Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xuân Cẩm khởi sắc

Cập nhật: 07:00 ngày 17/08/2019
(BGĐT) - Xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nằm dọc đê sông Cầu, uốn lượn quanh co hình số 8. Nơi đây, “sự kiện Xuân Biều” được ví như “đốm lửa” vàng trong quốc sử. Thôn Cẩm Xuyên từng in dấu chân Bác Hồ về thăm. "Nền xưa đất cũ" ấy như tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Cẩm dựng xây vùng quê nông thôn mới như hôm nay.

Dấu xưa còn đó

Cứ mỗi độ thu sang, chúng ta lại dâng trào cảm xúc xen lẫn niềm tự hào khi nghĩ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám. Tôi về Xuân Cẩm - một địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc với nhiều di tích còn lưu lại.

{keywords}

Khu nhà bia lưu niệm Hồ Chí Minh tại thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm được Nhà nước đầu tư, nâng cấp.  Ảnh: VIỆT HƯNG

Đi trên con đường làng bê tông, ngắm nhìn những nhà cao tầng bên vườn cây mát xanh, những cánh đồng lúa đương thì con gái, những ô thửa vuông vắn nuôi thủy sản thấy sức sống mới đang trỗi dậy. Xuân Cẩm thuộc tổng Cẩm Bào xưa với những địa danh, tên làng, tên đất ý nghĩa: Cẩm Bào, Cẩm Xuyên, Cẩm Trung, Cẩm Hoàng, Xuân Biều. 

Tôi hỏi Chủ tịch UBND xã Ngô Khắc Tình: Chữ “Cẩm” ở đây có ý nghĩa thế nào? Mỉm cười ông bảo: Theo nghĩa Hán - Việt, "Cẩm" có nghĩa là gấm vóc, lụa là, lấp lánh, rực rỡ, nói tóm lại là cái đẹp. "Cẩm Bào" còn có nghĩa là làng có nhiều người làm quan mặc áo vua ban. "Cẩm Hoàng" là làng thuộc đất vua tặng. Còn “Xuân Biều” với nghĩa là làng có nhiều người văn hay chữ tốt, thảo nhiều kế sách hưng nước yên dân… 

Tóm lại, cái tên Xuân Cẩm mang ý nghĩa “đẹp mãi như mùa xuân”. Tôi trộm nghĩ, có lẽ những nét đẹp ấy cùng với truyền thống quê hương cách mạng đã làm nên một Xuân Cẩm anh hùng năm xưa và căng tràn sức sống như hôm nay.

Ngược dòng thời gian, địa danh Xuân Biều đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc với chiến công ngày 12-3-1945. Hôm ấy, từ ngôi đình Xuân Biều, cán bộ và nhân dân trong xã nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất cả nước. 

Đồng chí Lê Thanh Nghị (đặc phái viên của Trung ương, chỉ đạo phong trào chống Nhật ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên) có ghi chép về sự kiện này trong cuốn hồi ký "Trọn một cuộc đời" như sau: "Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Xuân Biều là đốm lửa để bùng lên cả một trời lửa Cách mạng Tháng Tám năm 1945". Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần để đi đến Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Bí thư Đoàn xã Xuân Cẩm đưa tôi đến thôn Cẩm Xuyên - nơi in dấu chân Bác về dự Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II và thăm bà con nông dân ngày 8-2-1955. 

Lịch sử Đảng bộ xã ghi: “Những ngày cải cách ruộng đất sôi động, những người được chia ruộng và tài sản hân hoan phấn khởi. Đường làng, ngõ xóm, đình chùa, khu chợ luôn có cờ, khẩu hiệu, tiếng loa, hội họp; cánh đồng, thửa ruộng nhộn nhịp tiếng nói cười, vui như trảy hội”. 

Cho đến nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân Xuân Cẩm mãi mãi tự hào là nơi được cấp trên tin tưởng đặt địa điểm mở hội nghị, lại được đón Bác về thăm. Địa điểm này đã trở thành Khu Lưu niệm Bác Hồ, là địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ những tình cảm nồng thắm nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu.

Lang thang qua những ngôi làng ở Xuân Cẩm, anh Thắng còn chỉ cho tôi những minh chứng về đất văn hiến, thượng võ, đầy ắp giá trị văn hóa như khu lăng mộ của các danh nhân, danh tướng đã có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ đất nước và chấn hưng nền kinh tế, những làng nghề truyền thống, những giá trị tâm linh còn mãi với thời gian. Năm 2003, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Truyền thống là điểm tựa

{keywords}

Đường nông thôn mới ở Xuân Cẩm. 

Tôi đứng trên con đường bê tông rộng dài, thấy náo nức âm thanh ngày mới. Làng quê Xuân Cẩm đã thực sự “lột xác” khi toàn dân hướng theo ngọn cờ Đảng gọi, chung sức đồng lòng quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Đáng mừng là chỉ sau vài năm phát động, mặc dù không có trong chương trình những xã làm điểm nhưng Xuân Cẩm đã tăng tốc về đích vào cuối năm 2015, sớm thứ ba toàn huyện.

Ngẫm lại quãng thời gian làm nông thôn mới, Chủ tịch xã Ngô Khắc Tình nghiệm ra rằng: “Muốn nói gì thì nói, phải có dân ủng hộ mới làm được. Không có gì bằng sức dân, bằng những quyết sách đúng đắn hợp lòng dân”. 

Chả thế mà một xã có tới 2.854 hộ với gần 13.500 nhân khẩu, đất chật người đông mà hàng trăm gia đình tự nguyện hiến đất, dỡ nhà vì lợi ích cộng đồng. Gia đình ông Vũ Hùng Vương, thôn Cẩm Bào đi làm ăn xa quê hương đã mang cả “sổ đỏ” đến UBND xã, xin được hiến 360m2 đất thổ cư (trị giá gần 2 tỷ đồng ở thời điểm này) cho địa phương làm đường. 

“Nếu ông Vương không hiến đất thì hai bên cây cầu ở đầu xã sẽ chả có chỗ quay xe, vô cùng bất tiện”- ông Tình xúc động. Hay như đảng viên Nguyễn Đăng Ninh, Chi bộ thôn Cẩm Bào nếu không cắt mấy gian nhà cổ, hiến hơn 60m2 đất thì kế hoạch mở rộng đường ngõ (từ 2,5 m lên 5 m) coi như bỏ dở. 

Con số gần 5 tỷ đồng nhân dân đóng góp, hiến hơn 3.000m2 đất thổ cư, tháo dỡ và tự xây lại hơn 500 công trình để làm gần 20 km đường liên thôn, liên xóm đã minh chứng cho sức mạnh lòng dân.

Xuân Cẩm có thế mạnh về nông nghiệp nhưng cứ tư duy cũ với đồng ruộng manh mún thì có cố gắng thế nào làm nông nghiệp cũng khó khá lên được. Chính vì vậy, một “cuộc cách mạng” nữa sau làm đường giao thông mà xã quan tâm chính là thực hiện “dồn điền đổi thửa”. 

Một cuộc thống kê ruộng đất diễn ra ai cũng phải giật mình: Mỗi hộ có đến chục thửa rải rác các xứ đồng (trung bình 11 thửa ruộng/hộ), có thửa chỉ rộng 1 thước (24m2). Địa phương quyết định chọn thôn Cẩm Xuyên - nơi từng được Bác Hồ về dự hội nghị cải cách ruộng đất để chỉ đạo làm điểm. Khí thế đợt này không khác gì mấy chục năm trước. 5 cuộc họp diễn ra liên tục với sự có mặt của đại diện 500/502 hộ dân trong thôn. 

{keywords}

Những tuyến đường ở Xuân Cẩm đã được cứng hóa, mở rộng.

Bao nhiêu vấn đề thiệt hơn được đưa ra phân tích, mổ xẻ. Và cuối cùng toàn bộ 116 ha đã được bà con đồng thuận dồn đổi. Từ 11 mảnh, sau khi hoàn thành phương án trên thực địa, mỗi hộ chỉ còn 3 thửa, làm gì cũng tiện. “Đầu xuôi đuôi lọt”, 4 thôn còn lại cũng rầm rập khí thế dồn đổi. Sau 3 tháng xong 400ha, hơn 40km đường nội đồng được mở rộng, đổ bê tông. Máy cày, máy gặt vào tận ruộng, ô tô chở thóc về tận nhà. Từ đây, 5 cánh đồng mẫu (trung bình 35-50ha mỗi cánh đồng) đã hình thành. 

Trên cánh đồng là lúa chất lượng cao, dưa, rau xuất khẩu, là hoa ly, nhà màng, nhà lưới liên kết liên doanh sản xuất, tiêu thụ nông sản. Khai thác tiềm năng đất trũng khó trồng lúa, 50 ha được chuyển sang nuôi thủy sản, hình thành những trang trại, gia trại. 

Xuân Cẩm cũng có hàng trăm hộ làm nghề mộc truyền thống. Người dân đã xóa được tư tưởng trông chờ ỷ lại, năng động hơn trong làm ăn phát triển kinh tế. Điện đường trường trạm đủ đầy, khang trang sạch đẹp. Con đường học vấn rộng mở khi xã có tới gần 20 giáo sư, tiến sĩ. Mỗi năm có gần 50 cháu đỗ vào các trường đại học. Hộ nghèo còn 6,7%.

Khi tôi chia tay Xuân Cẩm, Chủ tịch UBND xã Ngô Khắc Tình nói: "Khi xưa, Bác Hồ qua sông Cầu bằng con đò nhỏ. Nhân dân Xuân Cẩm mong có cây cầu hiện đại ở bến đò nơi Bác từng qua. Và niềm mong ước ấy đã trở thành hiện thực. 

Ngày 28-3-2018, lễ khởi công xây dựng cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú bắc qua sông Cầu thuộc dự án đường vành đai IV Hà Nội đã được triển khai”. Có cầu, người dân trong xã, trong vùng sẽ có thêm điều kiện thông thương, giao lưu phát triển kinh tế.

Tôi thầm nghĩ, bộ mặt nông thôn mới Xuân Cẩm trong nhịp sống hôm nay hẳn là thỏa lòng mong ước của Bác Hồ: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Mỗi thôn làng nơi đây đều khởi sắc, người dân vừa biết làm kinh tế, vừa quan tâm bảo tồn những di tích lịch sử, giữ gìn giá trị văn hóa.

Báo chí là vũ khí cách mạng sắc bén
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.
Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Thân Nhân Trung, Khuyến học- khuyến tài
(BGĐT) - Ngày 18-6, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt cán bộ, hội viên nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21- 6 (1925 - 2019), trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam và trao Giải Báo chí Thân Nhân Trung năm 2018, Giải Báo chí về chủ đề "Khuyến học, khuyến tài" năm 2018 - 2019. 
Từ “cách mạng cây”, “cách mạng cá” đến “cách mạng màu”
Những năm gần đây, có rất nhiều phong trào kêu gọi người dân bằng những mỹ từ đẹp đẽ. Từ đó, nhiều người dân bị cuốn theo, tham gia tụ tập, ghi chữ ký, tâm thư, tuần hành những tưởng đòi quyền lợi cho mình. Nhiều sự việc phải qua một thời gian dài mới lộ ra, đó chỉ là những chiêu trò mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua các tổ chức xã hội dân sự một cách rất tinh vi.
Trở lại An toàn khu II
(BGĐT) - Giữa tiết đông, tôi có cơ duyên trở lại Hiệp Hòa. Lần trước vào cuối năm 2012, tôi cùng mấy đồng nghiệp về thăm khi 16 xã phía Tây Bắc của huyện được Nhà nước công nhận An toàn khu II (ATK II) của T.Ư Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi lần về thăm mảnh đất này, trong tôi lại có những dự cảm, ấn tượng riêng.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa”
(BGĐT) - Ngày 31 - 8, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II (ATK II) huyện Hiệp Hòa”. 
Xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa): Chôn hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi không đúng quy trình
(BGĐT)- Những ngày qua, tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) liên tục có lợn chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tai xanh, lở mồm long móng (LMLM). Cùng thời gian, trên tuyến kênh tưới A1, đoạn chảy qua thôn Cẩm Bào cũng xuất hiện nhiều xác lợn chết. Việc chôn hủy số lợn này không được chính quyền địa phương thực hiện kịp thời khiến người dân bất bình.
Khởi công xây dựng cầu Xuân Cẩm- Bắc Phú
(BGĐT) - Ngày 28-3, tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú vượt sông Cầu thuộc dự án đường vành đai IV Hà Nội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Tuấn Minh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...