Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ông Nguyễn Văn Dựng: Bốn mùa “ong thợ” giữa trời

Cập nhật: 14:04 ngày 21/12/2018
(BGĐT) - Đợt rét đậm của tháng cuối năm làm cái lạnh dưới chân núi Huyền Đinh, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang) thêm tê tái. Ấy vậy mà trên mái đền thờ  Vua Thần Nông- một công trình quan trọng trong quần thể khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, ông Nguyễn Văn Dựng (SN 1953), thôn Chản Đồng, xã Yên Sơn (cùng huyện) vẫn cần mẫn như chú ong thợ, tỉ mỉ lắp ráp từng miếng ngói để sớm hoàn thiện công trình.

Bỏ nhà máy làm thợ xây dựng

16 tuổi, Nguyễn Văn Dựng theo nhóm lao động trong vùng đăng ký theo học tại Trường Lắp máy số 2, Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (nay là Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc). Sau ba năm, ông được phân công về làm công nhân tổ lắp máy. Cũng thời điểm đó, cha mẹ qua đời, ông trở thành lao động chính trong nhà, gánh vác mọi việc từ lớn đến nhỏ.

{keywords}

Năm 1971, 1972, các tỉnh miền Bắc phải hứng chịu những đợt rải bom B52 dữ dội của giặc Mỹ, nhà máy cũng tan hoang. Các dây chuyền, xưởng sản xuất, lò hơi hầu như bị hư hỏng. Công việc khôi phục lại mất nhiều thời gian, đó cũng chính là giai đoạn gian nan nhất. Việc ít, thành phẩm chẳng có bao nhiêu, nhiều công nhân phải xin nghỉ việc, kiếm sống bằng nghề khác. Năm 1976, người thợ bậc ba Nguyễn Văn Dựng nghỉ việc, theo cánh thợ xây rồi gắn bó với nghề lợp mái chùa, đình, đền từ đấy.

Vào nghề muộn, ông Dựng theo cánh thợ bôn ba khắp nơi để học nghề. Ban đầu ông Dựng chỉ được phân làm phu hồ, gánh ngói, chở nguyên vật liệu. Lâu dần, ông Dựng thích thú với cách người thợ cả tạo hình đầu đao, mái, nóc đình, chùa; say mê với những hoa văn ở các công trình tâm linh. Ông mày mò tìm hiểu rồi bắt chước làm theo. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Dựng.

Để làm được công việc này, người thợ phải hiểu về văn hóa dân gian, lại cộng thêm tính kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ. Phần lớn công việc đều làm thủ công nên thời gian hoàn thành cũng kéo dài, có khi đến vài tháng. Ông Dựng đến, gắn bó với nghề như duyên nợ. Cứ đi làm thì ông "khỏe như vâm", hễ nghỉ ở nhà thì mệt mỏi, uể oải.

Hơn 40 năm, số đình, chùa, đền ông Dựng tham gia xây dựng, cải tạo không đếm xuể. Khi được hỏi, ông chỉ xua tay: “Tôi không nhớ hết đâu, mà kể ra để làm gì, công việc hằng ngày của mình mà. Đã làm nghề liên quan đến tâm linh thì cần giữ tâm sáng, đừng toan tính thiệt hơn”. 

Tính sơ sơ, mỗi năm, ông nhận 3 đến 4 công trình tu sửa, tôn tạo, lợp mới mái đình, đền, chùa. Nếu hỏi bất kỳ cụ cao niên nào ở huyện Lục Nam về tay nghề lợp, tu sửa mái chùa theo lối xưa thì dường như ai cũng biết ông Dựng. Cứ đi đến đâu, ông Dựng “nhặt” thợ phụ đến đó. Khi thì tham gia tu sửa, tôn tạo chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), lúc ở chùa Chản, chùa Cẩm Lý (Lục Nam), chùa Trăm Gian (Hải Dương)… giờ thì ở đền thờ Vua Thần Nông. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Dựng.

Được biết, đền thờ Vua Thần Nông là một địa điểm nằm ở khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động). Lễ khánh thành và khai hội đền thờ Vua Thần Nông là một trong số những sự kiện quan trọng nằm trong Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2019 với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”. Ông Dựng cùng nhóm thợ đang đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi phục vụ du khách thập phương.

Gian nan đời thợ

Đôi bàn tay gân guốc, khéo léo cài từng viên ngói chiếu rồi lợp lên một lớp ngói mũi tạo hình cong cho phần mái của đền thờ Vua Thần Nông khiến người ta liên tưởng ông giống như người nghệ sĩ đang biểu diễn một loại hình nghệ thuật nào đó. Người ngoài cuộc có lẽ khó tưởng tượng hết công việc của ông Dựng cùng nhóm thợ nên tôi quyết định thử thách bản thân. 

{keywords}

Phút giải lao của ông Nguyễn Văn Dựng và nhóm thợ.

Dỡ bỏ đồ đạc cho nhẹ bớt, tôi quyết định leo lên mái công trình đền thờ Vua Thần Nông. Mặc dù đầu đã đội mũ, mặc áo bảo hộ lao động và đeo dây an toàn song đôi chân không khỏi ngượng ngùng, run rẩy. Ở độ cao hơn 3 mét so với mặt đất, từng cơn gió rít mạnh như muốn thổi tung mọi thứ càng làm đôi chân của tôi run lên từng hồi.

Ấy thế mà ngày nào ông Dựng cũng leo thoăn thoắt, đội nắng, vượt gió, tỉ mỉ xây, lợp mái đền. Ông Dựng cười nói: “Làm mãi rồi cũng quen nhưng khó khăn nhất có lẽ là vào những ngày trời mưa phùn, công việc nguy hiểm, vất vả hơn". Việc xây dựng đình, đền, chùa bao gồm nhiều công đoạn, phần việc. 

{keywords}

Mái đền thờ Vua Thần Nông được nhóm thợ của ông Dựng thi công.

Sau khi cơ bản xong phần mộc, công việc của ông Dựng là tạo hình cho phần mái. Muốn có phần mái đẹp, đồng thời để đình, chùa mang dáng dấp xưa, việc khó nhất là đắp các tượng rồng, nghê trang trí vì nếu không biết được điển tích, không có tay nghề, người thợ sẽ tạo ra những sản phẩm lỗi, khó làm lại.

Với mỗi công trình, ông Dựng chia ra làm 5 đến 6 phần việc thi công. Đầu tiên là tạo hình đầu đao - đây được cho là phần việc khó nhất, tốn nhiều thời gian nhất; sau đó khớp nối phần đầu đao và phần mái để tạo độ cong vừa phải, hợp lý. Hầu hết các đình, đền, chùa đều được thiết kế, xây dựng theo lối kiến trúc cổ thời Lý, Trần. Chính vì vậy, khi thi công, người thợ phải tính toán cẩn thận, chi tiết để đầu đao và mái “gặp nhau”. 

{keywords}

Lợp mái đao là công đoạn mất nhiều thời gian nhất.

Nếu lợp không đúng kỹ thuật, mái đình, chùa không có độ cong tự nhiên, ngói mũi không đều, ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ của công trình. Đình, đền, chùa có diện tích càng nhỏ, việc thi công phần mái càng khó. Có lần, ông Dựng mất ngủ mấy đêm. Để hiểu được nguyên tắc cũng như kỹ thuật lợp mái, ông còn rong ruổi sang các chùa lớn ở tỉnh Bắc Ninh để vẽ lại chi tiết, học hỏi cách làm của nghệ nhân xưa.

Đình, đền, chùa ở địa phương hầu hết được làm theo kiến trúc thời Lý, Trần. Để lợp mái đình, đền, chùa như nét xưa, người thợ không những phải thao tác chính xác mà còn có con mắt nghệ thuật để tạo hình cho phần đầu đao, mái. Vì vậy, không chỉ học của những người thợ lành nghề đi trước, ông Dựng còn tìm đến các ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc để nghiên cứu, học hỏi.

Nghề nào cũng vậy, dù có cẩn thận đến đâu thì cũng không tránh khỏi hết rủi ro. Nhắc lại năm mới vào nghề, giọng ông Dựng trầm hẳn xuống. Lúc đó, ông cùng cánh thợ nhận công trình của nhà dân để tăng thu nhập. Do phần mái nhà bị mục ruỗng nhiều, vừa mới leo lên đến nơi, ông Dựng ngã nhào từ độ cao hơn 3 mét xuống đất. Toàn bộ bả vai bị chấn thương, ông phải nằm một chỗ mất gần 4 tháng. 

Sau tai nạn ấy, gia đình một mực ngăn cản nhưng ông vẫn quyết gắn bó với nghề. Chuyện xước chân, tay là “việc thường ngày” với những người làm nghề xây dựng nói chung, bản thân ông Dựng nói riêng. Đôi bàn tay chằng chịt những vết sẹo, chỗ này chưa khỏi, chỗ khác vừa mới. Cả đời lợp mái đình, chùa đã giúp ông vững về kinh tế, có tiền nuôi các con ăn học, rồi xây nhà, mua sắm đồ đạc. Với những thợ cả như ông Dựng, tiền công cũng lên tới 400 đến 500 nghìn đồng/ngày.

Bữa cơm trưa của ông Dựng cùng nhóm thợ đơn giản được bày ra ngay chân công trình. Giờ đây, những người bạn nghề cùng thời với ông nay đã “giải nghệ”, người về trồng rau, chăm gà, người trông cháu nội, ngoại. Ông Dựng là một trong số ít người thợ cao niên còn bám trụ với nghề. Có tay nghề nên không thiếu việc, chưa xong công trình này đã có người đặt làm công trình khác. 

{keywords}

Ông Dựng lợp mái đền thờ Vua Thần Nông.

Yêu nghề của cha, con trai ông Dựng là anh Nguyễn Văn Đạo (SN 1984) cũng gắn bó với nghề đã gần chục năm. Trong câu chuyện với tôi, ông Dựng chia sẻ, chỉ mong trời ban cho sức khỏe để tiếp tục làm nghề, truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống.

Kỳ bí suối nước trong vắt, cá lúc nhúc giữa rừng thẳm
Dòng nước trong vắt, nhìn rõ sỏi đá, bỗng nhiên cá ở đâu kéo đến đen kịt dòng nước, tranh cướp mồi xôn xao cả dòng nước bạc.
 
Bí ẩn giống chè cổ Tây Yên Tử
(BGĐT)- Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tưởng chừng đã được con người khám phá hết. Nhưng núi rừng tự nhiên luôn ẩn giấu những điều kỳ thú mà nếu có cơ duyên sẽ biết được một phần rất nhỏ bí mật của đại ngàn. Chỉ từ một mẩu thông tin trong câu chuyện tưởng chừng như vu vơ, chúng tôi liền lên đường, bắt đầu hành trình đi tìm loài chè cổ thụ đang còn tồn tại ở rừng nguyên sinh Tây Yên Tử.
 
Bồng bềnh “hồ trên núi”
(BGĐT) - Chọn một ngày Chủ nhật khi thời tiết chuyển dần sang lạnh, cả nhóm mang ba lô lên hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Chúng tôi chọn tuyến đường từ thị trấn Chũ, vượt Đèo Cạn để vào xã Sơn Hải, nếu đi xe máy hết gần ba giờ đồng hồ. 
 
Chuyện ly kỳ về rắn khổng lồ nặng 300 - 400 kg ở núi Cấm
Có người từng gặp cặp rắn khổng lồ, to bằng cây thốt nốt già, nặng chừng 300 - 400 kg, bò chắn ngang tỉnh lộ 948, từ núi Bà Đội Om sang núi Cấm, chặn đầu một chiếc xe khách.
 
"Cá chép ma" không vảy nuôi trên sông, thịt giòn như tràng lợn
Loài cá chép kỳ lạ này không những hoàn toàn không có vảy mà thịt lại thơm ngon, giòn ngọt như tràng lợn.
 
Chị Hà Thị Chanh: Nâng tầm dược liệu quê nhà
(BGĐT) - Phía Tây của dãy Yên Tử từ bao đời nay được ví như một “kho” thuốc nam khổng lồ, nhiều loại chỉ có thể tìm thấy ở đây hoặc có dược tính cao nhất khi sinh trưởng trong tinh túy trời đất nơi này.
 
Vị tiến sĩ có thể ngửi mùi rắn đang ở gần mình
Từ tình yêu đặc biệt với loài rắn mà TS. Nguyễn Thiên Tạo, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đã trở thành chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam. 
 
Ly kỳ chuyện "yểm trinh nữ" giữ kho vàng trong ngôi mộ khổng lồ ở Quảng Ninh
Theo ông Thinh, anh chàng soi ếch chui vào hầm mộ lấy vàng và đã gặp "trinh nữ", tức thần giữ của và bị ám hại, mới bị tâm thần như thế.
 

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...