Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Về kiến nghị của một số người dân xã Bình Sơn (Lục Nam): Đòi hỏi đền bù vô lý, vận dụng sai quy định bình xét hộ nghèo

Cập nhật: 09:39 ngày 09/12/2020
(BGĐT) - Báo Bắc Giang nhận được đơn kiến nghị của bà Vũ Thị Mai cùng một số người dân thôn Tân Bình, nay vừa sáp nhập thành thôn Bình Giang, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) về việc bị cán bộ thôn chặt phá cây ăn quả nhưng không được đền bù và có khuất tất trong bình xét hộ nghèo. Qua tìm hiểu thực tế, sự việc đã được làm sáng tỏ.

Chặt bỏ cây để làm nghĩa trang chung

Thôn Tân Bình trước đây được thành lập từ năm 1986 do một số người dân ở tỉnh Bắc Ninh lên khai hoang, làm kinh tế mới. Để tạo điều kiện cho người dân sinh sống, Hợp tác xã (HTX) Tân Mộc (Lục Ngạn) đã bàn giao cho HTX Tân Bình một phần diện tích đất canh tác, trong đó có khu Sáu sào. Theo chủ trương của Nhà nước, năm 1993, HTX Tân Bình tiến hành chia đất đến từng hộ dân, riêng khu đất Sáu sào không chia mà để lại làm khu nghĩa trang của thôn.

{keywords}

Bà Vũ Thị Mai, thôn Bình Giang, xã Bình Sơn chỉ vị trí trước đây gia đình tự trồng cây ăn quả trên đất nghĩa trang của thôn, nay đã bị chặt phá.

Do khu nghĩa trang có ít mộ nên khoảng năm 2014, 2015, 2016 gia đình ông Vũ Cao Hùng đã tận dụng trồng hoa màu; các hộ bà Vũ Thị Mai, Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Chào tự trồng cây ăn quả trên đó, gồm vải thiều, nhãn, cam. Ông Nguyễn Đức Phú, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình cho biết: “Năm 2017, Chi bộ và Ban lãnh đạo thôn thống nhất đề ra chủ trương cải tạo khu nghĩa trang của thôn như xây dựng hàng rào và lối vào. Vì thế, bắt buộc phải giải tỏa hoa màu và cây ăn quả của người dân đã tự trồng trên đó”.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 19/9/2017, thôn Tân Bình tổ chức họp dân triển khai công tác cải tạo nghĩa trang thôn. Tại đây, các hộ ông, bà: Vũ Cao Hùng, Vũ Thị Mai, Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Chào đều ký cam kết không canh tác hoa màu; đồng thời chuyển số cây ăn quả đi nơi khác, thời gian chậm nhất đến hết ngày 30/12/2017 (âm lịch). Quá thời hạn trên, thôn có quyền đánh đi hoặc chặt bỏ toàn bộ số cây này.

Tuy nhiên quá ngày 30/12/2017 (âm lịch) song các hộ trên vẫn không chấp hành những cam kết trước đó. Để giải quyết triệt để vấn đề này, tháng 10/2018, Chi bộ thôn Tân Bình họp thống nhất chỉ đạo nhân dân tiến hành giải tỏa hoa màu, cây ăn quả trong khu nghĩa trang. 

Theo báo cáo của bà Ngô Thị Mai, nguyên Trưởng thôn Tân Bình: “Trước khi giải tỏa, đại diện chi bộ, lãnh đạo thôn và các đoàn thể đã đến gặp gỡ 4 gia đình trên. Các gia đình này đều nhất trí và nhờ thôn huy động thêm người để chuyển giúp số cây ăn quả ra vị trí mới. Riêng số cây vải thiều của gia đình bà Vũ Thị Mai không thể chuyển được, đành chặt bỏ”.

Gần đây, khi chúng tôi làm việc với bà Vũ Thị Mai, được biết bà đề nghị thôn đền bù số cây đã bị chặt theo mức giá Nhà nước đã áp dụng khi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có thể nói, những đòi hỏi của bà Mai và một số người dân nơi đây là không có cơ sở để xem xét giải quyết bởi số cây của gia đình bà cũng như một vài hộ dân khác đã tự ý trồng trên đất của thôn để làm khu nghĩa trang chung. Các hộ này cũng đã cam kết nếu không chuyển toàn bộ số cây trồng trên đi nơi khác thì thôn có quyền xử lý.

Vào hộ nghèo vì… có con đang đi học

Về hộ ông Nguyễn Đình Hùng (SN 1974), con trai ông Nguyễn Đức Phú, nguyên Bí thư Chi bộ thôn nằm trong danh sách hộ nghèo không đúng quy định, qua làm việc, chúng tôi được lãnh đạo UBND xã Bình Sơn cho biết, Ban thống kê, rà soát hộ nghèo, cận nghèo thôn Tân Bình năm 2018 đã chấm điểm hộ nghèo, cận nghèo đối với hộ ông Nguyễn Đình Hùng như sau: Tổng điểm phiếu B1 là 110 điểm, phiếu B2 là 30 điểm. Trong khi đó, hộ ông Hùng vẫn đang ở nhờ nhà của bố mẹ đẻ (ông Hùng tách khẩu- PV); xe ô tô ông Hùng đang đi cũng là đứng tên bố ông Hùng. Căn cứ vào quy định thì hộ ông Nguyễn Đình Hùng vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Thế nhưng, về gia đình ông Nguyễn Đình Hùng tìm hiểu, chúng tôi lại thấy cơ ngơi vợ con ông Hùng đang sinh sống cùng với bố mẹ đẻ khá khang trang, thậm chí có cả xe ô tô. Ông Hùng hiện đang làm Trưởng thôn Bình Giang kiêm công an viên của thôn.

Khi hỏi về việc vì sao gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, ông Hùng thừa nhận, lúc đó bà con trong thôn thấy gia đình có 3 con đang đi học (bậc THCS và THPT) nên đã bình bầu để vào hộ nghèo nhằm tạo điều kiện giúp gia đình giảm bớt chi phí cho con ăn học (!?). “Một phần cũng là do chỉ tiêu phân bổ số hộ nghèo được công nhận về thôn lúc đó khá cao nên nhiều trường hợp chưa thực sự khó khăn vẫn được đưa vào hộ nghèo”, ông Nguyễn Đức Phú - bố đẻ ông Hùng nói.

Về vấn đề này, ông Lý Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, sự việc đã diễn ra từ những năm trước. Năm 2020, hộ ông Hùng không thuộc diện hộ nghèo nữa. Địa phương sẽ rút kinh nghiệm trong việc bình xét hộ nghèo thời gian tới chặt chẽ, sát thực tế hơn.

Qua hai sự việc trên cho thấy, cấp ủy, chính quyền xã Bình Sơn cần tăng cường công tác tuyên truyền, động viên mọi người dân đồng thuận khi thực hiện các nhiệm vụ chung; kiên quyết phê phán những trường hợp cố tình đi ngược lại những chủ trương, chính sách của địa phương; đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định về bình xét hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, tránh lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi.

Đỗ Thành Nam
Xã Yên Mỹ (Lạng Giang): Cần làm rõ trách nhiệm của bà Trần Thị Lâm
(BGĐT) - Báo Bắc Giang nhận được đơn của công dân (xin được giấu tên) ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tố cáo bà Trần Thị Lâm (SN 1977), Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Yên Mỹ chưa học xong chương trình THCS; sử dụng máy tính được cơ quan trang bị vào mục đích cá nhân; mua một số văn phòng phẩm với giá cao nhằm tư lợi. 
Đình chỉ hoạt động của cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm
(BGĐT) – Cơ quan chức năng huyện Sơn Động đã đình chỉ hoạt động Công ty TNHH một thành viên Chế biến lâm sản 1945 do xưởng sản xuất của doanh nghiệp này ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) gây khói, bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân địa phương. 
Cơ sở chế biến gỗ ở xã Cẩm Đàn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường
(BGĐT) – Những ngày gần đây, người dân xã Cẩm Đàn (Sơn Động) liên tục phản ánh về tình trạng bụi, khói và tiếng ồn phát ra từ một cơ sở chế biến gỗ, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân.
Vụ tố bị làm giả ảnh "nóng" ở Lục Nam: Đề nghị kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm
(BGĐT)- Bà Nguyễn Thị Mật, thôn Cẩm Y, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang) tố giác bị người khác làm giả ảnh “nóng” phát tán nhiều nơi để làm nhục. Điều bà Mật bức xúc là đối tượng có hành vi trên chưa bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Tranh chấp đất tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa): Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
(BGĐT) - Hộ ông Trần Văn Vinh ở thôn Chằm, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) làm đơn kêu cứu vì bị những người họ hàng hành hung, chiếm giữ nhà đất gia đình quản lý, sử dụng ổn định hàng chục năm nay. Trong khi đó, chính quyền, cơ quan chức năng không có động thái tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của ông.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...