờ khi về quê thấy mình đã là “liệt sĩ” bởi thời gian dài bị địch bắt tù đày, không liên lạc được với đơn vị và gia đình.

Góp sức giữ bình yên bản làng

45 năm trở về cũng là ngần ấy thời gian ông Bạn tham gia các phong trào ở địa phương. Ông Vũ Đức Thuận, Chủ tịch Hội CCB xã nói: “Là thương binh nhưng ông Bạn không nề hà công việc gì. Có thời kỳ ông đảm nhận 6, 7 “vai” mà “vai” nào cũng hoàn thành xuất sắc, là điển hình của bản, của xã rồi của huyện”. Bước ra từ cuộc chiến, từng nhiều lần đối mặt với gian nguy nên trong thời bình, không khó khăn nào làm ông nản chí. 

{keywords}

Trở về sau chiến tranh, mấy chục năm qua, ông Nguyễn Văn Bạn (phải) tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, góp sức xây dựng quê hương.

Người cựu binh luôn thẳng thắn, quyết đoán, việc gì được Đảng, Nhà nước phân công, dân bản tin tưởng giao phó là ông gắng sức làm. Từ năm 1976 đến nay, ông trải qua nhiều vị trí như: Đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp, Phó trưởng Công an, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Ban Thanh tra nhân dân xã Xuân Lương... Từ năm 2000 đến nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội CCB bản Nam Cầu.

Bản có gần 100 hộ, bà con thuộc 5 dân tộc; giáp ranh với bản Đèo Bụt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Đầu những năm 2000, an ninh chính trị trong bản khá phức tạp, tình trạng mất trộm vặt, tranh chấp đất đai vùng giáp ranh xảy ra thường xuyên. Trước tình trạng ấy, năm 2006, Hội CCB phối hợp với Công an xã Xuân Lương thành lập mô hình Tổ an ninh tự quản tại đây, nòng cốt là các CCB do ông Bạn làm tổ trưởng. 

Đây là mô hình Tổ an ninh tự quản đầu tiên trong các cấp hội CCB Yên Thế. Để hoạt động hiệu quả, ông Bạn phân công 29 tổ viên chia ra phụ trách theo từng khu, thường xuyên phối hợp với công an viên tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những mâu thuẫn nội bộ phát sinh trong dân đề xuất cho lãnh đạo thôn kịp thời giải quyết. Nhờ thế, an ninh trong vùng ổn định.

Ghi nhận những thành tích đó, cá nhân ông Bạn, Chi hội CCB và Tổ an ninh tự quản nhiều lần được Giám đốc Công an, Hội CCB tỉnh tặng Giấy khen. Năm 2017, ông được Cụm trưởng Cụm An ninh giáp ranh Xuân - Liên - Hợp - Tân của hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên (gồm các xã: Xuân Lương (Yên Thế), Liên Minh (Võ Nhai), Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và xã Tân Thành (Phú Bình) tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giữ trật tự an ninh vùng giáp ranh.

Đón Tết Canh Tý năm nay, Chi hội CCB phối hợp với ban lãnh đạo bản Nam Cầu triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Ông Phạm Kiên Cường, Trưởng bản - hội viên Chi hội CCB khoe: “Nhờ uy tín của Chi hội CCB, nhất là vai trò của ông Bạn mà an ninh trật tự ổn định, bà con trong bản yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, bản chỉ còn 4 hộ nghèo; một số hộ đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế từ rừng, chăn nuôi, thành lập doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bản Nam Cầu có hơn 20 năm đạt danh hiệu Làng văn hóa”.

Về Nam Cầu dịp này, chúng tôi được ông Bạn đưa đến tuyến đường bê tông đẹp nhất bản. Ông tự hào: Tuyến đường này dài hơn 1,3 km, cứng hóa từ năm 2017 với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước thì nhân dân đối ứng hơn 250 triệu đồng. Đường làm xong được hơn một năm thì bản tập trung xây nhà văn hóa.

Việc huy động sức dân tiếp tục được phát huy khi có sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, hội viên CCB địa phương. Sau khi gia đình ông Bạn, gia đình Chủ tịch Hội CCB xã Vũ Đức Thuận, Trưởng thôn Phạm Kiên Cường hiến đất thì nhiều hộ khác có phần đất, tài sản trên diện tích làm nhà văn hóa cũng tặng cho thôn để làm công trình của cộng đồng. Cuối năm 2019, nhân dân bản Nam Cầu có nhà văn hóa mới, giá trị cả đất và công hơn 1,5 tỷ đồng.

Hiện nay, 4 thế hệ trong gia đình ông cùng chung sống dưới một mái nhà, luôn vui vẻ, hòa thuận. Được chứng kiến sự đổi mới của quê hương, gia đình, ông thấy vô cùng hạnh phúc. Thỉnh thoảng, ông dành thời gian gặp gỡ anh em trong Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Yên Thế để cùng nhau ôn lại một thời gian lao và anh dũng.

Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang phát huy vai trò trong xây dựng Đảng, chính quyền
(BGĐT) - Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những người lính Bắc Giang đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do. Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực đóng góp xây dựng quê hương.
Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
(BGĐT) - Năm 2019, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã có nhiều hoạt động tích cực giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bản thân mỗi hội viên cũng phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm trong lao động, sản xuất và đạt được kết quả cao.
Cựu chiến binh Vi Văn Hùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang): "Mang" rác về nhà
(BGĐT) - Chả phải người giàu có, chả là cán bộ cấp nọ cấp kia, thế mà người cựu chiến binh (CCB) ấy mang cả “sổ đỏ” hơn 5.000 m2 đất lâm nghiệp của gia đình hiến tặng cho xã. Đặc biệt hơn, hiến để xã làm bãi xử lý rác thải chứ không phải làm đường hay trường, trạm như bình thường. Người “mang” rác về nhà là có thật và đó là câu chuyện của Chủ tịch Hội CCB xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) ông Vi Văn Hùng.
Bàn giao nhà "Ấm tình đồng đội" cho cựu chiến binh
(BGĐT)- Sáng 8-12, Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang tổ chức khánh thành và bàn giao nhà "Ấm tình đồng đội" cho cựu chiến binh Hoàng Viết Khoa ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
(BGĐT) - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 6-12 (1989-2019).
Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội.
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”
Chiều 26-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội (6-12-1989 đến 6-12-2019) và Đại hội Thi đua yêu nước của Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, giai đoạn 2014-2019.

Mai Toan - Vũ Hoàng Nam 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...