Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sức sống nghề cá ven sông Cầu

Cập nhật: 15:52 ngày 11/05/2019
(BGĐT)- Xuôi theo sông Cầu, về các xã ven đê huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sẽ thấy rõ sự phát triển của nghề nuôi cá. Nếu như trước đây, người dân chỉ nương theo con nước đánh bắt trên sông thì nay nhiều hộ mạnh dạn dồn đổi diện tích đất trũng để đầu tư nuôi cá. 

Riêng xã Đồng Phúc có 5 HTX thủy sản với gần 60 ha mặt nước nuôi cá đem lại nguồn thu khá cho các hộ dân, như tiết lộ của Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Đình Đôn: “Gấp cả chục lần cấy lúa, trồng sen”.

Biết chính xác trọng lượng cá dưới ao
Mới đầu hè mà nắng đã oi ả, gay gắt. Bên mé hồ, dưới tán cây ăn quả, làn hơi nước mát lành từ mặt hồ bốc lên phần nào xua đi không khí ngột ngạt. Ngồi thư giãn nhìn cá quẫy, vẫy gợn nước sóng lăn tăn, ông Phạm Văn Tập ở thôn Bắc Sơn hồ hởi: “Với 4 sào ao này thôi nhưng năm nào tôi cũng thu lãi bảy, tám mươi triệu. Chả phải đi đâu bán, đến kỳ thu hoạch, thương lái gọi điện đặt lịch, đánh ô tô tận bờ, thậm chí tự thả lưới bắt cá, tôi chả phải thò chân lấm bùn”.

{keywords}

Ông Phạm Văn Tập, thôn Bắc Sơn có kinh nghiệm nuôi cá lâu năm.

Tôi biết ông Tập qua giới thiệu của ông Đặng Đình Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc: “Nói về nuôi cá, ông Tập phải là số 1 ở vùng này. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông ấy áp dụng kỹ thuật chăm sóc cá, chuẩn đến nỗi biết được chính xác có bao nhiêu cân cá dưới ao. Thức ăn cho cá được lựa chọn cũng khác biệt nên chất lượng cá ngon, thương lái thường đặt hàng trước”. Tò mò về cách nuôi, tôi hỏi ông Tập được biết, từ năm 1996, ông đã mạnh dạn nhận thầu diện tích hơn 4 sào đất trũng nhất ở thôn, ba bề bốn bên là cánh đồng mênh mông nước, rồi bỏ ra số tiền lớn để cải tạo, kè lát gạch kiên cố xung quanh.

Thời điểm ấy, nhiều người bảo ông bị “làm sao” nhưng cũng có người bảo có khi ông ấy thức thời, đi trước mọi người. Đến bây giờ thì cả làng, cả xã thấy ông thức thời thật. Mỗi lần thu hoạch cá, ô tô thương lái đỗ tận bờ ao, đưa từng con cá to đến nửa yến lên xe ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Nghe ông chia sẻ cách nuôi cá tôi cũng thấy là lạ: Thức ăn chỉ dặt là cỏ, cám và thóc. Cỏ được cắt ở những bờ mương máng có rêu bám bởi chứa nhiều chất đạm; thóc phải được luộc lên hoặc ủ nảy mầm; còn cám xay xát từ lúa mới. 

Cứ cách một ngày lại cho cá ăn cám hoặc thóc; cỏ thả thường xuyên (khoảng 20 lần mỗi tháng). Khi thả cá, ông chọn loại trọng lượng từ 3-5 lạng/con. Những tháng đầu năm trời mát, chịu khó chăm sóc cá sẽ lớn nhanh (tăng khoảng 0,5kg/tháng). Từ tháng 4 cá lớn chậm hơn. Sang tháng 11 và 12 trời rét, cá hầu như không lớn, lúc ấy tập trung thu hoạch.

Đặc biệt, mỗi lần thả cá, ông đều đếm cụ thể số con từng loại. Chẳng hạn năm ngoái, trên diện tích này ông thả 477 con cá trắm; 100 cá chép, 17 cá mè, còn cá trôi thả không nhiều. Ngoài mục đích bảo đảm mật độ cá trong ao, giúp điều chỉnh và tận dụng được các tầng thức ăn, mặt khác còn để tính được số lượng cá dưới ao, giúp thương lái chủ động nguồn hàng. Chẳng hạn đến kỳ thu hoạch, ông thả lưới xem mỗi con nặng bao nhiêu, cứ thế nhân lên với số con sẽ ra tổng trọng lượng từng loại. 

Các thương lái bảo nhau: “Dưới ao có bao nhiêu tấn cá, chỉ có ông Tập mới ước được chính xác”. Tôi hỏi: "Thế quá trình nuôi cá chết hay bị mất cắp thì sao ông biết được?". Ông Tập cười vang: "Hơn 20 năm nuôi cá, chết con nào tôi biết con đấy, còn mất trộm thì chưa bao giờ xảy ra. An ninh trật tự ở đây tốt lắm. Bằng chứng là tôi thả bao nhiêu con đến khi thu hoạch đều còn bằng ấy". 

Do được chăm sóc với một quy trình riêng biệt, thức ăn bảo đảm nên chất lượng cá thơm ngon, thương lái luôn đặt hàng trước, giá cũng cao hơn, như vụ vừa rồi ông bán cá trắm giá 60.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 80 triệu đồng trên diện tích 4 sào ao.

Thành lập HTX để thuận cho sản xuất

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, với định hướng phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp và quảng canh cải tiến, xã Đồng Phúc đã quy hoạch gần 60 ha mặt nước nuôi thủy sản. Từ những mô hình nhỏ, cho lãi thấp, đến nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều trang trại thủy sản quy mô lớn, lợi nhuận cao. Từ chỗ chỉ biết khai thác, nuôi thả manh mún, mạnh ai nấy làm thì đến nay đã hình thành 5 HTX thủy sản với gần 50 xã viên tham gia. Các HTX áp dụng thành công phương pháp nuôi ghép giữa cá truyền thống với một số giống cá mới, áp dụng kỹ thuật thâm canh cho năng suất cao gấp nhiều lần so với cách nuôi thông thường.

Đi thăm các hồ nuôi cá ở thôn Việt Thắng, anh Trần Văn Ba, Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết: “Chuyển sang mùa hè, nhiệt độ không khí và nước tăng dần, có nhiều ngày nắng nóng kéo dài, tại các ao có hiện tượng cá nổi đầu do thiếu ô xy, vì vậy phải sử dụng máy tạo ôxy”. Đi trên bờ đê sông Cầu lộng gió, tôi nghe rõ âm thanh rào rào, vui tai phát ra từ những chiếc máy quạt guồng tạo khí ôxy, bọt nước tung ra trắng xóa. Và rồi, câu chuyện về con cá cứ thế rôm rả hơn khi các xã viên HTX Thắng Lợi tập trung ở nhà anh Ba.

“Cũng gian nan lắm mới có được như ngày hôm nay. Trước kia vùng trũng này được hình thành do lấy đất đắp đê, ít ai quan tâm, chỉ trồng sen hay cấy lúa một vụ. Sau này mỗi anh em nhận đấu thầu khoảng 1 ha để nuôi cá. Tuy nhiên hệ thống thủy lợi chưa được cải tạo, nông dân chủ yếu nuôi cá quảng canh, hiệu quả thấp”. Đang bí về nhiều thứ, tưởng phải bỏ ao không thì những hộ nuôi cá ở Đồng Phúc được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chi cục Thủy sản và Liên minh HTX cử người về tìm hiểu và giúp thành lập HTX, từng bước phát triển nghề nuôi cá. 

Các gia đình như anh Ba, anh Minh, anh Ước, anh Năm, anh Sánh, anh Quảng… lại tiếp tục bỏ công sức để gây dựng nghề của mình. Theo đó, HTX giao cho mỗi thành viên đảm nhận 1 ha, tạo điều kiện cho họ tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến thông qua các lớp tập huấn, hỗ trợ một phần kinh phí mua máy móc.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bất ngờ có thêm vị khách tên Nam là nhân viên Công ty Cai Lậy (Tiền Giang) chuyên tư vấn, cung cấp thuốc phòng trị bệnh cho cá. “Con cá dưới nước đâu có giống con vật trên cạn, bị bệnh làm sao cho uống thuốc hay tiêm phòng được. Nếu mắc bệnh sẽ khó chữa” - anh Nam tiếp lời. Gắn bó với HTX Thắng Lợi từ những buổi đầu thành lập, anh dành nhiều thời gian hướng dẫn, song hành với HTX Thắng Lợi. Đến nay HTX đã đi vào hoạt động được 7 năm với 11 xã viên, tổng diện tích nuôi là 11 ha. Năm 2018, sản lượng cá thương phẩm đạt 136 tấn, thu hơn 3,5 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa và sen.

Ông Dương Văn Phong, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: "Năm nay, chúng tôi chọn HTX Thắng Lợi để triển khai kỹ thuật nuôi cá theo quy trình VietGAP. Xã viên sẽ được hỗ trợ một phần giá giống, máy tạo ô xy, chế phẩm xử lý môi trường, thiết bị đo chỉ số ao nuôi…".

Học cách làm của HTX Thắng Lợi, hiện nay nông dân xã Đồng Phúc đã mạnh dạn liên kết, thành lập thêm 4 HTX gồm: Hoàng Phúc, Cao Đồng, Đồng Nhân, Việt Thắng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật nuôi cá đã được ứng dụng, những thiết bị như máy tạo ô xy, máy đo chỉ số môi trường ao nuôi cũng đã được bà con áp dụng hiệu quả. Nhờ đó, mặc dù diện tích không tăng nhưng sản lượng cá hằng năm đều tăng. Ông Đặng Đình Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết: “Hiện toàn xã có gần 200 hộ nuôi cá với tổng diện tích mặt nước gần 60 ha. Thời gian tới, UBND xã sẽ tạo điều kiện để các HTX kết nạp thêm thành viên, tiếp tục đẩy mạnh liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và doanh thu từ nuôi cá”.

Mong liên kết đầu ra cho sản phẩm

Thành lập HTX Thắng Lợi, Giám đốc Ba có cơ hội đi Thái Lan, Nhật Bản, Sing-ga-po, Ma-lai-xi-a tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đầu ra cho con cá ở Đồng Phúc còn bấp bênh, chưa có sự liên kết bao tiêu sản phẩm, chủ yếu do thương lái đến thu mua bán lẻ ra thị trường. 

{keywords}

Thủy sản là ngành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Dũng. 

“Chính phủ các nước có cách bảo hộ người chăn nuôi rất hiệu quả; các bếp ăn tập thể, bếp ăn công ty… đều phải sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; vì vậy họ liên kết với các trang trại chăn nuôi để bảo đảm cung ứng. Ở Việt Nam, các bếp ăn công nghiệp tiêu thụ thực phẩm theo kiểu đấu thầu, giá rẻ thì trúng nên chúng tôi rất khó cạnh tranh. Chúng tôi hoàn toàn có thể áp dụng được các biện pháp kỹ thuật như nước bạn, làm tốt 3 khâu (môi trường nước, giống, thức ăn) để cho ra những loại cá có chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng anh em xã viên vẫn động viên nhau cứ vận hành HTX cho tốt, chắc chắn sau này, khi Nhà nước siết chặt việc quản lý nguồn gốc thực phẩm, HTX sẽ có nhiều cơ hội phát triển” - Giám đốc Trần Văn Ba khẳng định.

Nhìn bóng họ bên những bờ ao, cá lấp lóa trong ánh chiều vàng, bu tròn trong vòng lưới, tôi cảm nhận được niềm vui của những nông dân khi vùng quê chiêm trũng đã thực sự nở hoa nhờ nuôi cá.

Lục Nam: Sản lượng thủy sản tăng cao
(BGĐT) - Năm 2018, sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện Lục Nam ước đạt hơn 7,6 nghìn tấn, tăng 229 tấn so với năm trước. 
 
Thúc đẩy thương mại về nông, lâm, thủy sản giữa các nước ASEAN+3
Ngày 10-10, tại Hà Nội, Hội nghị các quan chức cấp cao nông lâm nghiệp ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã khai mạc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng nông, lâm nghiệp ASEAN+3 (AMAF+3) lần thứ 18 dự kiến diễn ra ngày 12-10.
 
Hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập do mưa lũ
(BGĐT)-Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) Bắc Giang, do ảnh hưởng của mưa lũ mấy ngày qua, toàn tỉnh có hơn 100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Tân Yên là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với tổng diện tích bị ngập úng gần 93 ha. 
 
Thắng Cương mở rộng diện tích thủy sản
(BGĐT) - Trước kia, không nhiều người dân xã Thắng Cương (Yên Dũng) dám nghĩ đến phát triển thủy sản do những bất lợi về điều kiện tự nhiên. Vậy mà giờ đây, với tổng số hơn 30 ha mặt nước, Thắng Cương trở thành một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện.
 
Yên Dũng: Vùng nuôi thủy sản tập trung chưa phát huy hiệu quả
(BGĐT) - Đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng từ  khi hoàn thành đến nay, dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không phát huy được hiệu quả như mong đợi. 
 
Doanh thu từ sản xuất thủy sản đạt hơn 180 tỷ đồng
 (BGĐT) -  Huyện Tân Yên (Bắc Giang) có hơn 1,4 nghìn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. 
 
Bắc Giang: Sản lượng thủy sản tăng gần 2 nghìn tấn
(BGĐT) - Toàn tỉnh hiện có 12,4 nghìn ha mặt nước nuôi thủy sản theo phương pháp thâm canh và bán thâm canh, tăng 100 ha so với năm ngoái. Diện tích này tập trung tại các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang.
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...