Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khơi dậy tình yêu biển đảo

Cập nhật: 09:43 ngày 04/06/2022
(BGĐT) - Tuổi trẻ Bắc Giang có nhiều hoạt động sôi nổi hướng về biển đảo quê hương. Các hoạt động ý nghĩa ấy góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi đoàn viên thanh niên với quê hương, đất nước.

Giáo dục truyền thống

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn thanh niên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đoàn viên thanh niên, học sinh về vai trò, vị trí của biển đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

{keywords}

Giáo viên và học sinh Trường THPT Lục Nam tìm hiểu về biển đảo.

Theo đó, cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” đã được các cấp bộ đoàn, nhà trường triển khai với nhiều hình thức phong phú, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đó là các buổi trao đổi, tọa đàm, thi tìm hiểu về biển đảo, triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu, quyên góp, tặng quà, viết thư động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa.

Trong hai tháng 4 và 5/2022, Trường THPT Lục Nam tiếp tục phối hợp với Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân) tổ chức chuỗi các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhà trường phân công tổ bộ môn khoa học xã hội biên soạn chương trình, nội dung các buổi ngoại khóa giảng dạy về vai trò, vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế của biển Đông, trong đó có các quần đảo trọng yếu của Việt Nam. 

Bằng nhiều cách truyền tải phong phú, thầy, cô giáo giới thiệu trực quan về từng quần đảo, vùng biển. Nhà trường yêu cầu giáo viên sưu tầm tư liệu, hình ảnh về biển đảo quê hương làm tài liệu bổ sung vào chương trình giảng dạy và trưng bày mô hình các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tại phòng truyền thống cho học sinh tìm hiểu. Bằng kiến thức đã học, các em sôi nổi tọa đàm về Luật Biển Việt Nam, những quy ước quốc tế về biển, đảo và bày tỏ tinh thần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Cô giáo Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để học sinh có kiến thức sâu rộng, ngành Giáo dục đưa nội dung giáo dục biển đảo vào giảng dạy tích hợp trong các môn học lịch sử, địa lý, ngữ văn tại các nhà trường. Qua đó khơi dậy cho học sinh tình yêu và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước”.

Để các em hiểu sâu hơn, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các cuộc thi tìm hiểu về vai trò, vị trí địa lý, chiến lược biển, đảo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công cuộc bảo vệ và xây dựng biển đảo. Các em được học lịch sử qua các di tích, tham quan Bảo tàng tỉnh, nhà trưng bày truyền thống để ôn lại những thời khắc lịch sử thiêng liêng. 

Nhiều trường thành lập các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng hát về biển trời quê hương. Em Trần Bá Sáng, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Yên Dũng số 2 nói: Qua mỗi bài giảng, chúng em hiểu hơn về đời sống của chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng, ngọn gió. Em sẽ cố gắng học tập tốt hơn để góp phần gìn giữ, bảo vệ thành quả của cha anh”.

Chăm lo hậu phương người lính

Nối tiếp những hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, công tác hậu phương quân đội cũng được các cơ sở đoàn quan tâm. Để những người lính tiếp tục yên tâm làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, tại quê nhà, Đoàn Thanh niên xã Mai Trung (Hiệp Hòa) thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình có thân nhân đang công tác ngoài hải đảo. 

Trên địa bàn xã có 3 cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở các vùng biển đảo của đất nước. Như gia đình anh Ngô Văn Khiết đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa lớn, vài năm mới về thăm nhà. Ở quê nhà có bố mẹ già, vợ và hai con gái còn nhỏ tuổi. Chia sẻ với hậu phương của người lính đảo, Chi đoàn thôn Cẩm Trang thường xuyên phân công đoàn viên hỗ trợ gia đình việc đồng áng, chăm sóc vườn cây ăn quả… 

Nhờ sự giúp đỡ của đoàn thanh niên, chị Hiền vợ anh Khiết vừa dạy học, vừa làm một mẫu ruộng, chăm sóc cha mẹ già, nuôi dạy các con chăm ngoan để chồng yên tâm công tác.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đại diện Tỉnh đoàn đã đến thăm, tặng quà 40 gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Đoàn viên thanh niên đã ủng hộ gần 300 cây xanh gửi ra những đảo nổi để các chiến sĩ trồng chắn gió, giữ đất. Đoàn Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tổ chức ươm một số loài cây gửi tặng các đảo, trong đó có cây dã hương nổi tiếng của vùng đất Bắc Giang.

Mới đây, ngành Giáo dục tổ chức gặp mặt, tặng quà các nhà giáo, học sinh là vợ, con chiến sĩ đang công tác tại vùng biển đảo. Nhiều cô giáo, học sinh là người thân của cán bộ, chiến sĩ hải quân được tuyên dương giáo viên, học sinh giỏi như: Cô giáo Thân Thị Khánh Vân, xã Mỹ Hà (Lạng Giang), cháu Ngô Quỳnh Anh, Ngô Vân Hà, học sinh giỏi của Trường THCS Mai Trung… Đây là hoạt động thiết thực nhằm động viên vợ, con các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ, giúp người lính yên tâm công tác, canh giữ bảo vệ biển trời của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Minh Thu

Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; là thành trì bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Sáng 13/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Biển đảo, biên cương trong trái tim người lính
(BGĐT) - Thông qua hoạt động tuyên truyền về biên cương, hải đảo giúp cán bộ, chiến sĩ công tác tại các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nâng cao nhận thức, trách nhiệm. Từ đó vun đắp thêm lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Vẻ đẹp biển đảo Việt Nam trong video 1 phút
Video quảng bá du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch thực hiện với mục đích khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương và kích cầu du lịch...
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...