Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang - một vùng ký ức

Cập nhật: 13:40 ngày 31/08/2018
(BGĐT) - Ngày bé, một năm ít nhất hai lần, vào những ngày hè và dịp Tết, tôi được bố mẹ cho đi tàu hỏa về quê ở phố Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), một thị trấn vùng trung du. Trong những chuyến đi ấy, thường có gia đình ông chú ruột tôi, họa sĩ Tạ Thúc Bình đi cùng. Như vậy cũng có nghĩa là lũ trẻ lau nhau con chú, con bác chúng tôi lại được dịp tụ tập, ngay từ lúc khởi hành. 

Dạo ấy, gia đình chú tôi ở ngay trong khuôn viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nơi chú thím tôi làm việc suốt từ năm tiếp quản Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu. Cha tôi thường đưa anh em chúng tôi lên nhà chú bằng xe đạp, rồi tất cả bầu đoàn thê tử đi bộ ra ga Hàng Cỏ, lên tàu về Kép.

Đi tàu về quê không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng vậy, tàu cứ rời ga Sen Hồ một lúc là lũ trẻ con chúng tôi được chú gọi ra đứng bên cửa sổ. Sầm sập, ào ào, lắc lư… tàu qua Mỹ Độ, lăn bánh vào cây cầu sắt bắc ngang dòng sông Thương. Lần nào cũng vậy, cha tôi hoặc chú thường chỉ cho chúng tôi nhìn thật kỹ sông Thương nước chảy đôi dòng ra sao. Thời gian tàu chạy qua cầu chỉ mấy phút nhưng những cặp mắt trẻ thơ của chúng tôi cũng kịp nhận ra đúng là con sông Thương đoạn chảy qua thị xã Bắc Giang chia thành hai dòng rõ rệt. 

{keywords}

Một nét Bắc Giang. Ảnh: VIỆT HƯNG

Phía bờ Nam, hướng từ Hà Nội lên thì vàng hực phù sa, bên phần bờ còn lại xanh trong vời vợi. Sau này tôi mới biết hiện tượng đặc biệt đó là do sự hợp lưu của sông Sim, chảy từ vùng đồng chiêm các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa mang nặng phù sa nên có màu như vậy. Phải quãng gần trăm mét chỗ qua thị xã Bắc Giang đôi dòng mới hòa làm một. 

Hiện tượng kỳ thú này là đề tài cho biết bao tác phẩm thi, ca, nhạc họa. Cũng nhờ chú mà tôi biết xuất xứ tên con sông Thương, chỗ hàng trăm năm trước những người lính ra miền biên viễn phải từ biệt vợ con theo tiễn. Chắc không ít nước mắt của những chinh phu, chinh phụ đã nhỏ nơi bến sông này để nó có cái tên đầy thương đầy nhớ ấy.

Và chính chú tôi, dù là một họa sĩ với tâm hồn nghệ sĩ cũng có những câu thơ tay trái về dòng sông này:

Thương ơi Thương!

Tôi lại về với sông Thương.

Nước chảy đôi dòng lưu luyến vấn vương

Nhìn sông bâng khuâng nhớ chuyện cũ

Tình ơi tình, thương hỡi thương là thương…

(Từ một dòng sông Thương- Thơ Tạ Thúc Bình.)

Qua cầu một đoạn, tàu bắt đầu giảm tốc độ để vào ga Bắc Giang, nơi sẽ có những người bán hàng rong với tiếng rao quen thuộc: Ai nước vối nóng đây, ai xôi nén giò chả đây… Đến giờ, khi đã ngoại lục tuần, con cháu đủ đầy, tôi mới hiểu tấm lòng của cha, chú tôi khi ấy. Các ông muốn con cháu mình hiểu và truyền cho chúng tôi tình yêu quê hương bản quán. Với chú tôi, đó cũng là điều đã làm nên hồn cốt những bức tranh của ông.

Trong ký ức trẻ thơ của tôi, Bắc Giang đơn giản chỉ là vậy. Chỉ có vậy nhưng không hiểu sao cứ nói đến địa danh Bắc Giang là tôi lại thấy xốn xang trong lòng. Dễ có đến mấy chục năm cái tên Bắc Giang dường như bị hòa lẫn vào địa danh Hà Bắc. Theo ngôn ngữ hành chính thì quê tôi ở Kép, Lạng Giang, Hà Bắc. Vậy mà mỗi khi được hỏi về quê hương bản quán, tôi đều xưng mình quê Bắc Giang mà chẳng hề bật ra cái địa danh Hà Bắc.

Lại nói về những chuyến về quê. Là giảng viên trường mỹ thuật nên chú tôi có thời gian rảnh rỗi vào những ngày hè. Khi cha tôi phải về Hà Nội thì ông hay nán lại quê ít hôm cùng lũ lau nhau chúng tôi. Không bao giờ tôi quên những ngày hè thuở ấu thơ ấy. Chúng tôi tha hồ trèo ổi, lên đồi hái sim, thơ thẩn bên cầu ao câu cá, lấy chiếc cần câu bôi nhựa mít dính con chuồn chuồn ngô đang ngủ gật trên ngọn cây cao tít… 

Bao giờ cũng vậy, sau một ngày nghịch ngợm, đất cát, chúng tôi được người lớn đưa ra cái giếng có thành xây bằng gạch, sâu hút, nước trong vắt, mát rượi. Vui nhất là những bữa cơm chiều. Mấy chiếc chiếu được trải ra sân gạch được quét sạch sẽ. Lũ trẻ chúng tôi chí chóe tranh nhau ngồi gần bà nội mà mắt vẫn canh chừng nhìn ra phía đường tàu để xem một “tiết mục” hấp dẫn: Người công nhân nhà ga leo lên treo chiếc đèn tín hiệu lên cột cao ven đường tàu. Và bao giờ cũng vậy, cả lũ lại đồng thanh: Chúng cháu mời ông treo đèn ăn cơm ạ!

Những ngày hè ấy, ngoài những lúc trò chuyện với bà nội hay lúc đưa chúng tôi đi tắm buổi chiều, ông hay đi dạo đây đó quanh vùng, trong tay thường có cây bút chì, cuốn sổ ký họa. Cũng có lúc ông bắc ghế ngồi thật lâu bên cầu ao, dưới bóng mát cây ổi còng, ngắm một chú ong đang lượn vòng bên nụ mướp vàng vừa đậu quả. Chính trong những lần về quê như thế, tôi được nghe mà là nghe lỏm trong lúc quẩn quanh bên chiếu rượu của cha tôi cùng mấy ông chú, về sự ra đời của một bức tranh của chú mà sau này lớn lên, có chút hiểu biết tôi rất thích, bức "Mùa lúa chín".

Đó là những ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Chú tôi về thăm bà nội tôi từ ATK Đại Từ (Thái Nguyên). Lúc qua cánh đồng làng Yên Thịnh, xã Tân Thịnh cùng huyện Lạng Giang, ông chợt sững sờ trước cánh đồng lúa chín rực một màu vàng no ấm. Nổi bật trên nền màu vàng no ấm của cánh đồng là mái ngói nâu sẫm của ngôi điếm canh cùng màu xanh mát của tán đa cổ thụ cùng những người nông dân đang gánh lúa trĩu nặng về làng. 

Đây cũng là vùng quê mà ông từng gắn bó với kỷ niệm về những ngày hội làng, đình đám, những phiên chợ quê… Với tâm trạng hứng khởi trước tin chiến thắng và cảm xúc trước phong cảnh quê hương, ông dựng giá vẽ và hoàn thành bức tranh trong một buổi. Bức tranh này sau được đưa đi trưng bày tại triển lãm toàn quốc năm 1954, rồi triển lãm của 12 nước XHCN anh em, và chụp in tại Liên Xô, Trung Quốc. Rất tiếc là bức tranh được một nhà sưu tập nghe đâu ở phố Lãn Ông mua, sau này không biết lưu lạc ở đâu.

Nghề báo đưa tôi đi nhiều nơi, cả trong và ngoài nước đến những vùng đất nổi tiếng với những cảnh sắc hấp dẫn. Vậy mà trong tôi vẫn không phai những kỷ niệm cùng hình ảnh về phong cảnh vùng quê miền trung du, những nét đẹp không chỉ được lưu trong ký ức của những người con xa quê mà còn ở những bức tranh đượm hồn quê của chú tôi, họa sĩ Tạ Thúc Bình. Trong thâm tâm, tôi thầm biết ơn cha, chú đã sớm truyền cho tôi một tình yêu quê hương, mà nhờ nó, con người ta luôn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Giờ thì ít ai đi tàu hỏa từ Hà Nội đi Bắc Giang. Đường cao tốc mở ra, khoảng cách về quê như ngắn lại. Và trên con đường ấy, tôi lại đưa cháu, con mình về quê, lại nói với chúng về vùng đất với những địa danh giản dị mà đầy kỷ niệm như phố Tráng, bến Tuần rồi Kế, Chũ, Kép, Mẹt, Cháy... 

Mong sao trong ký ức của chúng, bên cạnh một vùng đất đang đà phát triển, với những con đường cao tốc phẳng lì, quảng trường thênh thang, khu công nghiệp hiện đại… vẫn còn những hình ảnh về một vùng quê thân thương, bình dị, nơi mà cha ông chúng đã sinh ra, lớn lên và gắn bó. Đó cũng là nơi đã dung dưỡng tâm hồn, sinh ra họa sĩ tài danh Tạ Thúc Bình, mà người Bắc Giang vốn trọng ân tình đã lấy tên đặt cho một con đường rợp bóng cây xanh trong một khu đô thị mới, hiện đại.

Những ký ức về một miền đất trung du thân thương với cảnh sắc và con người giản dị, chân chất thuở ấu thơ cùng những cảm nhận về một Bắc Giang đang trên đường đổi mới đã cho tôi một niềm tin để có thể tự hào mà nói: Tôi là người Bắc Giang!

Tạ Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...