Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dành cả tuổi trẻ cho rừng xanh

Cập nhật: 15:15 ngày 01/12/2017
(BGĐT) - Hơn 20 năm trước, chuyện anh Nguyễn Đức Thống (SN 1975) ở thôn Dẫm Chùa, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bỏ khoản tiền đủ mua mấy lô đất mặt đường để "tậu" một khoảnh rừng tận nơi heo hút trên dãy Huyền Đinh đã khiến nhiều người bất ngờ. Vậy mà đến nay anh đã chứng minh cho mọi người thấy, quyết định đó là sáng suốt.

{keywords}

Anh Nguyễn Đức Thống.

Những năm 90 của thế kỷ trước, dãy núi Huyền Đinh bạt ngàn chỉ toàn cỏ dại, bông lau, củi tạp, là nơi người dân vẫn thả trâu, bò, dê và thi thoảng lại xảy ra cháy rừng. Đó là chuyện của quá khứ, ngày nay, trên cánh rừng ấy đã được bao phủ một màu xanh mướt tràn đầy sức sống từ thông, keo ngút tầm mắt. Anh Nguyễn Đức Thống là một trong số ít người tiên phong lên đây khai hoang, lập nghiệp, góp sức cho rừng xanh trở lại.

Đi Tây vẫn quay về rừng

Một người thân của anh Thống dẫn chúng tôi vượt cung đường đèo trơ toàn sỏi đá đến nơi vợ chồng anh đang lập nghiệp. Biết có khách, anh chị vồn vã từ trên núi về tiếp đón khách nhưng chỉ kịp uống vội chén nước rồi chúng tôi theo họ lên thăm rừng thông đang vào chu kỳ cho khai thác nhựa. Chỉ tay về khu rừng xanh trước mặt, người đàn ông tuổi Ất Mão nói đầy hào sảng: "Thật không thể tưởng tượng được, cả dãy núi Huyền Đinh trơ trọi ngày nào giờ được bao phủ bằng những tán cây đã vươn cao ngút trời, "phép màu" đó chính là hiệu quả từ chính sách giao khoán đất rừng cho dân của Đảng, Nhà nước”. 

Nhớ lại những ngày đầu lên rừng, anh Thống bảo: "Lúc ấy (năm 1994) tôi còn trẻ, sống độc thân ở một nơi đúng nghĩa là "khỉ ho cò gáy", mênh mông toàn cỏ dại, trời đất hoang vu, điện không có, đường thì không, mọi thông tin với thế giới bên ngoài dường như bị cắt đứt, đi xuống chợ mất nửa ngày nên ngại và cứ ở miết trên này, lâu lâu người nhà gửi đồ tiếp tế hoặc nhắn nhủ, thông tin qua những người đi rừng". 

{keywords}

Cánh rừng của gia đình anh Thống.

{keywords}

Nhờ rừng mà có của ăn của để, sửa nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Tiền dành dụm được chúng tôi đầu tư cho các con học tập, tích lũy tri thức làm giàu cho gia đình, xã hội. Điều tôi vui nhất là các con đều chăm ngoan, học khá". 


Anh Nguyễn Đức Thống

Từ chân núi phải mất nhiều giờ leo bộ qua ghềnh, suối, lối mòn mới đến nơi và mọi thứ phải gồng gánh trên vai từ cây giống, phân bón, công cụ lao động đến đồ dùng sinh hoạt. Đã có lúc anh định bỏ rừng để ra ngoài gần gia đình nhưng đắn đo mãi rồi nghĩ nhà đông anh em nên vẫn tự nhủ phải bám rừng. Thật may, năm 1998, dự án PAM (trồng rừng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới) và năm 2002, dự án hỗ trợ trồng rừng của Đức đã tiếp thêm động lực cho anh. Được Nhà nước giao tổng cộng 13,8 ha rừng, vợ chồng anh hăm hở nhận và không bao lâu toàn bộ diện tích này đã phủ xanh. Năm 1999, anh lấy vợ, sau đó sinh con rồi gửi lại dưới làng để bà nội chăm. Hằng ngày, hai vợ chồng gánh cây giống lên trồng, chăm chỉ phát cỏ, cắt tỉa cành, thấm thoắt, cây bén rễ, vươn xanh. Lúc này, anh chị trồng vườn vải thiều, nuôi thêm đàn dê, gà, xới đất canh tác khoai, sắn, hoa màu... 

Cuộc sống chưa giàu song cũng tạm ổn. Cứ như thế đã nhiều cái Tết gia đình họ không được đoàn tụ mà phải ở lại giữa rừng vì còn bận chăm sóc đàn vật nuôi. Năm 2003, anh Thống đi lao động tại Malaysia với kỳ vọng sẽ có cuộc sống khá hơn ở rừng nhưng chưa đầy ba năm anh về nước vì tính hiệu quả kinh tế không  bằng nghề rừng. Từ đó anh “một lòng một dạ” trở lại với rừng xanh.

Yêu rừng, rừng không phụ

Bên ấm trà bốc khói giữa ngày đông giá rét tại căn nhà tạm được vợ chồng anh dựng lên bằng những thanh gỗ phủ bạt, anh Thống ôn lại những “trang” ký ức đáng nhớ đời mình. Cảm nhận về anh là một người lanh lợi, hoạt bát, mạnh mẽ và rất am hiểu về rừng. Bố mất sớm, học hết lớp 6, anh Thống đã phải nghỉ học giữa chừng và cùng mẹ mưu sinh nuôi ba em ăn học. Năm 1994, chàng trai quê mùa có một quyết định đột phá khi bỏ 1,2 triệu đồng (tương đương 5 lô đất dưới làng) mua lại khu rừng là những bãi đất gập ghềnh nằm giữa thung lũng nhỏ và có nguồn nước. Anh dành thời gian cải tạo đất, đắp bờ, đào giếng, khơi mương dẫn nước và trồng vải thiều, ngô, khoai, sắn... Sau hơn hai chục năm, anh cùng một vài người (cũng lập nghiệp tại rừng) tự bảo nhau thuê máy mở một con đường mới để đi lại đỡ vất vả. Hơn hai mươi năm trôi qua, bước chân vợ chồng anh Thống đã thông thuộc từng ngõ ngách trong rừng sâu. Anh có thể đọc vanh vách tác dụng, công năng của bao loài "kỳ hoa dị thảo" ở đây. Vào mùa lấy sim, nhặt hạt dẻ hoặc làm nhựa thông cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày.

{keywords}
Anh Thống có nguồn thu lớn  từ chăn nuôi dê.

Hiện nay, thông đang thời kỳ phát triển nên hằng ngày vợ chồng anh chỉ việc vào rừng lấy nhựa; thả dê đã có nguồn thu lớn. Anh chị thuộc từng đặc tính của cây. Ngày nắng ấm cho nhựa nhiều, ngày rét cho ít hơn nên biết cách phân phối thời gian thu hoạch. Theo anh Thống, đã 6 năm nay, mỗi ngày gia đình anh đều thu được 70-80 kg nhựa thông. Sau một tháng tích đủ một xe tải, anh lại điện cho thương lái đến tận nơi mua với giá từ 32 - 36 nghìn đồng/kg. 

Như vậy, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu từ 2,2-2,8 triệu đồng từ nhựa thông. Đàn dê hiện có hơn 50 con, ước cho thu hơn 100 triệu đồng. Keo cũng bắt đầu tới kỳ thu hoạch. Anh Thống cho biết, hiện lượng gỗ keo của gia đình đạt gần 2 nghìn khối với giá bán tại chỗ thời điểm này khoảng 600 nghìn đồng/khối, gia đình anh thu hơn 1 tỷ đồng. Thành quả hôm nay có được từ sự tần tảo, nghị lực và cả tuổi trẻ của vợ chồng anh Nguyễn Đức Thống đã khiến mọi người khâm phục. Anh Thống tâm sự: "Nhờ rừng mà có của ăn của để, sửa nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Tiền dành dụm được chúng tôi đầu tư cho các con học tập. Điều tôi vui nhất là các con đều chăm ngoan, học khá".

Trong câu chuyện, anh Thống cho biết đang chuẩn bị cải tạo hơn 1 ha khu đất phẳng (nơi dựng lán ở) để trồng cây ăn quả như cam, bưởi. Đồng thời đầu tư chăn nuôi gà, lợn, dê để tăng thêm thu nhập, xây dựng địa điểm giao dịch thuận tiện.

Đáng chú ý, anh Thống rất quan tâm đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng. Toàn bộ nền chùa Mã Yên vừa được giới khảo cổ khai quật đều nằm trong diện tích rừng gia đình anh đã nhận khoán. Nhiều năm qua, anh luôn lưu tâm bảo vệ, gìn giữ và nhiệt tình hỗ trợ đoàn khảo cổ của T.Ư, tỉnh về khai quật vị trí chùa. Nhiều người nói vui, câu "có đức thỏa sức mà ăn" thật đúng với người chủ rừng này.

Thanh Hải - Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...