Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhân ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (9-1): Ý tưởng sáng tạo từ nhu cầu thực tiễn

Cập nhật: 07:00 ngày 07/01/2017
(BGĐT) - Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang tổ chức lần thứ 5 vừa diễn ra. Phát huy niềm đam mê khoa học kỹ thuật, nhiều bạn trẻ giàu ý tưởng sáng tạo đã nghiên cứu thành công những sản phẩm hữu ích. 
{keywords}

Sản phẩm "Thiết bị tách nước ngọt giá rẻ cho người dân vùng ngập mặn" của tác giả Đặng Thị Vân Đan và Dương Ngọc Hoàng, Trường THCS Nghĩa Hưng (Lạng Giang).

Thiết thực với đời sống

“Cuộc sống của người dân sinh sống trên các đảo và vùng duyên hải ở nước ta hiện gặp rất nhiều khó khăn do nước sinh hoạt nhiễm mặn. Từ thực tế đó, em nảy ra ý tưởng biến nước mặn thành nước ngọt phục vụ đời sống”- bằng giọng nói truyền cảm, em Đặng Thị Vân Đan, lớp 9A, Trường THCS Nghĩa Hưng (Lạng Giang) thuyết trình trước Hội đồng chấm thi về sản phẩm “Thiết bị tách nước ngọt giá rẻ cho người dân vùng ngập mặn”. 

Dựa trên kiến thức môn Vật lý và môn Công nghệ, Đặng Thị Vân Đan cùng bạn là Dương Ngọc Hoàng vận dụng nguyên lý bay hơi và ngưng tụ để tách muối trong nước nhiễm mặn. Sản phẩm gồm một chiếc gương cầu lõm, giá đỡ, hệ thống ống dẫn, ống thu nhiệt Thái Dương, bình chứa nước biển và bình chứa nước lọc. Khi ánh nắng chiếu trực tiếp xuống gương, tạo nhiệt năng làm nước nhiễm mặn ở bình chứa bay hơi và ngưng tụ theo ống dẫn chảy về bình chứa. Đây chính là quá trình chia tách giữa muối và nước. Qua các xét nghiệm, nước sau khi tách lọc không còn vị mặn, có thể sử dụng trong sinh hoạt. Với ưu điểm chi phí rẻ, vận hành đơn giản, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân vùng ven biển, hải đảo, sản phẩm đã giúp hai em giành giải Nhất lĩnh vực Vật lý năng lượng.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh được Sở GD&ĐT tổ chức lần đầu tiên vào năm học 2012- 2013. Năm nay có 91 sản phẩm và 39 đơn vị dự thi, tăng 68 sản phẩm và 24 đơn vị so với năm đầu cho thấy sức hấp dẫn của sân chơi trí tuệ này. Một số đơn vị lần đầu tham dự như: Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Dạy nghề Hiệp Hòa; Trường THPT Giáp Hải (TP Bắc Giang)...

Trong những ngày diễn ra cuộc thi, giáo viên, học sinh các trường tham gia ấn tượng với cậu bé Võ Thanh Tùng, Trường THCS Nguyên Hồng (Tân Yên) với sản phẩm “Máy bắn bóng hỗ trợ tập luyện môn bóng bàn”. Môn thể thao này vốn phải có hai người chơi, nhiều lúc muốn giải trí mà không có người đồng hành. Ý nghĩ làm thế nào để một người cũng có thể tự tập bóng bàn tại nhà thôi thúc em và bạn là Nguyễn Thanh Hà tìm tòi, nghiên cứu. 

Nguyên liệu làm ra sản phẩm khá đơn giản, dễ mua hoặc tận dụng từ phế liệu như mô tơ, một đoạn ống PVC, phễu nhựa, miếng cao su. Giá thành chỉ hơn một triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với ngoài thị trường. Được thầy giáo Võ Công Viên hướng dẫn, sau gần hai tháng Tùng và Hà hoàn thành sản phẩm. Tùng cho hay: "Máy có thể điều chỉnh bắn bóng nhanh hoặc chậm, bóng bay theo hướng thẳng hoặc chuyển sang trái - phải giúp người chơi hứng thú luyện tập. Sản phẩm giành "cú đúp": Giải nhất lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và nhất toàn cuộc. Được biết, hiện nay, nhiều cán bộ, giáo viên, người dân đã liên hệ đặt mua sản phẩm để sử dụng. 

Rút ngắn khoảng cách nghiên cứu và thực tiễn 

Bắc Giang được Bộ GD&ĐT đánh giá là địa phương có chất lượng thi khoa học kỹ thuật khá cao, năm học 2015-2016 đứng thứ 6 các tỉnh khu vực miền Bắc. Kết quả này phản ánh sự quan tâm của ngành trong việc khuyến khích học sinh mạnh dạn đề xuất ý tưởng, vận dụng kiến thức bài học để ứng dụng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Cùng đó, ban giám hiệu các trường tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh phát huy ý tưởng sáng tạo. 5 năm qua có 302 sản phẩm dự thi, trong đó nhiều mô hình, dự án, sản phẩm có sự đầu tư công phu về trí tuệ, giành giải cao trong cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia và khu vực. Nếu được phát triển, nhân rộng, ứng dụng trong thực tiễn sẽ phát huy hiệu quả tích cực.  

Những năm qua, Sở GD&ĐT khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên mới có một số sản phẩm gắn bó mật thiết với sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ khí chế tạo... được các nhà trường tuyên truyền, phổ biến giúp nhân dân ứng dụng. 

Theo ông Bạch Đăng Khoa, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục dân tộc (Sở GD&ĐT), sau 5 năm tổ chức cuộc thi, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư phát triển sản phẩm khoa học kỹ thuật lên tầm cao mới, phục vụ đời sống. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ còn gặp khó khăn về thủ tục khiến nhiều giáo viên, học sinh nản lòng. Sau cuộc thi, học sinh tập trung trở lại việc học và không ít sản phẩm rơi vào quên lãng. 

Thời gian tới, Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục dân tộc tiếp tục tham mưu với Sở GD&ĐT chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các dự án, sản phẩm đoạt giải; kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ phát triển các dự án phù hợp với đặc thù điều kiện đời sống, lao động sản xuất ở địa phương. Kết nối thường xuyên hơn với đơn vị tổ chức và tác giả, nhà đầu tư để sản phẩm chất lượng được đăng ký sở hữu trí tuệ, sớm tìm được chỗ đứng trên thị trường và đến được với người tiêu dùng.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...