Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải quyết chế độ người có công đối với cụ Trần Thị Bé: Cần thấu tình, đạt lý

Cập nhật: 14:44 ngày 01/08/2018
(BGĐT) - Báo Bắc Giang nhận thư công dân phản ánh cụ Trần Thị Bé (SN 1918) ở xã Phồn Xương (Yên Thế) có công nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa nhưng đến nay chưa được giải quyết chế độ ưu đãi người có công. Vì sao đề nghị của cụ Bé chưa được  giải quyết?
{keywords}

Giấy chứng nhận Ty Thương binh và Xã hội Hà Bắc cấp cho gia đình cụ Ngô Văn Sang ghi tên cụ Trần Thị Bé là thành viên trực tiếp có công giúp đỡ cách mạng.

Ông Nguyễn Minh Thuộc là con rể của cụ Ngô Văn Sang (SN 1919) và cụ Trần Thị Bé (SN 1918) ở thôn Mạc, xã Phồn Xương thông tin: Do có công nuôi dưỡng và giúp đỡ một số cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa nên ngày 13-12-1967, gia đình mẹ vợ ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”. Trên Bằng ghi tặng “Gia đình ông Ngô Văn Sang, xã Hữu Xương (nay là Phồn Xương), huyện Yên Thế, đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”. Năm 1980, Ty Thương binh và Xã hội Hà Bắc cấp Giấy chứng nhận gia đình có công với cách mạng kèm theo danh sách các thành viên trực tiếp có công gồm: “Ông Ngô Văn Sang, cụ Hoàng Thị Quán, bà Trần Thị Bé”- là mẹ và vợ cụ Sang. Hiện cụ Bé còn lưu giữ Bằng và Giấy chứng nhận này. 

Theo gia đình, có thời gian cả ba thành viên trên đã được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Hiện hai người đã mất, chỉ còn cụ Bé năm nay 100 tuổi. “Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, thấy mẹ tôi có đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi người có công giúp cách mạng nên gia đình làm hồ sơ có xác nhận của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng huyện Yên Thế, tháng 4-2017 đã gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Tuy nhiên, đến nay hồ sơ chưa được xét duyệt”- Ông Thuộc cho biết.

{keywords}

Sở đã liên hệ với Ban Thi đua - khen thưởng T.Ư để sao chụp hồ sơ của gia đình ông Ngô Văn Sang và sẽ xem xét kỹ lưỡng trường hợp này, bảo đảm cụ Trần Thị Bé là người có công với nước thì phải được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định”.


Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH


Ông Phạm Trọng Ý, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) cho hay: Nhận đơn của ông Thuộc, Phòng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tìm hồ sơ khen thưởng lưu tại tỉnh, huyện nhưng chưa thấy. Theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công giúp đỡ cách mạng gồm: “Giấy tờ chứng minh đã được khen tặng vì thành tích giúp đỡ cách mạng; quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH”. 

Do cụ Bé không có tên trong Bằng “Có công với nước” nên việc xem xét giải quyết chế độ thực hiện theo Thông tư 05 năm 2013 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thủ tục lập, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân. Điều 38 Thông tư 05 quy định: “Trường hợp người có công với cách mạng có tên trong hồ sơ khen thưởng nhưng không có tên trong Bằng “Có công với nước”, huân, huy chương kháng chiến của gia đình thì kèm theo giấy xác nhận của cơ quan thi đua - khen thưởng cấp huyện”. Tuy nhiên, Hội đồng Thi đua- Khen thưởng huyện Yên Thế cũng không lưu được hồ sơ khen thưởng mà chỉ căn cứ vào giấy tờ cụ Bé cung cấp để xác nhận. Với lý do này, tại công văn hướng dẫn nghiệp vụ gửi Sở LĐ-TB&XH ngày 26-6-2017, Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng chưa đủ cơ sở giải quyết chế độ đối với cụ Trần Thị Bé.

Ngày 28-6, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục gửi công văn tới Ban Thi đua- Khen thưởng T.Ư đề nghị xác nhận việc khen thưởng đối với cụ Trần Thị Bé. Ngày 5-7 vừa qua, Ban Thi đua- Khen thưởng T.Ư có công văn trả lời không tìm thấy tên Trần Thị Bé trong hồ sơ khen thưởng của gia đình cụ Ngô Văn Sang.

{keywords}

Cụ Trần Thị Bé.

Ông Lê Anh Thơ, nguyên cán bộ bộ phận hồ sơ Ty Thương binh và Xã hội Hà Bắc, người viết giấy chứng nhận cho gia đình cụ Sang năm 1980 hiện đã nghỉ hưu khẳng định, chữ viết trong “Giấy chứng nhận gia đình có công với cách mạng- Gia đình ông Ngô Văn Sang” ngày 1-10-1980 là chữ viết của mình. Theo ông Thơ, việc xác định đối tượng người có công do hội đồng thi đua- khen thưởng ba cấp xã, huyện và tỉnh và các cơ quan liên quan xét duyệt rất chặt chẽ, có xác nhận của cán bộ được giúp đỡ và nhân dân sở tại… Hồ sơ bên thi đua- khen thưởng chuyển sang ghi thế nào ông viết thế ấy, không thể tự viết thêm tên cụ Bé vào được.

Nói về sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, dù hồ sơ khen thưởng gốc không còn thì giấy chứng nhận của Ty Thương binh và Xã hội cũng có thể coi là một căn cứ để công nhận cụ Trần Thị Bé là người có công giúp đỡ cách mạng”.

Hồ sơ, thủ tục công nhận gia đình cụ Sang có công với nước được thực hiện theo Quyết định 208-CP ngày 20-7-1977 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thi hành chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng (nay đã hết hiệu lực thi hành). Các văn bản này nêu rõ: “Gia đình có công với cách mạng là gia đình có chủ gia đình và ít nhất là một người thân nữa trở lên (bố, mẹ, vợ, chồng hoặc con…) cùng sống chung trong gia đình lúc đó đã trực tiếp giúp đỡ cách mạng. Trong gia đình có công với cách mạng, chỉ người có công chủ yếu được đứng tên trong quyết định khen thưởng...”. Gia đình cụ Ngô Văn Sang được tặng Bằng “Có công với nước” đương nhiên ngoài chủ gia đình là cụ Sang còn có thêm thành viên khác. Được biết cụ Bé kết hôn với cụ Sang từ năm 16 tuổi.

Việc chưa tìm thấy hồ sơ khen thưởng đối với gia đình cụ Ngô Văn Sang là lỗi lưu trữ của cơ quan chuyên môn liên quan. Do đó, Sở LĐ-TB&XH cần xem xét, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các quy định, bảo đảm giải quyết đề nghị của cụ Trần Thị Bé và gia đình thấu tình đạt lý, không để người có công phải thiệt thòi.

Thùy Ninh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...