Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chấn chỉnh hoạt động của văn phòng công chứng

Cập nhật: 09:23 ngày 29/01/2019
(BGĐT) - Đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức và góp phần bảo đảm tính pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch, ngày càng có nhiều văn phòng công chứng được thành lập. Nhằm hạn chế sai phạm, Sở Tư pháp Bắc Giang đã thắt chặt quản lý các tổ chức hành nghề này. 

Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải thể Phòng Công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp và thành lập ba văn phòng công chứng tư nhân mới. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức tư nhân hành nghề công chứng với 32 công chứng viên. 

{keywords}

Công chứng viên Văn phòng công chứng Đào Duy Hoằng (Việt Yên) công chứng hợp đồng cho khách hàng.

Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm bớt gánh nặng về biên chế, nâng cao trách nhiệm của công chứng viên. Tuy nhiên, thông qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số sai phạm như chưa thực hiện đúng các quy định về lời chứng; việc lưu trữ hồ sơ chưa khoa học; thu, chi phí chưa đúng quy định. 

Ngoài ra, một số công chứng viên và công chức Tư pháp-Hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn không cập nhật các hợp đồng, giao dịch đã công chứng, chứng thực lên phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và Dữ liệu ngăn chặn. Vì thế, khi tiến hành giao dịch, bản thân công chứng viên khó nhận biết tài sản đó đã được tặng cho, mua bán hoặc thừa kế. 

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên do năng lực, trình độ của một số công chứng viên còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ các quy định về công chứng, chứng thực, chưa soát xét kỹ, thận trọng khi tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ, hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết: “Ngay khi phát hiện sai phạm, chúng tôi đã ban hành công văn chấn chỉnh, yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Cụ thể, yêu cầu đăng ký đúng các dịch vụ, trụ sở, biển hiệu; thực hiện quy định về lao động, thuế. Công chứng viên phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, quy tắc đạo đức hành nghề; lập, lưu trữ các mẫu sổ sách và hồ sơ theo quy định của Luật Công chứng".

Thực hiện sự chỉ đạo của ngành tư pháp, các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đã khắc phục những hạn chế. Mới thành lập từ tháng 10-2018, đến nay, Văn phòng công chứng Đào Duy Hoằng (Việt Yên) đã tiếp nhận, công chứng 180 hợp đồng, giao dịch và khoảng 2 nghìn lượt công dân đến chứng thực các giấy tờ, tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực như chuyển nhượng, mua bán tài sản, khai nhận di sản thừa kế, di chúc... 

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng cùng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cập nhật hơn 500 hợp đồng công chứng, chứng thực lên phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và Dữ liệu ngăn chặn, không có tình trạng một tài sản được giao dịch hai lần.

Ông Đào Duy Hoằng, Trưởng Văn phòng cho hay: "Dù mới thành lập nhưng các công chứng viên tại đây đều có trình độ đại học luật trở lên, dày dạn kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các công chứng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của ngành vì thế không để xảy ra sai sót". 

Mới đây, chị Đỗ Thị Soan ở thôn Râm, xã Tự Lạn (Việt Yên) đến văn phòng khai nhận di sản thừa kế của chồng. Tuy nhiên, chị chưa nắm rõ các quy định, thủ tục nên thiếu nhiều giấy tờ cần thiết. Ông Đào Duy Hoằng trực tiếp hướng dẫn chị chuẩn bị thêm giấy chứng tử của chồng và bố mẹ chồng, giấy khai sinh của các con. Sau đó, đơn vị niêm yết thông báo về di sản thừa kế của chồng chị Soan ở trụ sở UBND xã đúng quy định để bảo đảm không có tranh chấp. 

Hết thời gian niêm yết, công chứng viên giải quyết thủ tục cho chị đúng quy định. Cùng Văn phòng công chứng Đào Duy Hoằng, các văn phòng công chứng khác trên toàn tỉnh đều niêm yết phí, thù lao công khai. Chi phí phát sinh khác như phí đi lại, làm ngoài giờ, chất liệu giấy in được tính không vượt quá mức trần, thống nhất giữa các đơn vị, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.

Nhằm thắt chặt quản lý, hoạt động công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các tổ chức hành nghề công chứng và phòng tư pháp các huyện, TP chỉ đạo công chức Tư pháp-Hộ tịch cập nhật các hợp đồng, giao dịch đã công chứng, chứng thực vào phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và Dữ liệu ngăn chặn. 

Năm 2019, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, trao đổi, giải đáp thắc mắc về hoạt động công chứng, chứng thực cho người hành nghề. Quá trình làm việc, các tổ chức hành nghề cần chủ động cập nhật, sử dụng, khai thác công nghệ thông tin để ngăn ngừa rủi ro, sai sót. Khi tiếp công dân, công chứng viên cần tuyên truyền cho cá nhân, tập thể phải tôn trọng sự thật, khai đúng, đủ thông tin để tạo thuận lợi cho những khâu sau.

Mạc Yến

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Văn phòng công chứng giả mạo
Ngày 23-10, Công an quận 9, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Nga để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
 
Thực hiện quy định về công chứng, chứng thực ở cấp xã: Chọn người để giao việc
(BGĐT)- Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã có nhiệm vụ công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất. Nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang làm tốt nhưng vẫn còn trường hợp sai sót ảnh hưởng đến người dân. 
 
Khắc phục bất cập trong hoạt động công chứng tư nhân
(BGĐT) - Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 11 văn phòng công chứng tư nhân. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực của các tổ chức, cá nhân, hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng tư nhân vẫn còn những bất cập về nghiệp vụ, mức thu lệ phí mỗi nơi một kiểu.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...