Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trường Sa trong trái tim tôi !

Cập nhật: 09:57 ngày 26/05/2017
(BGĐT) - Trường Sa không xa, đó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà với bất cứ ai được ra thăm những “cột mốc chủ quyền” giữa trùng dương. Trường Sa không xa bởi cuộc sống của quân và dân trên đảo luôn có sự đồng hành sẻ chia của đất liền, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với tấm lòng, niềm tin yêu của hơn 90 triệu người dân đất Việt.
{keywords}
Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn.

Lâu nay, tôi chỉ biết đến Trường Sa qua những hình ảnh, thước phim tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã bao lần tôi mơ ước được đến để tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của những người con đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước nơi đảo xa. Mới đây, tôi đạt được nguyện vọng khi tham gia đoàn công tác số 11 thăm và làm việc với quân, dân huyện đảo Trường Sa đúng dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam 7-5 (1955-2017). 

Tàu KN 491 xuất phát từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đưa hơn 200 đại biểu thuộc nhiều đơn vị ra thăm Trường Sa sau lễ xuất quân trang trọng. Thật khó có thể diễn tả tâm trạng của mọi người khi tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa. Hơn hai ngày đêm giữa mênh mang sóng nước, tôi không rõ qua bao nhiêu hải lý, chỉ biết giữa trùng dương bao la khi có nắng, có gió, cả cơn mưa bất chợt, những đợt sóng lớn đập vào mạn tàu bọt tung trắng xóa. Giữa bao la biển cả, cánh hải âu dập dờn, đàn cá heo nô đùa bơi theo tàu, lần đầu tiên tôi được đón bình minh đỏ, ngắm hoàng hôn tím, rồi cả trăng Rằm trên biển, cảm giác lâng lâng thật thú vị.

{keywords}

Đảo Trường Sa lớn.

Điểm đầu tiên tàu thả neo vào đảo Song Tử Tây. Đảo có hình bầu dục, nhìn từ xa như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Không khí buổi giao lưu văn nghệ giữa Đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum với cán bộ, chiến sĩ trên đảo diễn ra thật xúc động, niềm vui nhân lên, nỗi nhớ được sẻ chia, đã có nhiều giọt nước mắt rơi. Rời đảo Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục đến các đảo Đá Thị, Sơn Ca, Len Đao… Thật cảm động khi tại đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn, tôi gặp vài chiến sĩ đồng hương Bắc Giang, trong đó cháu Đỗ Thành Công, quê xã Trù Hựu (Lục Ngạn), 20 tuổi đời với gần 300 ngày đêm gắn bó với đảo. “Nhớ nhà lắm chứ cô! Vì nhiệm vụ nên chúng cháu không để một phút lơ là mất cảnh giác”. 

{keywords}
Lớp học trên đảo Song Tử Tây.

Còn Lê Văn Thành, quê thị trấn Nếnh (Việt Yên) ở đảo Sinh Tồn làm công tác kỹ thuật từ năm 2003 đến nay đã 5 lần ra đảo, lần nào cũng thấy vui! Trên boong tàu thuộc khu vực đảo đá Cô Lin và nhà giàn Huyền Trân (DK1/7) thềm lục địa phía Nam, đoàn tổ chức Lễ tưởng niệm, dâng hương, thả hoa trên biển, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Nơi đây ngày 4-3-1988, cán bộ, chiến sĩ hải quân đã kiên cường bám đảo đến phút cuối cùng, 64 chiến sĩ đã ngã xuống khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma. Những nén hương thơm, đóa cúc vàng rực rỡ, những con hạc giấy được thả xuống mặt biển thay lời tri ân của mỗi người. Không có giá trị nào cao hơn sự cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, tôi không kìm được lòng mình và đã khóc. Tôi nhớ tới bố tôi, một liệt sĩ đặc công nước, ông đã nằm lại ở đâu đó dưới sông hay nơi cửa biển, trên dọc dải đất hình chữ S này. Cầu mong cho linh hồn của bố, các liệt sĩ được siêu thoát, thanh thản.

{keywords}

Đến thăm Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân).

Có lẽ hiếm có cuộc gặp gỡ giao lưu nào nhiều cảm xúc như ở nơi này. Những gương mặt rạng rỡ, lời thăm hỏi ân cần, cái bắt tay rất chặt. Thật cảm động khi những người lính trẻ tầm tuổi con tôi xúm xít nắm chặt tay gọi bằng mẹ. Nước mắt tôi chỉ trực tuôn. Vì Tổ quốc, các con đang phải xa quê hương, xa vòng tay người thân ra làm nhiệm vụ nơi đầu sóng. Vượt lên tất cả, đối mặt với muôn vàn khó khăn, quanh năm phải chống chọi với giông tố giữa biển khơi, cả khi quân thù rình rập, họ vẫn giữ trọn niềm tin, niềm tự hào là người lính nơi tuyến đầu. 

{keywords}
Diễu binh trên đảo Song Tử Tây.

Trường Sa dù xa xôi nhưng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo hôm nay gần như ở đất liền. Hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, nước ngọt đầy đủ. Trên các đảo, nhà giàn, chiến sĩ trồng rau xanh, tăng gia nuôi cả bò, lợn, chó, mèo, cây cảnh… Các xã đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa lớn đều có trường học. Ở một số đảo còn là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ vào trú ẩn khi giông bão, hoặc chữa bệnh cấp cứu, có dịch vụ sửa chữa, hậu cần cho tàu cá của ngư dân và nơi cung cấp nước ngọt miễn phí.  

Điểm cuối cùng chúng tôi đến thăm là Nhà giàn DK1/7 mang tên Huyền Trân nằm trên thềm lục địa phía Nam hợp với nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần) thành một nhóm. Câu chuyện về những chiến sĩ giữ nhà giàn DK1/3, biểu tượng của lòng quả cảm hy sinh vì nhiệm vụ khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào.

{keywords}

Giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao.

…Trường Sa xa dần trong sóng nước mênh mông, khuất dần sau những con sóng bạc đầu. Những cây bàng vuông, những cánh hoa san hô- quà tặng của chiến sĩ và nhân dân trên đảo sao thân thương, gần gũi đến thế. Xa Trường Sa rồi nhưng trong đầu tôi luôn vang lên câu khẩu hiệu mà khi chia tay mọi người đều hô vang: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Đúng! Trường Sa sẽ luôn trong trái tim tôi.

Nguyễn Thị Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...